xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kinh đô kháng chiến nhà Hậu Lê bị lãng quên

Bài và ảnh: THANH TUẤN

Từng đóng vai trò quan trọng trong việc trung hưng nhà Lê nhưng kinh đô Vạn Lại - Yên Trường (Thanh Hóa) giờ chỉ còn là phế tích

Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường, hay còn gọi là kinh đô Nam triều, hiện thuộc địa phận 2 xã Thuận Minh và Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây từng là kinh đô kháng chiến của nhà Lê thời Lê Trung Hưng gần 50 năm, chứng kiến 3 đời vua lên ngôi, 7 kỳ thi tiến sĩ... Nhưng sau 500 năm, vùng đất vàng son một thuở nay chỉ còn lại vài dấu tích.

Chứng tích thời Lê Trung Hưng

Sách "Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường" của Nhà Xuất bản Thanh Hóa (năm 2021) viết: Những năm cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, cuộc nội chiến kéo dài hơn 60 năm giữa tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh và nhà Mạc đã khiến cho đời sống nhân dân vô cùng cực khổ.

Năm 1527 (năm Đinh Hợi), lợi dụng lúc tình hình đất nước rối ren, Mạc Đăng Dung - một trong những bề tôi nhà Lê - đã uy hiếp, ép vua Lê Cung Hoàng nhường ngôi, đồng thời lùng sục khắp nơi nhằm tiêu diệt con cháu nhà Lê và quan lại trung thành.

Trong bối cảnh đó, An Thành hầu Nguyễn Kim đã bí mật sang vùng Ai Lao (nước Lào ngày nay) gây dựng căn cứ. Năm 1533, ông cử người về Thanh Hóa tìm con cháu dòng họ Lê là Lê Ninh đưa sang lập làm vua - tức vua Lê Trang Tông, giương cao ngọn cờ phù Lê diệt Mạc.

Kinh đô kháng chiến nhà Hậu Lê bị lãng quên- Ảnh 1.

Những dấu tích còn sót lại của kinh đô Vạn Lại - Yên Trường

Năm 1540, Nguyễn Kim đem quân từ Ai Lao về nước đánh nhà Mạc, được nhiều hào kiệt trong nước theo giúp. Tuy nhiên, năm 1545, ông bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất hại chết. Trịnh Kiểm - con rể Nguyễn Kim - lên nắm giữ binh quyền, tiếp tục sự nghiệp trung hưng nhà Lê, đánh đuổi nhà Mạc.

Trịnh Kiểm đón vua Lê Trang Tông từ Ai Lao về nước năm 1546, chọn sách Vạn Lại (sách là đơn vị hành chính tương đương làng hoặc xã thời Lý - Trần - Lê) thuộc huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Hóa (nay là xã Thuận Minh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) lập hành điện, lấy Vạn Lại - Yên Trường xây dựng kinh đô, nhằm khẳng định quyền thống trị của vua Lê và nêu cao ngọn cờ phù Lê chống Mạc để quy tụ muôn dân.

Còn theo sách "Đại Việt sử ký toàn thư" (tập 3) và "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" (tập 2): Thái sư Trịnh Kiểm cho rằng lập quốc tất phải căn cứ vào nơi hiểm trở. Sách Vạn Lại, núi đứng sững, nước uốn quanh, thực đáng gọi là nơi hình thế đẹp. Đó là do trời đất xếp đặt để làm chỗ dấy nghiệp đế vương. Trịnh Kiểm bèn sai đào hào, đắp lũy, xây dựng hành điện, mời nhà vua đến đóng tại đó. Một triều đình đầy đủ văn quan, võ tướng với sứ mệnh trung hưng nhà Lê đã được lập nên.

Từ đây, đất nước hình thành 2 vương triều, 2 kinh đô, gồm Nam triều từ Thanh Hóa trở vào thuộc vua Lê; Bắc triều từ Ninh Bình đổ ra, bao gồm cả kinh thành Thăng Long (Đông Kinh) thuộc quyền họ Mạc.

Năm 1533, thấy Vạn Lại gần Lam Kinh, địa thế lúc này trở nên chật hẹp, mà… "địa thế An (Yên) Trường (nay thuộc xã Thọ Lập, Thọ Xuân) cách Vạn Lại khoảng 4 km về phía Đông thì phía tả có núi, phía hữu có sông cái, hình thế rộng rãi, hiểm trở…", Trịnh Kiểm bèn cho dời hành điện đến đó. Từ năm 1546 đến 1593, Vạn Lại - Yên Trường thay nhau trở thành trung tâm của triều đình, hành điện được chuyển qua chuyển lại giữa 2 nơi…

Năm 1593, khi thế lực đã lớn mạnh, nhà Lê đem quân đánh đuổi nhà Mạc ra khỏi Thăng Long, vua trở về Đông Kinh mở ra thời kỳ Lê Trung Hưng. Vạn Lại - Yên Trường kết thúc sứ mệnh lịch sử là kinh đô kháng chiến của nhà Hậu Lê.

Kho lịch sử quý giá cho hậu thế

Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường được các nhà sử học đánh giá có vị trí, vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp trung hưng nhà Lê. Dù tồn tại chỉ gần 50 năm (1546 - 1593) nhưng vùng đất này đã diễn ra nhiều buổi thượng triều bàn luận những quyết sách quan trọng cũng như giao thương với nước ngoài...

Dù được đánh giá là nơi có vai trò, vị trí quan trọng giúp triều Lê dưới thời Lê Trung Hưng tồn tại tới 250 năm nhưng hiện nay Vạn Lại - Yên Trường đang bị lãng quên.

Kinh đô kháng chiến nhà Hậu Lê bị lãng quên- Ảnh 2.

Khu vực giếng Ngọc cỏ mọc um tùm

Ghi nhận thực tế cho thấy nơi từng đặt hành điện của nhà vua (ngay sau trụ sở UBND xã Thuận Minh) cỏ cây um tùm, xen kẽ những cánh rừng cao su. Khảo sát kỹ hơn mới thấy được một vài phế tích là đôi linh vật voi, ngựa làm bằng đá xanh đứng chơ vơ nơi thềm điện xưa.

Tất cả điện miếu, lăng tẩm, hành cung xưa kia đã biến mất bởi thời gian. Những chứng tích khác như giếng mắt rồng, đàn tế Nam Giao, trường thi... hơn 500 năm trước bị cây cỏ bao quanh hoặc mọc lên các công trình nhà ở, trường học… Quanh khu vực này vẫn còn những mảnh gạch ngói, bình gốm vỡ lẫn trong đất đá, bụi cây; trong khu dân cư thì sót lại những bức tượng, chân đế bằng đá xanh... Trong khi đó, thành lũy trước đây đã bị người dân san lấp làm lối đi.

Theo nhà nghiên cứu Hoàng Hùng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thọ Xuân - Yên Định, dù chỉ tồn tại gần 50 năm nhưng kinh đô Vạn Lại - Yên Trường có giá trị rất lớn về lịch sử. "Nếu được quan tâm nghiên cứu khai quật, định hình lại kinh đô thì đây là kho lịch sử quan trọng cho thế hệ mai sau" - ông nhấn mạnh. 

Sớm quy hoạch để khoanh vùng, bảo tồn

Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, cho hay địa phương mong muốn sớm có quy hoạch để khoanh vùng, phục hồi, bảo tồn giá trị của kinh đô Vạn Lại - Yên Trường.

Theo ông Hải, để triển khai lập quy hoạch thì phải có các đợt nghiên cứu khảo cổ học. Năm 2021, đã có một đợt khảo sát khu vực này. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đang lên kế hoạch cho đợt khai quật tiếp theo.

"Việc cấp thiết hiện nay là khoanh vùng, lập quy hoạch bảo tồn, xác định không gian văn hóa... Trong vùng di tích Vạn Lại giờ chủ yếu là đất công sở, trường học; còn khu Yên Trường có 107 nhà dân" - ông Hải nói.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo