xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bán quyền thu phí: Còn nhiều nỗi lo

Bài và ảnh: Văn Duẩn

Việc nhượng quyền vận hành, khai thác hay bán quyền thu phí các dự án giao thông là mô hình phổ biến ở nước ngoài nhưng tại Việt Nam, lĩnh vực này hoàn toàn mới mẻ

Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa trình Bộ Giao thông Vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nhượng quyền vận hành, khai thác (O&M) dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Chưa có tiền lệ

Tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 1) dài 50 km, đi qua 4 tỉnh, TP: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Dự án khởi công vào tháng 1-2006 và hoàn thành, đưa vào khai thác từ tháng 6-2012 với tổng vốn đầu tư 8.974 tỉ đồng. Theo tính toán sơ bộ, dự án sẽ được bán quyền thu phí trong 30 năm, trị giá khoảng 9.171 tỉ đồng.

Bán quyền thu phí: Còn nhiều nỗi lo - Ảnh 1.

VEC đề xuất nhượng quyền vận hành khai thác dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với giá 9.171 tỉ đồng

Theo ông Mai Tuấn Anh, Tổng Giám đốc VEC, đơn vị đang làm chủ đầu tư 6 dự án đường cao tốc với tổng chiều dài 583 km, trong đó 3 dự án về cơ bản đã hoàn thành và đưa vào khai thác với chiều dài 350 km. Các dự án còn lại dự kiến đến năm 2019 sẽ hoàn thành đầu tư. Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 đầu tư xây dựng được 1.000 km đường cao tốc, VEC cần huy động vốn đầu tư mới khoảng 420 km.

"Trong bối cảnh nợ công tăng cao, huy động vốn hiện gặp nhiều khó khăn, việc nghiên cứu phương án nhượng quyền có thời hạn khai thác các dự án đường cao tốc do VEC quản lý, trước mắt là tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, là phù hợp và cần thiết" - ông Tuấn Anh nhìn nhận.

Tổng giám đốc VEC cho rằng việc nhượng quyền vận hành, khai thác dự án đường cao tốc là đặc thù, chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, VEC đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Chính phủ thí điểm giao VEC đàm phán, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, có kinh nghiệm, năng lực trong vận hành, khai thác đường cao tốc.

Theo đó, nhà đầu tư được lựa chọn phải đáp ứng 3 tiêu chí: có kinh nghiệm đầu tư các dự án nhượng quyền cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ; có năng lực tài chính; có năng lực về vận hành, khai thác các dự án đường cao tốc. Sau khi được chọn, nhà đầu tư tiềm năng sẽ cùng với đơn vị chủ đường thành lập doanh nghiệp (DN) dự án (SPV) để vận hành, khai thác tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Trong đó, VEC đề xuất chọn phương án góp một phần vốn, tham gia điều hành hoạt động của SPV nhằm phát huy tối đa năng lực, kinh nghiệm của VEC và nhà đầu tư.

Ông Mai Tuấn Anh cho biết việc xác định giá trị nhượng quyền có thời hạn đối với tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được VEC dựa trên cơ sở thu nhập ròng hằng năm trong tương lai của tuyến đường với các thông số đầu vào cơ bản như: doanh thu; chi phí quản lý vận hành, chi phí bảo dưỡng định kỳ; cơ cấu nguồn vốn; lãi suất giả định cho vốn chủ sở hữu và vốn huy động tại SPV. Phí chuyển nhượng được trả cho VEC theo 3 đợt thanh toán, mỗi đợt bằng 1/3 giá trị nhượng quyền.

Theo phương án này, về cơ cấu nguồn vốn đầu tư dự kiến, VEC đề xuất vốn chủ sở hữu chiếm 30% giá trị nhượng quyền, trong đó phần vốn góp của VEC là 29% và phần vốn góp của nhà đầu tư chiến lược là 71%. Trên cơ sở đó, VEC tính toán giá trị nhượng quyền khai thác dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có thời hạn 30 năm, lợi nhuận kỳ vọng của nhà đầu tư là 14% và lãi vay ngân hàng 8,5%/năm, giá trị VEC nhận được từ nhượng quyền ước tính khoảng 9.171 tỉ đồng.

"Thời gian nhượng quyền như đề xuất là phù hợp với nhu cầu của VEC trong thời gian tới và kế hoạch thực hiện các công tác bảo trì, bảo dưỡng định kỳ của dự án cũng như kinh nghiệm quốc tế" - đại diện VEC cho hay.

Số tiền thu được, ngoài phần góp vào SPV, VEC sẽ đầu tư cho dự án đường cao tốc Bắc - Nam theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đoạn từ Ninh Bình - Quốc lộ 45 và Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (Thanh Hóa) với chiều dài 106 km, tổng mức đầu tư hơn 21.000 tỉ đồng.

Nhiều rào cản về cơ chế

Đề án O&M thứ hai cũng được VEC dự định là dự án đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Việc nhượng quyền thu phí tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây nhằm lấy vốn để đầu tư dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu). Theo VEC, Tập đoàn VINCI Concessions (Pháp) đang quan tâm tìm hiểu việc chuyển nhượng quyền khai thác dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và nhà đầu tư Nhật quan tâm việc mua quyền thu phí đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, việc nhượng quyền khai thác các dự án hạ tầng lớn chưa có tiền lệ và tồn tại nhiều rào cản về cơ chế. Bởi lẽ, trước VEC, Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) đã mất nhiều năm nhưng chưa thể nhượng quyền khai thác tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Luật sư Đức cho rằng nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến nhượng quyền khai thác hạ tầng đường cao tốc bởi lợi nhuận thu được từ khai thác các dự án này rất ổn định. Vấn đề cần giải quyết hiện nay là nâng cao tính minh bạch trong tính toán chi phí đầu tư, hoạt động thu phí và giữ đúng các cam kết hợp đồng.

Về rào cản trong nhượng quyền khai thác dự án cao tốc hiện nay, trước tiên là chi phí đầu tư bởi suất đầu tư đường cao tốc tại Việt Nam cao bất thường so với nhiều quốc gia. Có nhiều yếu tố khiến suất đầu tư cao tốc đội vốn lên, như vướng mắc trong giải phóng mặt bằng khiến dự án chậm tiến độ; cơ chế tài chính đầu tư nhập nhèm. Rào cản tiếp theo là cơ chế kiểm soát thu phí các tuyến cao tốc không rõ ràng nên không thể biết được chính xác lưu lượng xe qua các trạm thu phí là bao nhiêu, có gian lận hay không. Điển hình, việc thu phí trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đang gây bất bình dư luận.

Bên cạnh đó, về mặt pháp lý, thủ tục cũng chưa rõ ràng, như cam kết an toàn cho nhà đầu tư khi họ bỏ vốn vào các dự án cao tốc. Bởi lẽ, khác với dự án đầu tư nhỏ, thu hồi vốn nhanh thì nhà đầu tư có thể chủ động được, hoạt động đầu tư nhượng quyền cao tốc lợi nhuận hoàn toàn phụ thuộc vào thời gian thu phí, chính sách thu phí, miễn giảm phí, sự tăng trưởng của luồng xe trên tuyến, nếu nhà đầu tư tính toán sai thì rủi ro sẽ rất lớn.

Đánh giá về đề xuất nhượng quyền vận hành khai thác đường cao tốc của VEC, TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, thẳng thắn cho rằng việc nhượng quyền này trên thế giới có nhiều nhưng họ làm BOT rất minh bạch, chính quyền và người dân đều nắm được thông tin về dự án. "Còn Việt Nam thì làm BOT chưa minh bạch, nhiều thứ rất mù mờ, chẳng biết tổng mức đầu tư bao nhiêu là đúng, quyết toán thế nào là đúng" - ông Sanh băn khoăn.

Theo phân tích của TS Phạm Sanh, ngay từ đầu, hợp đồng đã không rõ ràng. Lẽ ra, hợp đồng phải là hợp đồng trọn gói nhưng thực tế, Việt Nam đang làm hợp đồng thành thực chi. "Nghĩa là tùy theo lượng xe, giá vé, tổng mức đầu tư, chi phí bỏ ra..., người ta tính toán thời gian thu phí có thể dài hơn hoặc ngắn hơn. Như vậy là không chính xác, không minh bạch" - ông Sanh nhận xét.

Chính vì vậy, vị chuyên gia giao thông này đánh giá khung pháp lý về vấn đề nhượng quyền khai thác dự án hạ tầng của Việt Nam còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa rõ ràng; khung pháp luật và khung tài chính không rõ nên coi chừng đẩy giá ảo lên, không khéo trở thành chuyện để các bên "mua bán" lẫn nhau và rồi sẽ xảy ra câu chuyện lợi ích nhóm.

"Nếu không có khung pháp lý, khung tài chính rõ ràng để kiểm soát việc nhượng quyền cho DN nước ngoài, những rủi ro, hậu quả trong việc đóng phí cao, đóng phí dài thì người dân phải oằn vai chịu" - TS Phạm Sanh lo ngại.

Không đơn thuần là hợp đồng kinh tế

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, nhìn nhận việc nhượng quyền thu phí đường cao tốc không chỉ là hợp đồng kinh tế đơn thuần mà còn liên quan đến trật tự an toàn xã hội.

"Tôi lấy ví dụ, công nhân vận hành các trạm thu phí đã được nhượng quyền cho các ông chủ người nước ngoài không đồng ý với các chế độ của chủ DN chi trả, họ tổ chức đình công hay biểu tình thì xử lý thế nào trong khi nước ta chưa có luật biểu tình?" - ông Liên nêu vấn đề.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề xuất trước khi nhượng quyền khai thác đường cao tốc cho nước ngoài, cần hoàn thiện thể chế pháp luật quản lý về kinh tế bởi VEC là một DN nhà nước chứ không phải DN tư nhân. "Hoàn thiện khung pháp lý để có thể ứng xử khi có tình huống xấu là điều cần phải làm trước khi cho phép thực hiện" - ông Liên khuyến cáo.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo