Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về tình hình kinh tế - xã hội TP HCM 4 tháng đầu năm vào chiều 20-5, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng cho rằng tiềm năng để phát triển kinh tế ở mức 2 con số là hoàn toàn có cơ sở nhưng TP đang bị trói buộc trong cơ chế không thể phát triển được, kìm hãm khả năng khai thác nguồn lực có sẵn… “TP HCM là đầu tàu nhưng vận hành theo cơ chế toa tàu thì làm sao kéo được?” – Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nhấn mạnh, đồng thời đề xuất những cơ chế đặc thù giúp TP phát triển mạnh mẽ hơn.
Theo đó, TP HCM đang tích cực phối hợp với Viện Kinh tế Việt Nam xây dựng cơ chế với tư duy đột phá và vượt ra ngoài những cái đang bị trói buộc hiện nay. Chính phủ và các bộ ngành nên coi sự phát triển của TP là sự phát triển của cả nước, cơ chế đột phá của TP là nhu cầu của Chính phủ và các bộ ngành.
Nếu không làm được điều này thì vẫn quay lại cơ chế xin cho. Do đó, đề nghị Chính phủ, các bộ ngành và cả những chuyên gia am hiểu về TP HCM xây dựng cơ chế đột phá; tăng cường phân cấp trên các lĩnh vực từ tài chính công, tổ chức nhân sự, thu chi… “Có những sự việc bé bằng cái móng tay nhưng mỗi lần xin rất lâu. Cần đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho TP HCM, đừng sợ phân cấp ủy quyền thì mất quyền, làm sai” – Bí thư Đinh La Thăng kiến nghị với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
“Ngay chuyện TP còn 474 chung cư cũ xuống cấp nhưng 10 năm nay không làm được, chỉ cải tạo được 22 cái. Với cơ chế như hiện nay thì trong 5 năm tới cũng chỉ làm thêm được 21 chung cư thì bao giờ mới xong? Trong khi người dân sống trong nơm nớp, lo sợ. Phải tạo ra một cơ chế đặc thù, điều chỉnh lại chỉ tiêu quy hoạch, cơ chế cho nhà thầu để lựa chọn nhà đầu tư, cùng lúc cho nhiều nhà đầu tư thì sẽ xong. Nếu không sẽ rất khó khăn” - Bí thư Thăng nói.
Một vấn đề khác liên quan đến giao thông tại các cửa ngõ, theo lãnh đạo TP, trong khi Hà Nội được trung ương đầu tư ưu tiên toàn bộ đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hòa Bình, Ninh Bình, Hải Phòng… còn TP HCM lại không được như vậy. Vốn ngân sách, vốn thu tại địa phương mà cân đối như hiện nay thì khó đầu tư phát triển được.
“Một việc nhỏ khác là ghế Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM đến giờ vẫn trống, chưa được bổ nhiệm, để Tổng cục phó Hoàng Việt Cường kiêm nhiệm thì không thể tập trung làm việc được” - Bí thư Thăng dẫn chứng.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhận xét TP HCM mong muốn lấy lại được vị trí đầu tàu thì việc huy động các nguồn lực của TP gắn với những cơ chế tài chính đặc thù là rất quan trọng. Sắp tới, Chính phủ ban hành nghị định về cơ chế đặc thù nhưng những kiến nghị của TP trong khuôn khổ pháp luật hiện nay không còn phù hợp nên cần hướng xử lý ra sao?
“Phải chăng nghị định sửa đổi, bổ sung giải quyết được những vấn đề bức xúc trước mắt, làm được ngay theo thẩm quyền của Chính phủ? Hoặc có cần thiết xây dựng nghị quyết riêng của Quốc hội? Nếu thật sự muốn thành đầu tàu thì phải có thể chế, còn có khó khăn cũng phải cần có thể chế để tháo gỡ” - Phó thủ tướng nhìn nhận.
Liên quan đến cơ chế đặc thù cho TP HCM, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho rằng các bộ, ngành cần rà soát những kiến nghị, sau đó UBND TP và các bộ ngành sẽ ngồi lại để xây dựng cơ chế cho TP một cách toàn diện hơn.
Bình luận (0)