xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ao bị “treo”, cá tra khan hiếm

Quốc Dũng - Nguyễn Hải

Giá cá tra nguyên liệu hiện ở mức 22.000 - 23.000 đồng/kg nhưng nông dân vẫn “treo ao” không dám đầu tư nuôi mới

Ông Nguyễn Văn Tươi ở phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc - tỉnh An Giang, một người có hơn 20 năm trong nghề nuôi cá tra, cho biết: “Năm năm về trước, đa số người nuôi cá tra đều hốt bạc và không ít người phất lên thành tỉ phú chỉ sau vài đợt bán cá.
 
Thế nhưng vài năm nay, cũng chính con cá tra đã đẩy không biết bao nhiêu tỉ phú miệt vườn đi đến cảnh nợ nần chồng chất, phá sản”. Nguyên nhân là do giá thức ăn cho cá liên tục tăng, còn giá cá tra không tăng hoặc chỉ tăng nhỏ giọt nên người nuôi luôn thua lỗ.
 
Bán cá đến đâu, “treo ao” đến đó    
 
“Treo ao” là hệ quả tất yếu sau nhiều năm làm ăn thua lỗ. Một số người nuôi cá cố gượng gạo được đến nay chẳng qua là họ đang trong cảnh “phóng lao thì phải theo lao” để mong thời vàng son của cá tra trở lại, song điều đó vẫn còn rất xa vời.
 
Dù giá cá tra nguyên liệu thời gian qua liên tục tăng, hiện đã lên 22.000 - 23.000 đồng/kg (loại cá 850 g/con thịt trắng) nhưng nhiều người nuôi hoặc không có cá bán hoặc bán nhưng vẫn không có lời.
 
Bà Nguyễn Thị Sinh, nuôi 3 ao cá tra tại xã Tân Thành, huyện Lai Vung - Đồng Tháp, cho biết giá cá tra có tăng nhưng giá thức ăn cho cá còn tăng nhanh hơn và đáng lo ngại là chất lượng thức ăn lại giảm sút.
 
Nếu trước đây chỉ cần 1,8 kg thức ăn thì cá sẽ đạt 1 kg song hiện nay phải cần từ 2 kg thức ăn trở lên. Điều này chứng tỏ chất lượng thức ăn không bảo đảm, người nuôi phải chi phí cao hơn. Bởi vậy, với giá cá tra như hiện nay, người nuôi cá chỉ mới huề vốn hoặc lời rất ít nên không thể liều đầu tư nuôi mới...
 
 
img
Giá cá tra nguyên liệu tăng nhưng diện tích ao nuôi đang bị thu hẹp. Ảnh: QUỐC DŨNG


Khu vực cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên - tỉnh An Giang, nơi được xem là lý tưởng cho nghề nuôi cá tra trong ao, dù là vùng nuôi mới phát triển gần đây nhưng nhiều nông dân cũng đang đau đầu vì lỗ lã nên phải giảm diện tích.
 
 Còn nhiều hộ nuôi cá tra tại vùng nuôi Thới Thuận (thuộc phường Thuận An, quận Thốt Nốt - TP Cần Thơ) hiện cũng “sức cùng lực kiệt”. Chỉ cho chúng tôi những ao nuôi trơ đáy, ông Nguyễn Văn Phước, một ngư dân Thới Thuận, khẳng định mấy ao này vừa thu hoạch cá nhưng chẳng còn vốn nuôi tiếp. “Cứ 10 ao cá thu hoạch thì đã có 8 ao bị “treo” rồi” – ông Phước quả quyết.
 
Theo ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang (AFA), tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 80% diện tích ao nuôi cá trong dân đã bị “treo”, hiện chỉ còn khoảng 200-300 ha đang có cá nhưng kích cỡ cá không đồng nhất.
 
“Bà con bán cá đến đâu là treo ao đến đó vì lỗ lã, không còn vốn để tiếp tục đầu tư. Hơn nữa, giá đầu ra nguyên liệu cá tra hiện nay không ổn định, nông dân không dám tiếp tục thả nuôi mới...” - ông Bình cho biết.
 
Nhà máy đóng cửa
 
Do diện tích ao nuôi ngày càng thu hẹp nên dù giá cá nguyên liệu đã tăng khá song các nhà máy vẫn không mua được để sản xuất. Nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết tình trạng thiếu cá tra nguyên liệu đã đến mức trầm trọng, DN phải lùng sục khắp nơi để mua, không còn kén chọn chê bai như trước.
 

Nên có hiệp hội cá tra VN

Ông Lê Chí Bình cho rằng để tháo gỡ khó khăn cho người nuôi thì rất cần sự ra đời của hiệp hội cá tra VN vì tổ chức này sẽ giải quyết được một số vấn đề có lợi cho người nuôi như: Các chính sách hỗ trợ vốn, chống bán phá giá theo Luật Cạnh tranh để người nuôi không còn chịu cảnh bị ép giá bán cá nguyên liệu...

Nhiều chuyên gia trong ngành thủy sản lưu ý người nuôi cá hiện rất thiếu thông tin. Do vậy, cần phải thông tin thị trường kịp thời, chính xác và trung thực để nông dân nắm bắt và có định hướng đầu tư chăn nuôi sao cho hiệu quả.

Q.Dũng

Bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Sông Tiền, cho biết tình trạng thiếu nguyên liệu cá tra đã xảy ra từ giữa tháng 11 đến nay và khả năng còn kéo dài cho đến năm sau.
 
Sáu tháng đầu năm có 10 ao nuôi thì nay chỉ còn 3 ao nên nguồn nguyên liệu thiếu trầm trọng, nhiều nhà máy không có nguyên liệu sản xuất buộc phải đóng cửa.
 
Cũng theo bà Ánh, giá cá tra xuất khẩu thời gian qua tăng lên 2,8 - 2,9 USD/kg, nếu tính theo tỉ giá ngân hàng thì DN xuất khẩu không lãi, còn tính theo tỉ giá thị trường thì chỉ có lãi chút ít.
 
Theo ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trước đây có hơn 360 DN tham gia xuất khẩu thủy sản thì nay chỉ còn 120 DN.
 
Ông Minh cho biết nguồn nguyên liệu hiện tại đang bị thiếu hụt đến 50%. Trong năm 2011, tình trạng thiếu hụt này sẽ còn tiếp diễn do nông dân không còn mặn mà đầu tư nuôi trồng vì sợ rủi ro cũng như không còn vốn. Hiện vẫn chưa có DN nào chốt giá tốt ký kết với nông dân để họ yên tâm đầu tư nuôi trồng...
 
Ông Minh dự báo: Sản lượng cá tra của VN mỗi năm khoảng 1,4 triệu - 1,5 triệu tấn. Nếu tình hình hiện nay không được cải thiện, khả năng năm 2011 sẽ giảm còn 1 triệu tấn, thậm chí 700.000 tấn...
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo