Một lĩnh vực kinh doanh còn rất mới mẻ ở Việt Nam là mở trường đua ngựa đang được các nhà đầu tư tái khởi động do Chính phủ gần đây có những thông điệp cụ thể hơn về vấn đề được coi là nhạy cảm này.
Đủ mặt đại gia
Gần đây nhất là sự kiện nhà đầu tư Hàn Quốc Global Consultant Network cùng Tổng Công ty Du lịch Hà Nội ký thỏa thuận thành lập liên doanh để đầu tư dự án phức hợp có tổng vốn đầu tư 500 triệu USD. Đây là tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, trường đua ngựa và sân golf theo tiêu chuẩn 5 sao có diện tích 1.200 ha tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.
Đây không phải dự án mới. Trước đó, năm 1999, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã cấp phép cho dự án này nhưng chưa thể triển khai vì địa điểm đầu tư được chọn khi đó là huyện Thanh Trì không đáp ứng được quỹ đất. Năm 2007, dự án tái khởi động song lại chưa được Chính phủ chấp thuận về chủ trương do hành lang pháp lý về hoạt động cá cược vẫn đang trong quá trình xây dựng.
Không chỉ có Global Consultant Network kiên trì hàng chục năm tìm cơ hội mở trường đua ngựa tại Việt Nam. Một nhà đầu tư khác của Hàn Quốc là G.O Max từ năm 2007 đến tháng 8-2016 cũng đã 3 lần chính thức đặt vấn đề đầu tư với UBND tỉnh Vĩnh Phúc về một trường đua ngựa hiện đại tầm vóc quốc tế, đồng thời mở hàng chục chi nhánh ở các địa phương khác để phục vụ việc kinh doanh trường đua tại tỉnh này nhưng đến nay vẫn chưa được cấp phép. Nhà đầu tư Matrix Holding Ltd. (Hồng Kông) cũng đang “đánh tiếng” mở trường đua ngựa ở Đà Nẵng.
Nhanh chân hơn, một số nhà đầu tư đã có trong tay giấy phép mở trường đua ở nhiều địa phương trong cả nước. Đơn cử, Golden Turf Club Pty Ltd. được UBND tỉnh Phú Yên cấp chứng nhận đầu tư dự án 100 triệu USD cho các hạng mục sân vận động có đường đua chó, đua ngựa và khu du lịch cao cấp (dự kiến hoạt động giai đoạn 1 từ năm 2017). Tập đoàn đầu tư Úc tại Việt Nam cũng đã được UBND tỉnh Bình Phước chấp thuận chủ trương mở trường đua ngựa với tổng số vốn ban đầu 100 triệu USD...
Các nhà đầu tư trong nước cũng không hề chậm chân trong lĩnh vực này. Tại Bình Dương, “đại gia” Huỳnh Uy Dũng đang đầu tư trường đua chó, đua ngựa, đua xe trị giá hơn 100 triệu USD ngay trong khu du lịch Đại Nam. Tại Long An, Công ty CP Địa ốc Hồng Phát cũng đã nhận được chủ trương quyết định đầu tư trong lĩnh vực này...
Vừa làm vừa chờ nghị định
Theo Bộ Tài chính, Việt Nam đã cho phép hoạt động cá cược đua ngựa, đua chó trong phạm vi trường đua ở TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (trường đua chó Lam Sơn) hay trước đây tại TP HCM (trường đua ngựa Phú Thọ). Đây là ngành kinh doanh đặc thù, nhạy cảm, cần có quy định của pháp luật điều chỉnh theo hướng đặt ra các điều kiện, tiêu chuẩn để doanh nghiệp (DN) hoạt động với số lượng hạn chế, nhà nước thực hiện vai trò quản lý, giám sát.
Từ năm 1998, Chính phủ đã yêu cầu xây dựng nghị định về kinh doanh đặt cược nhưng đến nay mới đang ở giai đoạn “chạy nước rút”. Năm 2010, bản dự thảo đầu tiên được Bộ Tài chính hoàn tất, gửi lấy ý kiến các bên liên quan, sau đó nhiều lần sửa đổi, hoàn chỉnh để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng vẫn bị trả về vì chưa đạt yêu cầu. Do vấn đề quá phức tạp, năm 2015, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng một nghị định riêng về đặt cược đua chó, đua ngựa, tách ra khỏi đặt cược bóng đá quốc tế nhưng nội dung này một lần nữa lại thay đổi.
Dự thảo gần đây nhất của Bộ Tài chính được hoàn tất trình Chính phủ giữa tháng 8-2016, chốt lại với 3 loại hình vui chơi giải trí được phép đặt cược gồm đua chó, đua ngựa và bóng đá quốc tế vào chung một nghị định. Một số điều kiện cụ thể đặt ra là không được đặt cược trên mạng, DN kinh doanh đặt cược chỉ được phân phối vé đặt cược thông qua điện thoại và các phương tiện viễn thông khác, phải đáp ứng điều kiện có 5 năm kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh đặt cược đối với phương thức phân phối vé thông qua thiết bị đầu cuối tại Việt Nam. DN cũng không được sử dụng hình ảnh, kết quả các cuộc đua ngựa, đua chó quốc tế làm căn cứ kinh doanh đặt cược tại Việt Nam. Khoảng cách từ địa điểm bán vé đặt cược cố định đến các trường học, khu vui chơi công cộng dành riêng cho trẻ em không dưới 500 m...
Một số nhà đầu tư đã được cấp phép xây dựng trường đua cho biết vẫn đang chờ nghị định ra đời và gửi văn bản lên UBND tỉnh, thành phố nơi đặt địa điểm trường đua để xin hướng dẫn các thủ tục triển khai dự án. Hiện nay, giới chuyên môn quan tâm đến 2 vấn đề quan trọng của chuyện mở cửa cho phép kinh doanh trường đua là mức đặt cược quá thấp và không được cá cược trên internet.
Sau cả chục năm, nội dung dự thảo nghị định có rất nhiều thay đổi, chỉnh sửa nhưng một nội dung vẫn bất di bất dịch: Quy định mức đặt cược tối thiểu chỉ 10.000 đồng/lần và tối đa không quá 1 triệu đồng/sản phẩm/ngày. Theo quan điểm của cơ quan soạn thảo, hiện vé số của Việt Nam là 10.000 đồng/vé nên lấy mức này là hợp lý, bảo đảm cho người chơi không “ham hố” quá. Mục đích của việc ban hành nghị định là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để người chơi được chơi hợp pháp chứ không phải cá cược chui.
Một chuyên gia đầu tư tài chính cho rằng mức đặt cược này là quá thấp, dễ khiến giới cá độ bỏ qua vì không “xứng tầm”, trong khi chỉ có người bình dân lao vào và có thể “ăn thua” bằng cách nhờ người khác mua vé nếu đã chơi hết hạn mức 1 triệu đồng/sản phẩm.
Không để biến thành cờ bạc trá hình
Theo GS Hà Tôn Vinh, một chuyên gia cố vấn quốc tế trong lĩnh vực casino, đến nay, khoảng 130 quốc gia đã cho phép hoạt động kinh doanh cá cược. Cho phép mở trường đua và cá cược trong phạm vi trường đua hiện là xu thế tất yếu vì đó là trò thể thao giải trí thịnh hành trên thế giới, là ngành công nghiệp giải trí mà bất cứ quốc gia nào có điều kiện cũng nắm lấy bởi nó đem lại nguồn thu ngân sách cho nhà nước thông qua thu thuế, đem lại sự giải trí cho người dân và lợi nhuận cho nhà đầu tư. Vấn đề là xây dựng hành lang pháp lý để quản trị, không biến tướng thành cờ bạc trá hình.
Bình luận (0)