Hiện nay, hầu như tiểu thương chợ nào cũng than "ế ẩm quá". Tuy buôn bán ngày càng ít khách nhưng tiểu thương vẫn phải bám chợ vì đây là cái nghiệp của họ, cha truyền con nối nên khó bỏ.
Mưa là... dột, ngập
Bên cạnh những hộ gắn bó với chợ qua nhiều thế hệ, không ít tiểu thương trẻ không đủ sức cầm cự, phải "bỏ của chạy lấy người", đành sang sạp cho người khác với mức giá lỗ nặng. Nhiều tiểu thương cho biết trước đây, phải mất cả chục lượng vàng mới "tậu" được chỗ bán trong chợ còn nay, kiếm mối sang lại là chuyện không dễ.
Chợ Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP HCM) ngày càng xuống cấp Ảnh: TẤN THẠNH
Chợ An Đông (quận 5) đã được xây mới thành trung tâm thương mại nhưng gần đây, tiểu thương cũng phải thấp thỏm khi thấy lượng khách ngày một giảm. Vì thế, họ kiến nghị phải nâng cấp sửa chữa - như gắn hệ thống máy lạnh, lót sàn… - để tăng tiện ích, hút khách trở lại.
Phần lớn chợ truyền thống ở TP HCM đã có hàng chục năm, nhiều chợ xây trước năm 1975 nên tình trạng xuống cấp ngày càng trầm trọng. Những chợ này chỉ được sửa chữa theo kiểu chắp vá, hư đâu sửa đó.
Chẳng hạn, tại chợ Thanh Đa (quận Bình Thạnh), bên trong nhà lồng chính, trần bằng bê tông đã xuống cấp, bong tróc, lòi cả "xương" sắt, nước từ trên thấm xuống khi mưa, có chỗ chảy thành giọt gây thiệt hại hàng hóa của tiểu thương. Để chống dột, nhiều sạp phải lắp đặt thêm mái tôn phía trên. Ở khu nhà lồng tạp hóa, thực phẩm cũng hết sức tạm bợ, khi mưa xuống, triều cường là ngập, thậm chí có nơi nước dâng đến đầu gối. Mái tôn thì trống hơ trống hoác mặc cho mưa nắng, nhiều cột kèo xiêu vẹo...
Bà Thanh, một tiểu thương ở chợ Thanh Đa, cho biết phải bỏ ra 7 triệu đồng để thay phần cột kèo và mái tôn sạp sắp sập. Bà Tuyết, kinh doanh thực phẩm tại đây, nhận xét: "Cột kèo, mái tôn xuống cấp, nền thì ngập còn hơn lội ruộng mùa nước nổi thì ai chịu vào chợ mua sắm?".
Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), tiểu thương thắc mắc nền khu bán thịt không biết nâng kiểu gì mà khi mưa và triều cường là nước thấm vào ngập các ngăn chứa đồ của họ.
Khu bán rau củ, thịt cá ở chợ Thái Bình (quận 1) cũng khá tạm bợ, không có nhà lồng mà phải che dù, che bạt, lâu ngày rách tơi tả. Ông Bình, buôn bán thịt ở đây, cho biết: "Khi mưa lớn, nước ngập 1-2 tấc là bình thường. Do đó, khách ngại vào chợ khi mưa". Nguyên nhân khác làm chợ này ít khách là do chủ trương dọn dẹp vỉa hè làm mất bãi gửi xe. "Chợ không có chỗ giữ xe nên mất dần khách là khó tránh khỏi. Muốn vào chợ phải đi 2 người để có người giữ xe" - một tiểu thương giải thích.
Sửa chữa kéo dài
Trong khi đó, tại chợ Bình Tây (quận 6), các dãy mua bán tạm khá chật chội. Mỗi ô diện tích 1,5 m x 1,5 m, lối đi hẹp, chỉ dành cho một người. Tuy nhiên, do chợ tạm ế ẩm nên khách vào đây chẳng phải chen lấn.
Tiểu thương cho biết từ tháng 10 năm ngoái, họ phải dời ra khu này kinh doanh. Khi đó, ban quản lý chợ hứa năm sau, khi sửa chữa chợ xong, tiểu thương được quay về chỗ cũ. "Đến nay, chỉ còn vài ngày nữa là đúng một năm nhưng việc sửa chữa vẫn chưa xong, mọi thứ đều bề bộn, không biết lúc nào mới trở lại chợ mua bán" - một tiểu thương ngao ngán.
Chị Hà, kinh doanh bánh kẹo ở chợ tạm, thừa nhận "ế quá" so với trước đây, doanh số giảm đến 70%-80%, không đủ "sở hụi" nên lỗ lã triền miên. Nhiều tiểu thương cho rằng chợ tạm diện tích nhỏ, lối đi hẹp, mái tôn thấp, nóng hầm hập thì ai mà vào mua sắm.
Chợ Bình Tây trước đây không chỉ có thế mạnh là đầu mối cung cấp hàng sỉ đi các tỉnh mà còn thu hút khá nhiều khách lẻ và du khách đến mua sắm. Tuy nhiên, từ khi dời ra chợ tạm, lượng khách này vắng bóng hẳn.
Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình quận 6 cho rằng việc sửa chữa chợ Bình Tây chậm so với dự kiến là do ngày 4-4-2017, UBND TP HCM ban hành Quyết định 1539 về việc xếp hạng chợ này là di tích cấp thành phố. Do phải chọn nhà thầu đủ năng lực theo quy định của công trình bảo tồn nên ảnh hưởng đến tiến độ. Mới đây, ngày 25-9, ông Nguyễn Việt Anh, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình quận 6, đã ký Văn bản 270 cam kết với bà con tiểu thương là công trình nâng cấp sửa chữa toàn diện chợ Bình Tây sẽ hoàn thành trong tháng 9-2018.
Theo nhiều tiểu thương chợ tạm Bình Tây, đến nay, chợ chỉ mới tháo dỡ phần mái ngói, trong khi nhiều hạng mục sửa chữa khác vẫn chưa thấy gì. "Không biết đến cuối năm sau, việc sửa chữa chợ có hoàn thành chưa hay phải kéo dài khiến tiểu thương càng thêm khó khăn?" - một tiểu thương lo lắng.
Kỳ tới: Eo hẹp kinh phí sửa chữa
Chợ tự phát khắp nơi
Theo phản ánh của tiểu thương các chợ truyền thống tại TP HCM, chợ ế còn do siêu thị, trung tâm thương mại cũng như cửa hàng tiện ích ngày càng nhiều. Siêu thị, trung tâm thương mại sạch sẽ, có máy lạnh, khách hàng đến đây không chỉ mua sắm mà còn có thể cùng cả gia đình vui chơi, giải trí.
Bên cạnh đó, nhiều người buôn bán trái phép xung quanh chợ truyền thống đã hút lượng khách. Ngoài ra, chợ lề đường tự phát mọc lên khắp nơi, chợ trên mạng ngày càng nhiều cũng thu hút một lượng khách không nhỏ.
Bình luận (0)