xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

20.000 lượt người tham dự 2.745 người có việc làm

NHÓM PV VIỆC LÀM

VIỆC LÀM.- Theo ông Lê Viết Xê - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, mục tiêu giải quyết việc làm của tỉnh thời kỳ 2001 - 2005 là mỗi năm mang lại 1 vạn việc làm cho người lao động, nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo lên 25%.

Với 2.745 việc làm được giải quyết tại chỗ và hàng ngàn hồ sơ được DN xem xét, hội chợ này đã làm hài lòng các cơ quan chức năng, các lãnh đạo tỉnh nhà, giải quyết một vấn đề hết sức bức xúc của các DN trong tỉnh. Báo Người Lao Ðộng có mặt tại hội chợ không chỉ với tư cách nhà bảo trợ thông tin, mà còn là “đại lý” cung ứng việc làm tập hợp từ các DN phía Nam và là nhà tổ chức các diễn đàn đối thoại, giao lưu...

Sáng 7-9, trái với nỗi lo của Ban Tổ chức về một cơn mưa xứ Huế bất chợt vào cuối thu, bầu trời cố đô trong xanh dễ chịu. Lễ khai mạc Hội chợ Việc làm (HCVL) tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2002 đã diễn ra tại Cung An Ðịnh trong  cờ hoa rực rỡ và tràn ngập ánh nắng. Nét trầm lắng của người dân nơi đây như tạm mất đi, thay vào đó là khí thế hân hoan, nô nức với hàng ngàn người lao động đổ về hội chợ.

“Răng mà ai cũng ưng về gian hàng Báo Người Lao Ðộng hết trơn rứa!”

Tại ngã ba đường Nguyễn Huệ - Lê Hồng Phong, hàng trăm người tìm việc nôn nóng dựng ngổn ngang xe đạp, xe gắn máy trước cổng Cung An Ðịnh chờ “lệnh nhập môn” của tổ bảo vệ. Trước lễ khai mạc hơn một giờ, gian hàng Báo Người Lao Ðộng, án ngữ đường vào khu vực trung tâm của hội chợ, đã chật cứng. Người người lũ lượt vây lấy thông tin về 190 chỗ làm của 26 doanh nghiệp TPHCM, Bình Dương và Ðồng Nai. 4 sinh viên thực tập của báo đã tình nguyện làm công tác phát - thu phiếu tuyển dụng có vẻ bị bất ngờ và choáng ngợp trước dòng người đông đúc.

Hơn 10 giờ sáng, Sở LÐ-TB-XH TPHCM chuyển thêm cho Báo Người Lao Ðộng nhu cầu tuyển 200 bác sĩ để công tác tại các trung tâm xã hội của sở, sau đó là 20 nhu cầu của các Công ty Nestle, Pepsi (chi nhánh Huế) và Công ty Kiểm tra chất lượng ISO - Hàn Quốc, gian hàng của báo thật sự quá tải. Cùng Thứ trưởng Bộ LÐ-TB-XH Trần Vinh Quang và các đại diện ban tổ chức đến thăm gian hàng của báo, ông Ngô Văn Chiến - Giám đốc Sở LÐ-TB-XH tỉnh Thừa Thiên - Huế, đặt câu hỏi vui: “Báo Người Lao Ðộng có bí quyết thu hút chi không hè? Răng mà ai cũng ưng về gian hàng ni hết trơn rứa?”.

Bạn Phạm Ngọc Vinh, tốt nghiệp khoa QTKD ÐH Huế, cho biết: “Các vị trí tuyển dụng ở Chương trình Việc làm của Báo Người Lao Ðộng hấp dẫn quá, lương cũng thiệt sướng. Ngoài ni không có mức lương đó mô”. 900 phiếu được phát ra và hơn 100 phiếu đảm bảo điều kiện tuyển dụng ban đầu được thu nhận cho thấy sức hút của các doanh nghiệp (DN) phía Nam.

95% người đến HCVL là bạn trẻ mới tốt nghiệp

Lần đầu tiên tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức HCVL nhưng các chương trình đều được “chạy” rất trơn tru. Nếu như các DN tại địa phương như: Ðiện tử Huế, Dệt may xuất khẩu Huế, Trung tâm Công nghệ Phần mềm Thừa Thiên - Huế... chú trọng việc giới thiệu sản phẩm, công nghệ của mình thì các DN phía Nam lựa chọn phương án tác chiến nhanh gọn: Phỏng vấn trực tiếp - tuyển dụng tại chỗ. 2.500 hồ sơ được các DN tiếp nhận và hẹn phỏng vấn. Qua hai ngày hội chợ, có 20.000 lượt người tham dự, 2.745 người có việc làm, các DN phía Nam giới thiệu 400 việc làm. 

Song song cùng hoạt động tuyển dụng, các trường đại học, trung học chuyên nghiệp của tỉnh cũng “tiếp thị” năng lực đào tạo của trường mình đến học viên. 95% người đến hội chợ là những bạn trẻ mới tốt nghiệp cùng đông đảo đoàn viên thanh niên, đoàn viên công đoàn đã sôi nổi tham gia các chương trình giao lưu, diễn đàn...

Các diễn đàn mở ra tầm nhìn mới

Ông Trần Xuân An, Trưởng Ban Công tác Chính trị sinh viên Trường ÐH Huế, nhận xét: “Các diễn đàn, giao lưu chính là cơ hội để tuổi trẻ trong tỉnh biết định hướng nghề nghiệp đúng, đồng thời tiếp nhận được những kiến thức, kỹ năng tìm việc mới mẻ, hiệu quả. Ðây chính là nền tảng để tìm được việc làm ổn định”. Bạn Nguyễn Thị Nhã Ưng, sinh viên năm cuối ÐH Sư phạm Huế, cho rằng: “Sinh viên Huế còn rất yếu kỹ năng tìm việc. Các chuyên viên nhân sự do Báo Người Lao Ðộng mời đến từ TPHCM đã cung cấp cho họ những bài học bổ ích trước khi bước vào thế giới việc làm”.

Số lượng việc làm liên tục tăng lên từ 5.300, 6.000 rồi hơn 8.000 qua hai ngày hội chợ chứng minh rằng tiềm năng sử dụng lao động của các DN trong tỉnh là rất lớn. HCVL còn cho thấy việc liên kết đào tạo, giải quyết việc làm với các DN cũng như các sở, ban ngành của các địa phương khác là cần thiết trong kế hoạch kinh tế - xã hội lâu dài của địa phương.

 

 Thứ trưởng Bộ LÐ-TB-XH  Trần Vinh Quang :

Tôi đánh giá cao mức độ “phủ sóng” của Báo Người Lao Ðộng

Tính quy mô, chu đáo và đúng thời điểm là những yếu tố nổi bật cùng với công sức, sự tâm huyết của các cấp lãnh đạo tỉnh, sự tham gia nhiệt tình của người lao động mang lại sự thành công cho hội chợ. Bên cạnh đó, vai trò to lớn của các cơ quan thông tin đại chúng cũng rất quan trọng. Ðặc biệt, tôi đánh giá cao mức độ “phủ sóng” của Báo Người Lao Ðộng, một mặt đã tuyên truyền rất tốt cho hội chợ, một mặt làm cầu nối thông tin tuyển dụng, cung cấp cho người lao động Thừa Thiên - Huế hàng trăm cơ hội việc làm từ TPHCM và các tỉnh phía Nam. 

 

 

 Ông Phan Công Tuyên - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế:

Thành công của hội chợ, được nhân lên từ kinh nghiệm và uy tín của báo

Ngay từ bước đầu tổ chức HCVL, chúng tôi đã chú trọng vấn đề thông tin tuyên truyền và “đặt hàng” ngay Báo Người Lao Ðộng vì dựa trên kinh nghiệm và uy tín của tờ báo. Báo Người Lao Ðộng đã thông tin rất chặt chẽ tiến trình tổ chức hội chợ, từ đó, chúng tôi tự tin hơn trong việc triển khai HCVL. Có thể nói rằng, thành công của HCVL không chỉ giải quyết một vấn đề xã hội hết sức cơ bản tại địa phương, mà qua báo, các cơ quan Trung ương và các tỉnh bạn sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về tỉnh Thừa Thiên - Huế để có sự giao lưu, học hỏi lẫn nhau, đồng thời có định hướng hợp tác lâu dài trong những năm tới.

 

Ông Ngô Văn Chiến - Giám đốc Sở LÐ-TB-XH Tỉnh Thừa Thiên - Huế:

Công sức chúng tôi bỏ ra đã không bị lãng phí

 

Công sức, tâm huyết, nỗ lực... đó là những trách nhiệm bắt buộc của chúng tôi - những lãnh đạo đầu ngành có nhiệm vụ giải quyết những vấn đề về dân sinh, xã hội của tỉnh nhà. Từ thực tế tại địa phương là cung lớn hơn cầu, dẫn đến tình trạng thừa người thiếu việc và tỉ lệ thất nghiệp còn khá cao, chúng tôi hướng đến các tỉnh bạn. Qua Báo Người Lao Ðộng, một lượng lớn chỗ làm từ TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với mức lương khá hấp dẫn đã được mang đến cho người lao động Thừa Thiên - Huế. Ðiều này chứng minh mức độ vươn xa cũng như tính chuyên nghiệp của Báo Người Lao Ðộng trong lĩnh vực giải quyết việc làm. Chúng tôi rất mừng vì công sức của chúng tôi vào TPHCM và Bình Dương họp báo, vận động đã không bị lãng phí. Tôi thật sự cảm ơn Báo Người Lao Ðộng đã nhận bảo trợ thông tin.

 

Ông Ðào Công Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động với nước ngoài, Bộ LÐ-TB-XH:

Hội chợ Việc làm là bước khai phá...

Những năm qua, hoạt động xuất khẩu lao động (XKLÐ) trong cả nước diễn ra khá sôi nổi, thực sự, tiềm năng XKLÐ của chúng ta là rất lớn. 8 tháng đầu năm 2002, đã có 2,9 vạn lao động VN sang làm việc tại thị trường các nước. Từ nay đến cuối năm con số này tăng lên 4 vạn không phải là điều khó nếu chúng ta khai thác tốt nguồn nhân lực trong nước. HCVL tỉnh Thừa Thiên - Huế lần này là bước khai phá chiến lược trong việc đẩy mạnh XKLÐ tại các tỉnh miền Trung. Nguồn nhân lực ở đây dồi dào, người lao động chịu thương chịu khó... chắc chắn đáp ứng tốt nhu cầu tuyển dụng.

 

 Bên lề...

1. Gian hàng đông ứng viên nhất là gian hàng của Báo Người Lao Ðộng. Chỉ mới hơn 7 giờ sáng đã có gần 100 lượt người đến “viếng”. Lý do hết sức đơn giản: Mức lương rao tuyển tại gian hàng của báo cao nhất hội chợ: trung bình 2,5 triệu đồng/ tháng.

2. Quy mô nhất hội chợ là gian hàng kép của Công ty Xây lắp Thừa Thiên - Huế. Bên cạnh việc giới thiệu hàng loạt vật liệu xây dựng tiêu biểu của công ty, gian hàng này còn “khuếch trương thanh thế” bằng việc trưng bày 4 sa bàn về các công trình mà công ty đã xây dựng.

3. Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên - Huế là đơn vị giới thiệu việc làm duy nhất tại hội chợ bày bán các sản phẩm tiêu dùng. Ðặc biệt là các sản phẩm này (như tranh thêu, quần áo, áo len đan...) được chính các học viên học nghề tại trung tâm làm ra.

4. Bắt mắt nhất là gian hàng của Hợp tác xã Thêu Phú Hòa. Bên cạnh nhiều bức tranh thêu tay về phong cảnh cố đô lộng lẫy, các nghệ nhân ở đây còn biểu diễn thêu tranh thủ công tại chỗ, được rất đông người xem chiêm ngưỡng và thán phục.          Q. Dương

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo