Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), trong bối cảnh hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu, ngành thủy sản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và cạnh tranh khốc liệt. Chính phủ đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản và thủy sản.
Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2016, ngành nông nghiệp đã phải chịu thiệt hại nặng nề do hạn hán, xâm nhập mặn, lần đầu có tăng trưởng âm. Bộ NN-PTNT đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để phát triển sản xuất, đặc biệt là phát triển nuôi tôm nước lợ nhằm bù đắp thiệt hại do thiên tai, bảo đảm các chỉ tiêu tăng trưởng. “Việc áp thuế đối với trứng Artemia nhập khẩu đem lại nguồn thu ngân sách không đáng kể (khoảng 27 tỉ đồng/năm - theo đánh giá của Bộ Tài chính) nhưng lại ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng tôm giống, từ đó có thể tác động tiêu cực đến các khâu sản xuất, làm giảm sức cạnh tranh đối với ngành hàng đem lại kim ngạch xuất khẩu hằng năm tương đương 3-4 tỉ USD (chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thủy sản)” - Bộ NN-PTNT nhận định.
Do đó, Bộ NN-PTNT đề nghị Bộ Tài chính áp thuế suất nhập khẩu đối với mặt hàng trứng Artemia dùng làm thức ăn cho thủy sản ở mức 0%, đồng thời xem xét, không truy thu thuế và điều chỉnh thuế suất nhập khẩu đối với mặt hàng trứng Artemia làm thức ăn cho tôm giống về 0% để hỗ trợ phát triển sản xuất ngành hàng tôm Việt Nam.
Trước đó, Báo Người Lao Động đã thông tin hàng chục doanh nghiệp (DN) nhập khẩu trứng Artemia đã có kiến nghị gửi Thủ tướng. Trong đó, các DN nêu bức xúc về việc mặt hàng trứng Artemia dùng làm thức ăn cho tôm lâu nay nhập về Việt Nam với thuế nhập khẩu 0% nhưng gần đây bỗng nhiên bị áp thuế 5%, thậm chí còn bị cơ quan quản lý dọa truy thu thuế.
Theo các DN, Artemia có giá 2-3,5 triệu đồng/kg nên việc áp thuế sẽ làm tăng chi phí, gây khó khăn cho ngành tôm.
Theo ông Lương Thanh Văn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt Úc (tỉnh Bình Thuận) - việc áp thuế suất nhập khẩu 3% đối với mặt hàng trứng Artemia dùng làm thức ăn cho tôm giống sẽ tăng thu ngân sách vài chục tỉ đồng/năm nhưng ngược lại có thể sẽ giảm kim ngạch xuất khẩu đối với ngành tôm. “Artemia là thức ăn rất cần thiết cho tôm giống do hàm lượng dinh dưỡng cao. Nếu Bộ Tài chính áp thuế suất nhập khẩu đối với mặt hàng này thì chắc chắn giá thành tôm giống sẽ tăng cao, ảnh hưởng đầu ra của con tôm. Như vậy, sẽ ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu” - ông Văn phân tích.
Còn theo ông Trương Hữu Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Anh Việt (tỉnh Bình Thuận), giá Artemia khá cao nên nếu áp thuế nhập khẩu thì giá càng bị đẩy lên. “Dù Artemia đặc biệt cần thiết nhưng nếu giá tăng buộc chúng tôi phải cân nhắc thay thế bằng thức ăn tổng hợp để không tăng giá bán tôm giống. Như vậy, tôm giống sẽ giảm chất lượng, tôm nuôi dễ phát sinh dịch bệnh, người nuôi sẽ thiệt thòi” - ông Thuận nói.
Trước phản ứng của DN, ngày 10-8, Bộ Tài chính cho rằng theo quy định của pháp luật hiện hành, mặt hàng trứng Artemia còn sống, dùng làm thức ăn cho tôm được phân loại vào nhóm 05.11, mã số 0511.99.90 với thuế suất nhập khẩu ưu đãi là 5%. Đa số DN nhập khẩu mặt hàng này đã phân loại đúng mã số trên nhưng có một số DN khai báo vào nhóm 23.09 với thuế suất 0%. Do đó, việc hải quan truy thu các DN khai báo mã số sai là đúng quy định và bảo đảm công bằng với các DN đã nhập khẩu mặt hàng này. Trước đó, ngày 29-6, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 98 điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu trứng Artemia xuống 3%.
Dư luận đang chờ câu trả lời thỏa đáng từ Bộ Tài chính.
Nâng cao hiệu quả ngành tôm
Trứng bào xác Artemia (Artemia cysts) là loại thức ăn đặc biệt dùng trong sản xuất giống thủy sản, trong đó chủ yếu dùng nuôi tôm giống. Việc sử dụng trứng Artemia có tác dụng nâng cao chất lượng tôm giống, góp phần bảo đảm hiệu quả sản xuất ở các khâu nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu sản phẩm tôm.
Thông tư số 67/2009 ngày 23-10-2009 của Bộ NN-PTNT ban hành danh mục bổ sung thức ăn hỗn hợp dùng trong nuôi trồng thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam đã quy định trứng Artemia nhập khẩu chỉ dùng làm thức ăn cho tôm chứ không dùng cho mục đích khác.
Bình luận (0)