Ngày 17-10 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các nhà tài trợ. Bên cạnh những tác động lan tỏa từ các công trình hạ tầng, chương trình an sinh xã hội… được thực hiện từ nguồn vốn ODA đem lại, các đại biểu cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần rút kinh nghiệm để Việt Nam hấp thu nguồn vốn này hiệu quả hơn.
Chiếm 10% tổng đầu tư toàn xã hội
Dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên ở TP HCM thực hiện từ nguồn vốn ODA Nhật Bản Ảnh: TẤN THẠNH
Do nguồn lực còn hạn chế, Chính phủ Việt Nam chủ trương huy động nguồn lực bên ngoài để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, trong đó có vốn ODA. Nguồn vốn này chiếm khoảng 3% GDP và khoảng 10% tổng đầu tư toàn xã hội. Số liệu của Bộ KH-ĐT cho thấy Việt Nam có trên 50 nhà tài trợ song phương và đa phương đang hoạt động với tổng vốn ODA đã cam kết từ năm 1993 đến nay là 78,195 tỉ USD. Trong đó, vốn ký kết đạt 63 tỉ USD, vốn đã giải ngân là 42 tỉ USD.
Nguồn vốn ODA được cung cấp dưới hình thức viện trợ không hoàn lại có vốn vay ưu đãi, lãi suất từ dưới 1% đến tối đa 2%/ năm, thời gian trả nợ 30-40 năm, bao gồm 10 năm ân hạn. Nguồn vốn ODA được cung cấp với các điều kiện ràng buộc như phải mua sắm bằng tiền viện trợ hàng hóa và dịch vụ có xuất xứ từ nước tài trợ hoặc ràng buộc một phần.
Chỉ giải ngân được 63%
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thừa nhận quá trình quản lý, sử dụng ODA ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập: Năng lực hấp thụ viện trợ quốc gia chưa cao, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA còn chậm so với kế hoạch.
Theo Bộ KH-ĐT, tỉ lệ giải ngân vốn ODA trong cả giai đoạn này chỉ đạt 63% vốn ký kết, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn này. Riêng giai đoạn 2006-2010, khoảng 7 tỉ USD vốn ODA đã ký kết nhưng chưa giải ngân, phải chuyển tiếp sang thời kỳ 2011-2015. Một số bộ, ngành, địa phương đã để xảy ra những vụ việc vi phạm các quy định quản lý ODA của Chính phủ và nhà tài trợ.
Nhận diện những hạn chế trong sử dụng ODA của nước ta, Cơ quan Phát triển Mỹ (USAID) chỉ rõ trong một số lĩnh vực như HIV/AIDS, Chính phủ Việt Nam còn chậm có kế hoạch ứng phó với nguồn vốn ODA giảm khi trở thành nước có thu nhập trung bình. Nguồn vốn ODA có thể hỗ trợ chi tiêu của nhà nước cho những nhu cầu quan trọng chứ không đảm trách như nguồn ngân sách để thực hiện các nghĩa vụ chi của Chính phủ.
Các địa phương được phân bổ vốn ODA cũng thừa nhận thiếu nguồn vốn đối ứng cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng đến tốc độ giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn ODA. Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, nhu cầu vốn đối ứng phải bố trí bình quân mỗi năm khoảng 120-140 tỉ đồng nhưng trong thực tế, vốn đối ứng do ngân sách trung ương phân bổ và vốn ngân sách tỉnh chỉ đạt khoảng 60-70 tỉ đồng, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân các chương trình dự án ODA.
Cần tìm nguồn lực khác Theo bà Pratibha Methta, điều phối viên thường trú Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình nên ODA sẽ giảm và cách cung cấp vốn cũng thay đổi. Chính phủ cần xem xét tới các nguồn lực khác cũng như xây dựng các mối quan hệ đối tác mới. Những hạn chế của Việt Nam, theo bà Pratibha, là chi phí xã hội cao và tham nhũng. Quản lý yếu kém trong khu vực công tiếp tục là thách thức lớn của Việt Nam. |
Bình luận (0)