Sáng 31-8, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM tổ chức Hội nghị “Đối thoại giữa doanh nghiệp ngành Công nghệ thông tin-Điện tử với Chính quyền thành phố”.
Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội Tin học TP HCM (HCA), nêu lên một số bức xúc của doanh nghiệp trong ngành CNTT, nhất là các điều khoản trong Nghị định 58/2016/NĐ-CP quy định chi tiết về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự. Theo quy định của Nghị định 58/2016/NĐ-CP thì hầu như thiết bị CNTT nào cũng phải xin phép khi tiến hành kinh doanh hoặc nhập khẩu; gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo ông Tuấn, đâu phải doanh nghiệp nào cũng có trong tay giấy phép kinh doanh các mặt hàng đó hoặc xuất nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự. HCA cũng đã có kiến nghị về quy định này lên Chính phủ cũng như đơn vị chịu trách nhiệm soạn thảo quy định này (Ban Cơ yếu Chính phủ thuộc Bộ Quốc phòng).
Ông Tuấn nói: "Theo Nghị định 58/2016/NĐ-CP thì kể cả kinh doanh một cái máy fax hoặc ổ cứng cũng phải xin phép do nằm trong nhóm sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự khi kinh doanh và xuất nhập khẩu. Trên thực tế, đây chỉ là những sản phẩm thông thường dùng để phục vụ cho công việc kinh doanh, sản xuất".
Tại đối thoại, điều 292 của Bộ Luật Hình sự một lần nữa lại được đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp… nêu ý kiến cần được điều chỉnh.
Theo HCA, với điều 292 của Bộ Luật Hình sự (BLHS) sửa đổi năm 2015, có khả năng một số dự án khởi nghiệp sẽ “chuyển vùng” ra nước ngoài do e ngại việc vướng phải tội danh hình sự xuất phát từ điều 292 của bộ luật này.
Buổi đối thoại giữa các doanh nghiệp ngành CNTT-Điện tử với chính quyền TP HCM Ảnh: Chí Thịnh
Ông Lại Đức Nhuận, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển phần mềm Larion (Công viên phần mềm Quang Trung) cho rằng, điều 292 của BLHS sẽ làm các doanh nghiệp cũng như dự án khởi nghiệp “nản lòng”; khó lòng phát triển các ý tưởng sáng tạo… Các cơ quan quản lý Nhà nước nên cân nhắc lợi hại khi áp dụng điều luật này; xem xét giá trị mang lại từ điều luật này.
Ngoài ra, cũng có một số ý kiến về ưu đãi thuế thu nhập cá nhân dành cho đội ngũ nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực CNTT (Nghị quyết số 41/NQ-CP). Doanh nghiệp cho rằng quy định xét duyệt ưu đãi thuế 50% thuế thu nhập cá nhân quá chặt chẽ nên những người làm trong ngành CNTT khó lòng được ưu đãi.
Bà Trần Thị Lệ Nga, Cục phó Cục Thuế TP HCM, đã trả lời về vấn đề thuế thu nhập cá nhân. Theo bà Nga, hiện tại, Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ TT&TT… và một số bộ, ngành liên quan đang chuẩn bị soạn thảo các tiêu chí và đối tượng được hưởng chính sách giảm thuế thu nhập 50% từ tiền lương, tiền công của những người làm việc trong ngành CNTT.
Đây sẽ là các cá nhân, đội ngũ có trình độ và kỹ năng cao; thuộc mảng dịch vụ công nghệ cao trong lĩnh vực CNTT… Đồng thời, các quy định ưu đãi thuế này phải được bổ sung vào Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế thu nhập cá nhân; phải được Quốc hội thông qua.
Còn ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở TT&TT TP HCM, cho rằng các doanh nghiệp cũng không nên quá lo lắng về điều 292 của BLHS; cần kiến nghị thêm với Chính phủ vì việc sửa luật không đơn giản. Đồng thời, các doanh nghiệp trong ngành CNTT cũng nên tích cực góp ý cho các điều luật, quy định… từ lúc còn là dự thảo được các cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra lấy ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia…; như vậy sẽ tốt hơn thay vì góp ý sau khi đã thành luật.
Bình luận (0)