Mặt bằng xuống cấp, doanh số bán hàng sụt giảm mạnh khiến nhiều tiểu thương ở các chợ truyền thống tại TP HCM không đủ chi trả thuế, phí.
Không đủ tiền đóng thuế
Chợ Bà Chiểu (phường 1, quận Bình Thạnh) nổi tiếng từ lâu ở TP HCM nhưng lúc 10 giờ vẫn vắng hoe. Phần mặt tiền chợ khá hơn nhưng cũng chỉ lác đác vài người mua ở khu hàng ăn, giải khát. Bên trong chợ là cảnh đìu hiu, tiểu thương chờ khách “mở hàng”.
Thê thảm nhất là khu thực phẩm tươi sống vốn được Ban Quản lý chợ Bà Chiểu dành cho diện tích rộng với khoảng 40 quầy, nay chỉ còn 5-6 quầy ở mặt tiền. Phía trong, hầu hết các sạp đã nghỉ bán, được tận dụng làm nơi giữ xe, kho chứa hàng... Nhiều sạp treo thông báo cho thuê, sang nhượng.
Ngồi trầm ngâm giữa sạp hàng nhỏ ở tầng trên chợ Bà Chiều, chị Thanh bộc bạch: “Tôi đã buôn bán ở đây hơn 30 năm. Lúc hưng thịnh, chợ rất đông khách, một mình tôi bán không xuể, chồng con phải ra phụ giúp. Vài năm gần đây, chợ ngày càng ế ẩm, có ngày bán chưa được 100.000 đồng, không đủ tiền đóng thuế, phí”.
Gần sạp của chị Thanh, ngồi bên mớ cá ế, bà Mai cho biết: “Các sạp ở đây buôn bán rất chậm do bị cạnh tranh bởi các siêu thị, sạp hàng tự phát ngoài đường. Nhiều tiểu thương phải dọn hàng ra ngoài chợ để níu khách. Bán bên ngoài không phải đóng thuế và phí mặt bằng nên giá rẻ hơn trong chợ, lại tiện lợi cho người mua”.
Khoảng 16 giờ, gần chợ Bà Chiểu, trên các đường Bùi Hữu Nghĩa, Vũ Tùng, Diên Hồng, Ngô Nhân Tịnh, nhiều sạp hàng di động, gánh hàng rong bắt đầu bung dù, nhộn nhịp đón khách. Tại những con đường này, các mặt hàng đều có đủ - từ thực phẩm, quần áo cho đến hàng ăn uống - khách chỉ cần dừng bên đường là có thể mua sắm. Trong khi đó, bên trong chợ Bà Chiểu, tiểu thương lặng lẽ dọn hàng sau một ngày ế ẩm.
Cùng cảnh ngộ, chợ Thị Nghè mặc dù nằm ở khu trung tâm nhưng cũng hiu hắt như chợ quê. Tại đây, chỉ tính khu bán rau củ quả, thịt cá, gần một nửa tiểu thương đã “phơi sạp” vì lỗ lã. Một tiểu thương bán gia cầm thừa nhận việc buôn bán ngày càng khó khăn, trước kia bán được 25-30 con gà, vịt mỗi ngày, nay chỉ còn hơn một nửa. Theo đại diện Ban Quản lý chợ Thị Nghè, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do không cạnh tranh được với các chợ tự phát.
Tại quận 9, chợ mới Tăng Nhơn Phú A được đầu tư nhiều tỉ đồng cũng bị lép vế bởi chợ tự phát trên đường Lã Xuân Oai. Bên trong chợ, nhiều sạp hàng trống hoác, chờ sang nhượng hoặc cho thuê làm kho... Gần đó, chợ Hiệp Phú (phường Hiệp Phú, quận 9) chỉ còn vài sạp bám trụ vì người mua chuyển sang chợ tự phát bên cạnh.
Chợ Xóm Chiếu (quận 4) cũng đang thoi thóp bởi chợ tự phát trên các đường Xóm Chiếu, Đoàn Văn Bơ... Chợ Tân Định (quận 1) vắng vẻ vì bị chợ tự phát trên đường Mã Lộ hút hết khách hàng. Chợ tự phát trên đường D1 - D2 lấn át chợ Văn Thánh (quận Bình Thạnh)...
Mưa dột, nước ngập
Mới đây, tại 2 cuộc họp với lãnh đạo UBND quận 5, đông đảo tiểu thương chợ An Đông khẩn thiết yêu cầu quận gấp rút sửa chữa chợ để cải thiện điều kiện kinh doanh. Theo nhiều tiểu thương, chợ đã xuống cấp trầm trọng, không thể cạnh tranh với các trung tâm thương mại, siêu thị; có lúc sức mua ở đây giảm đến 70%.
Hiện nay, mặt tiền chợ An Đông nhếch nhác, nhiều ô cửa đã mất kính, trơ khung sắt hoen gỉ. Mùa nắng thì nóng bức trong khi mùa mưa, cả ban quản lý và tiểu thương phải dùng bạt chắn nước. Che chỗ này lại trống chỗ khác, nước mưa từ giếng trời tuôn thẳng xuống các sạp hàng. Bên hông chợ bẩn thỉu, đầy mùi hôi thối do nước cống bốc lên. Vì kế sinh nhai, tiểu thương phải bám chợ, còn khách hàng thì “một đi không trở lại”.
Trong khi đó, nền chợ Phú Lâm (quận 6) khá cao so với mặt đường nhưng vẫn bị nước cống và nước mưa tràn lên khu vực bán quần áo. Chợ Bình Hưng (huyện Bình Chánh) bị ngập khi triều cường dâng cao. Để không phải xắn quần vào chợ, khách hàng dạt ra các quầy sạp bên ngoài.
Ế… đúng xu thế
Theo Sở Công Thương TP HCM, TP có 240 chợ lớn, nhỏ. Trong đó, 38,2% xây dựng trước năm 1975, hơn 61% sau năm 1975 và chỉ 5% chợ xây sau năm 2009. Do quá “lớn tuổi”, hầu hết chợ đã xuống cấp, hư hỏng. Giai đoạn 2016-2020, TP có kế hoạch sửa chữa 146 chợ với tổng kinh phí 604 tỉ đồng. Việc sửa chữa hiện gặp khó khăn do theo Nghị định 02 về quản lý và phát triển chợ, kinh phí sửa chữa không được lấy từ ngân sách mà phải là nguồn kinh phí xã hội hóa, lấy từ nguồn thu của chợ hoặc các hình thức khác.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng sự giảm dần vai trò của các chợ truyền thống là theo xu hướng phát triển. Với không gian mua sắm sạch sẽ, hiện đại, cung cấp mọi thứ người tiêu dùng cần, các trung tâm thương mại và siêu thị ngày càng thu hút khách hàng. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh không lành mạnh của các điểm kinh doanh tự phát cũng góp phần làm chợ truyền thống thêm khó khăn.
Bên cạnh việc phát triển hệ thống phân phối hiện đại, TP HCM còn có nhiều hoạt động để cải thiện hệ thống phân phối truyền thống. Các lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ bán hàng, xây dựng thương hiệu chợ… đã được triển khai. Tuy nhiên, kinh doanh ở các chợ truyền thống khó trở lại thời hưng thịnh như trước đây.
Bình luận (0)