Cuối tháng 8-2014, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương xây dựng cơ chế đặc biệt cho Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST) do Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất. Ngân sách dự kiến cho V-KIST khoảng 70 triệu USD, Việt Nam và Hàn Quốc cùng góp vốn với tỉ lệ 50-50. Viện sẽ đi vào hoạt động vào năm 2017.
Có lẽ còn quá sớm để bàn bạc về việc này nhưng cũng không quá sớm nếu thử “lạm bàn” về những “nghịch lý” đầy rẫy hằng ngày ở đất nước ta và cũng xin chỉ hạn chế trong phạm vi “thành lập viện khoa học”.
Thứ nhất, thử xem lại chúng ta đã có bao nhiêu viện khoa học và chúng đang “sống” như thế nào. Năm 2005, Chính phủ ra nghị định về hoạt động của các viện nghiên cứu khoa học của Việt Nam, trong đó đánh giá hàng trăm viện của nhà nước hoạt động không có hiệu quả, không tự nuôi nổi mình, kết quả nghiên cứu khoa học không mang lại lợi ích cho đất nước. Nghị định này quy định, đến cuối năm 2009, các viện phải tự nuôi mình, nếu không thì buộc phải giải tán. Thế nhưng cho đến nay, thời hạn đó đã hơn 5 năm nhưng các viện nhà nước vẫn phải sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và không một viện nào bị giải tán.
Còn các viện dân lập, với số lượng ít ỏi, tự lầm than bươn chải, ngày càng teo tóp và đa số đã “từ trần”, số còn lại đang ngắc ngoải.
Thứ hai, mấy năm gần đây, chúng ta lại có những sáng kiến nâng cấp viện cũ và lập thêm viện mới như Viện Khoa học và Công nghệ quốc gia được nâng lên thành Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, thành lập Viện Toán học cao cấp, thành lập Viện Khoa học tính toán TP HCM, mời một nhà khoa học Việt kiều về làm đồng viện trưởng. Những viện đó khi mới thành lập được dư luận ồn ào với những dự đoán tương lai tốt đẹp và đóng góp lớn lao cho đất nước.
Thứ ba, tại sao các viện làm việc không có hiệu quả, thậm chí không tự nuôi nổi. Đó là một câu hỏi đáng lẽ phải được trả lời rành rọt từ lâu, không phải chờ đến khi có Nghị định 115/2005/NĐ-CP ngày 5-9-2005. Rất tiếc cho đến nay, mặc dù nhiều nhà khoa học đã có những lý giải, tuy rời rạc và phiến diện nhưng chưa bao giờ có những kết luận nghiêm túc và chặt chẽ của các cơ quan công quyền.
Thứ tư, thành lập V-KIST với việc Hàn Quốc đầu tư một nửa vốn (35 triệu USD) ODA không hoàn lại, là một điều rất đáng mừng. Nhưng V-KIST sẽ hoạt động theo cơ chế nào, sẽ làm gì, chính là điều đáng suy nghĩ và phải sớm xác định, nếu không nó cũng sẽ chẳng khác gì các viện đã có.
Theo thông tin được biết V-KIST sẽ là viện nghiên cứu ứng dụng đa ngành, định hướng công nghệ công nghiệp hoạt động theo cơ chế đặt hàng. Ai sẽ là người đặt hàng? Khách hàng trong nước liệu có đủ tiền mua dịch vụ của V-KITS? Khách hàng nước ngoài liệu có cần đến trình độ của V-KIST?
Với 70 triệu USD thì cơ sở vật chất hiện đại đến mức độ nào? V-KIST sẽ có đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ sư đẳng cấp quốc tế 120 người, đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ sư đẳng cấp quốc tế lấy đâu ra. Mức lương của một cán bộ nghiên cứu tại V-KIST dự kiến khoảng 1.000 USD/tháng. Thử hỏi nhà khoa học đẳng cấp quốc tế nào sẽ về nhận mức lương này?
Ngoài lương, các nhà khoa học tại V-KIST sẽ được tạo mọi điều kiện làm việc tốt nhất cũng như các ưu đãi khác như bố trí phương tiện đi lại, nhà công vụ, ưu tiên mua nhà, miễn thuế khi mua phương tiện đi lại, hỗ trợ 30% kinh phí khi cho con đi học trường quốc tế… Những hỗ trợ này cùng với tiền lương thì thu nhập của những nhà khoa học đẳng cấp quốc tế sẽ được bao nhiêu phần trăm so với mức lương bình quân của họ nếu họ làm việc ở nước ngoài.
V-KIST sẽ được nhà nước cho phép áp dụng cơ chế tài chính đặc thù bao gồm tự chủ về chi tiêu tài chính cũng như quản lý tài sản để bảo đảm tự chủ. V-KIST áp dụng cơ chế tài chính đặc thù, tự chủ về chi tiêu tài chính, thì V-KIST có thể giải đáp được những thắc mắc nêu trên và kết quả cuối cùng sẽ là thế nào.
Bình luận (0)