Theo Quyết định 1946 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020, cả nước có 89 sân golf. Trong đó, vùng trung du miền núi Bắc Bộ dự kiến có 11 sân golf với tổng diện tích đất 1.456 ha; vùng đồng bằng sông Hồng 16 sân golf với hơn 1.909 ha; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ 29 dự án với 2.943 ha; vùng Tây Nguyên 8 dự án với tổng diện tích 839 ha; vùng Đông Nam Bộ 21 dự án với tổng diện tích đất 2.376 ha và vùng đồng bằng sông Cửu Long 4 dự án với 461 ha.
Lợi nhuận không đáng kể?
Thực tế đến nay, Việt Nam đã có 29 sân golf và đứng thứ 12 trên thế giới về số lượng sân golf. Việt Nam thậm chí còn xếp thứ 10 trên thế giới về số người chơi golf với 10.000 người (trong đó có khoảng 30% là người nước ngoài).
Các chủ đầu tư xin đất để xây sân golf nhưng chủ yếu kiếm lợi từ các bất động sản đi kèm Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo thống kê, nhu cầu chơi golf của người dân tại các TP trong nước tăng nhanh trong vài năm gần đây. Số lượng thành viên tham gia câu lạc bộ golf tăng từ 10%-20% qua các năm và dự kiến sẽ tăng vượt mức so với số lượng sân golf của Việt Nam có thể đáp ứng vào thập niên tới.
Trong khi đó, theo một doanh nghiệp kinh doanh sân golf, loại hình này đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu lớn nhưng khả năng thu hồi vốn chậm, phải trải dài trong nhiều năm. Nguồn thu lớn nhất của sân golf là phí gia nhập thành viên và các chi phí dịch vụ đi kèm. Tuy nhiên, mức phí này không sinh đủ lợi nhuận đáng kể cho chủ đầu tư. Với vốn đầu tư cao, khả năng thu hồi vốn chậm và các dịch vụ phải chịu những đòi hỏi rất khắt khe nên rủi ro công ty bị thua lỗ trong những năm đầu là khá cao.
Cũng bởi do chi phí hoạt động sân golf không bảo đảm hiệu quả sinh lời mặc dù mức phí gia nhập thành viên và các phí dịch vụ rất cao nên các chủ đầu tư phải hướng vào loại sân golf tích hợp khu nghỉ dưỡng; trong đó bao gồm biệt thự, nhà ở cao cấp. Điều này đồng nghĩa với việc cần rất nhiều đất đai để phục vụ hoạt động này. Thậm chí có tỉnh giao cho doanh nghiệp cả trăm hecta đất rừng phòng hộ ven biển, đất trồng lúa để làm sân golf, resort, biệt thự...
Không còn phù hợp
Chính từ những bất hợp lý trong quy hoạch sân golf mà hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lên ý tưởng loại bỏ quy hoạch để tiến tới quản lý, cấp phép xây dựng sân golf thông qua các điều kiện.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng những dạng quy hoạch sản phẩm như quy hoạch sân golf hiện nay không còn phù hợp với định nghĩa tại điều 3 của dự thảo Luật Quy hoạch. Tức là khi phân bổ không gian lãnh thổ cho các mục đích sản xuất khác nhau thì sẽ không làm quy hoạch nữa.
"Thay vào đó, chúng tôi sẽ quản lý bằng điều kiện, chỉ được làm ở những nơi không làm các việc quan trọng khác của đất nước. Đất quốc phòng an ninh, đất bảo tồn bảo tàng... là đương nhiên không được động đến. Đất nông nghiệp, đất đô thị... cũng phải được xác định rõ như thế nào?" - Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói.
Ông Đông dẫn chứng những vùng đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi" không trồng cấy được, không làm nông nghiệp công nghệ cao được thì có thể được xem xét làm sân golf. Tuy nhiên, nếu làm sân golf cũng phải chứng minh được là nó cạnh tranh được với các ngành khác, tạo hiệu quả kinh tế xã hội cao hơn, nhiều việc làm hơn... "Hình thức làm là địa phương sẽ quy định khu đất nào được làm sân golf, sau đó cho nhà đầu tư đấu thầu giấy phép. Trúng thầu thì phải đóng tiền đặt cọc, kèm theo điều kiện không quá 24 tháng phải đưa dự án vào hoạt động. Sau 24 tháng không làm thì sẽ mất giấy phép cũng như tiền đặt cọc" - Thứ trưởng Đặng Huy Đông nêu rõ tinh thần quản lý sân golf mà bộ này đang hướng tới.
Cách làm mới này được đánh giá sẽ khắc phục được tình trạng quy hoạch "treo", xin giấy phép nhưng có giấy phép rồi thì cứ cầm giấy phép đó và khoanh đất lại. Thậm chí "xí phần" rồi lại tìm đối tác khác để bán giấy phép đầu tư.
"Dẹp bỏ được tình trạng này, chúng ta sẽ có các nhà đầu tư thực thụ. Cách làm này chỉ là mới với chúng ta, còn trên thế giới đã phổ biến rồi. Không có thứ sân golf nào mà giấy phép để đấy đến 5-7 năm rồi hy vọng sau này nền kinh tế phát triển, đường sá đi lên, có nhiều người chơi hơn mới triển khai dự án" - ông Đông nói.
Ý KIẾN
TS PHẠM SỸ LIÊM, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng:
Áp đặt số lượng sân golf là không hợp lý
Thực tế, làm quy hoạch sân golf không có ý nghĩa gì trong quản lý. Quan trọng là Chính phủ phải ra một chủ trương, chính sách đối với việc mở các sân golf. Bởi golf là môn thể thao giải trí không phải "quần chúng" lắm, rất đắt tiền. Quan trọng là nó chiếm rất nhiều đất, mỗi sân golf cả trăm ha, thậm chí gấp đôi, gấp ba. Vì vậy, cần phải có chính sách đối xử với nó như thế nào?
Chẳng hạn, nếu sân golf mở trên sườn núi như ở Nhật Bản, tôi nghĩ là cách làm tốt. Hoặc làm sân golf ở vùng cát, không trồng cấy được thì khi đó, sân golf sẽ làm đẹp bãi cát lên, thu hút du lịch. Nhưng quy hoạch chỉ nói làm ở nơi này, nơi kia mà không có quan điểm cho rõ ràng. Nếu quy hoạch xây trên đất canh tác thì quy hoạch đó chẳng có lợi gì. Áp đặt số lượng là không hợp lý bởi nhiều hay ít không quan trọng, nhiều mà không có người dùng thì cũng như không. Cái đó thị trường sẽ quyết định. Ta chỉ nên làm nhiệm vụ quy định là sẽ chỉ được làm ở đâu thôi.
Ông TRẦN KHÁNH QUANG, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa:
Mục tiêu chủ yếu là bất động sản
Mặc dù môn golf chỉ phục vụ đối tượng doanh nhân, chiếm khoảng 0,01% dân số, nhưng nó được cho là thể hiện đẳng cấp của địa phương và cũng là của chính chủ đầu tư. Vì vậy mà càng ngày càng có nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách để xin quỹ đất và làm dự án. Điều quan trọng là khi có sân golf thì giá trị bất động sản tăng lên, từ đó mà các dự án hoặc những tiện ích xung quanh cũng ăn theo. Thông thường, nếu chỉ có nguồn thu từ golf thì các chủ đầu tư phải có tài chính đủ mạnh để đầu tư lâu dài, còn lại họ chủ yếu nhắm đến giá trị bất động sản và các hoạt động kinh doanh khác kèm theo. Các bất động sản chỉ dành cho doanh nhân, tạo cảnh quan thiên nhiên đẹp, vì vậy mà không có lý do gì chủ đầu tư không tìm cách bán bất động sản đi kèm.
Theo tôi, sân golf nên phải quy hoạch xa khu dân cư, khu công nghiệp bởi muốn tạo ra mảng cỏ xanh lớn, trọc hóa hoang mạc, đất đai thì phải dùng nhiều hóa chất, thuốc diệt sâu, cỏ nên ở gần khu vực dân cư là không tốt. Đó là chưa kể về sau, nguồn nước sẽ bị ảnh hưởng…
TS ĐINH THẾ HIỂN, chuyên gia kinh tế:
Phải chứng minh được sự cần thiết của sân golf
Sân golf ngoài mục đích thể thao thì đây còn là nơi để giới doanh nhân gặp gỡ, giao lưu, làm ăn. Đó cũng là cái cớ mà không ít doanh nhân cho rằng đầu tư nhiều sân golf để các doanh nhân, nhà đầu tư quốc tế đến và thúc đẩy thu hút đầu tư. Nhưng thực tế đây chỉ là một môn thể thao phụ, đứng sau nhiều môn thể thao có thể thu hút lượng lớn người dân tham gia.
Điều cốt lõi khi cấp phép đầu tư sân golf là phải chứng minh được sự cần thiết của việc có sân golf mới có thể thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Đem lại cho địa phương lợi ích vượt trội hơn như thuế, lợi nhuận cho doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm thế nào? Không thể nhân danh thu hút đầu tư để làm sân golf mà không có gì chứng minh.
Đặc biệt, theo tôi được biết thì lợi nhuận, hiệu quả thực sự từ sân golf là rất thấp so với địa điểm đầu tư. Nếu chọn làm sân golf là phải hy sinh nhiều thứ khác tốt hơn, lợi nhuận hơn. Điển hình như sân golf Đồi Cù ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng chiếm diện tích lớn trong khi với quỹ đất này có thể làm nhiều thứ khác thu hút được rất nhiều khách du lịch, thu hút đầu tư về thành phố này. Điều đáng nói nhất chính là đầu tư sân golf ảnh hưởng đến môi trường vì nó tác động đến môi trường sinh thái. Vì vậy, tôi cho rằng quy hoạch sân golf chỉ cần tập trung ở một số khu nhất định của quốc gia chứ không cho mở tràn lan, chỉ tạo tiện ích cho giới doanh nhân thượng lưu mà quên đi các lợi ích cho toàn dân, cho xã hội.
P.Nhung-S.Nhung ghi
Bình luận (0)