Theo báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2021 (PCI 2021) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng 27-4, Đồng Tháp đứng ở vị trí thứ 3 với 70,53 điểm, tiếp tục đứng đầu các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tính từ năm 2008 đến 2021, Đồng Tháp đã có 14 năm liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước. Được biết đến với sáng kiến "cà phê doanh nhân" bắt đầu từ năm 2016, Đồng Tháp hiện nay còn mở rộng thêm nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và nâng cao năng lực quản trị của các hộ kinh doanh.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa nhận chứng nhận, kỷ niệm chương khi địa phương lọt vào nhóm 10 tỉnh, TP có chỉ số PCI cao - Ảnh: Minh Phong
Tỉnh Đồng Tháp cũng khuyến khích sự thành lập các hội quán và các hợp tác xã nhằm tăng cường kết nối giữa những cá nhân và các cơ sở sản xuất kinh doanh, qua đó cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm.
Bên lề buổi công bố PCI 2021, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, về kết quả ấn tượng mà địa phương này đã đạt được trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
- Phóng viên: Đồng Tháp tiếp tục là tỉnh có chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh cao nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2021 cũng đánh dấu năm thứ 14 liên tiếp Đồng Tháp vào nhóm 5 địa phương có chỉ số PCI tốt nhất. Vậy, đâu là yếu tố quyết định Đồng Tháp đạt được kết quả đó?
+ Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa: Trước tiên, chúng tôi rất tự hào khi là năm thứ 14 liên tiếp được xếp vào nhóm 5 tỉnh có chỉ số PCI tốt nhất cả nước. Đó là kết quả cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp với chính quyền tỉnh Đồng Tháp.
Với Đồng Tháp, chúng tôi duy trì đà cải cách đều đặn, có chiến lược dài hạn, cụ thể từng mục tiêu và chương trình hành động. Đặc biệt, Đồng Tháp xây dựng, củng cố niềm tin giữa chính quyền - doanh nghiệp, xem đây là yếu tố then chốt.
- Năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Đồng Tháp vẫn duy trì được vị trí trong nhóm 5 tỉnh, TP dẫn đầu về chỉ số PCI. Địa phương đã vượt qua khó khăn của dịch bệnh như thế nào, thưa ông?
+ Năm 2021, chúng tôi rất lo lắng khi dịch bệnh đến với địa phương cũng khá sớm. Trong điều kiện dịch Covid-19, Đồng Tháp thực hiện kiểm soát, phòng chống dịch nghiêm ngặt theo tinh thần chung của cả nước. Do đó, chúng tôi cũng có lo lắng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng như tôi đã nói ở trên, qua dịch bệnh, niềm tin giữa chính quyền - doanh nghiệp ngày càng được củng cố. Niềm tin vững chắc này tạo ra động lực để gắn kết hơn.
Đồng Tháp, xác định doanh nghiệp là động lực phát triển. Chúng tôi đã mạnh dạn xây dựng một chính quyền lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Chính vì vậy, Đồng Tháp đã đồng hành được với doanh nghiệp trong nhiều năm qua.
Đồng Tháp là tỉnh duy nhất của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào nhóm những địa phương dẫn đầu
Mỗi năm, chúng tôi chọn 2-3 lĩnh vực trọng tâm để đi vào cải cách, đổi mới, tạo sự đồng bộ. Trước thời điểm dịch cũng như trong dịch, Đồng Tháp có sự thống nhất cả hệ thống chính trị, cùng vào cuộc để cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Chính vấn đề này đã tạo ra sự đồng bộ, đồng hành thực chất, mà rõ nhất là chỉ số PCI của tỉnh ở nhóm cao.
- Như ông đã nói, niềm tin của doanh nghiệp với chính quyền tỉnh Đồng Tháp ngày càng vững chắc. Vậy, tỉnh có kênh nào để lắng nghe các phản ánh, đề xuất, tâm tư của doanh nghiệp?
+ Chúng tôi có nhiều cuộc tiếp xúc với doanh nghiệp, từ đối thoại đến đi trực tiếp đến thăm doanh nghiệp để nắm bắt các khó khăn, kịp thời tháo gỡ; tạo phong trào khởi nghiệp.
Đồng Tháp xác định phải luôn thay đổi trong tư duy, phải đi trước, đi nhanh, đổi mới để theo kịp sự phát triển của doanh nghiệp. Chúng tôi xác định xây dựng hình ảnh của Đồng Tháp, môi trường đầu tư của Đồng Tháp để vươn lên, không còn là một tỉnh vùng sâu vùng xa.
Hiện nay, mô hình cà phê doanh nghiệp không chỉ ở UBND tỉnh, mà còn được nhân rộng đến từng khu công nghiệp, điểm công nghiệp, qua đó lắng nghe doanh nghiệp phản ánh, thêm kênh thông tin. Hàng ngày, chúng tôi đều nhận được thông tin của doanh nghiệp phản ánh, từ đó có các giải pháp kịp thời trong chỉ đạo, điều hành.
- Nhiều địa phương đã và đang tập trung chuyển đổi số để thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đồng Tháp đã có những bước đi như thế nào về vấn đề này, thưa ông?
+ Đồng Tháp chọn chuyển đổi số là một trong những lĩnh vực đột phá. Theo khảo sát của Bộ Thông tin và Truyền thông, thì Đồng Tháp đủ điều kiện để tạo đột phát trong chuyển đổi số.
Thời gian qua, Đồng Tháp đã xây dựng các hội quán, từng tổ hợp tác xã, từng người nông dân chuyên nghiệp, được kết nối từ cơ sở. Hệ thống thông tin, kết nối trực tuyến được triển khai từ tỉnh cho đến từng hội quán, từng hợp tác xã...
Đồng Tháp vừa xây dựng và đưa vào khai thác trung tâm chuyển đổi số của tỉnh. Với trung tâm này, các đầu mối thông tin sẽ được "quy về một mối", từ đó tạo thuận lợi hơn để cung cấp cho người dân, doanh nghiệp. Chính quyền cũng sẽ thuận lợi hơn trong giải quyết công việc và đạt hiệu quả cao nhất.
Bình luận (0)