Tập đoàn Lê Bảo Minh (nhà phân phối độc quyền của Canon tại Việt Nam) đang gấp rút chuẩn bị để khai trương cửa hàng bán lẻ hàng tiêu dùng, ứng dụng thời trang Nhật - Miniso đầu tiên theo hình thức nhượng quyền thương mại vào Việt Nam tại Hà Nội. Dự kiến đến hết năm nay, Lê Bảo Minh sẽ mở 13 cửa hàng tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Nghệ An, Cần Thơ và Hải Phòng. Năm năm tới sẽ có 200 cửa hàng Miniso tại hầu hết các tỉnh, thành Việt Nam.
Đầu tư bài bản
Ngay khi chuẩn bị mở chuỗi ở Việt Nam, thương hiệu bán lẻ Nhật Bản khá thành công ở một số nước Đông Nam Á này vấp phải nhiều thông tin cho rằng đây là hệ thống bán lẻ do người Trung Quốc làm chủ. Phía đơn vị nhận nhượng quyền - Tập đoàn Lê Bảo Minh - vẫn chưa lên tiếng giải đáp thắc mắc này của dư luận. Tuy nhiên, nghi vấn về Miniso càng khiến người tiêu dùng tò mò, chú ý đến thương hiệu này nhiều hơn.
Cùng với Miniso, từ vài tháng trước, thị trường đã râm ran về thông tin thương hiệu cửa hàng bán lẻ lớn nhất toàn cầu của Nhật là 7-Eleven đang xúc tiến “đổ bộ” vào Việt Nam. Và theo kế hoạch, cửa hàng 7-Eleven đầu tiên sẽ mở tại TP HCM vào năm 2017; 3 năm sau đó, số lượng cửa hàng sẽ được nâng lên 100 và trong vòng 10 năm, số cửa hàng là 1.000.
Mới đây nhất, hồi cuối tháng 7 vừa qua, trung tâm thương mại hạng sang Takashimaya của Nhật với quy mô 5 tầng đã khai trương ngay tại trung tâm TP HCM. Thương hiệu Aeon có mặt tại Việt Nam từ năm 2009 cũng đưa vào hoạt động trung tâm thương mại Aeon Mall thứ 4 tại quận Bình Tân, TP HCM vào đầu tháng 7-2016. Sau hơn 1 tháng khai trương, trung tâm này vẫn duy trì được lượng khách tham quan mua sắm đông bất ngờ, điều mà nhiều trung tâm thương mại khác mơ ước. Sự đầu tư bài bản, nghiên cứu kỹ thói quen tiêu dùng của người Việt... được xem là nguyên nhân chính dẫn tới sự thành công bước đầu của thương hiệu Nhật Bản này.
Ông Nishitohge Yasuo, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeon Việt Nam, cho biết Aeon đã đầu tư 500 triệu USD để mở 4 trung tâm thương mại Aeon Mall tại Việt Nam. Dù đang gặp một số khó khăn trong việc phát triển điểm bán mới nhưng nhà bán lẻ đến từ Nhật Bản này vẫn hướng đến mục tiêu mở 200 trung tâm thương mại diện tích lớn ở các khu vực ngoại ô và đẩy mạnh hợp tác, mua lại các hệ thống siêu thị sẵn có tại Việt Nam. Aeon Mall đang duy trì chính sách ưu tiên hàng Việt với 80% hàng hóa bán tại khu vực tự chọn là của Việt Nam. Tuy nhiên sắp tới, khi Aeon mở thêm nhiều điểm bán thì việc đưa hàng Nhật vào hệ thống Aeon Mall Việt Nam sẽ thuận tiện hơn.
Cùng với Aeon Mall, các nhà bán lẻ khác đến từ Nhật như Family Mart, Mini Stop... vẫn liên tục mở thêm cửa hàng ở các đô thị lớn của Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với các nhà bán lẻ Việt và Thái Lan.
Trước đó, vào tháng 3-2016, Bộ trưởng Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hayashi Motto đã cùng 4 tập đoàn bán lẻ lớn tại Nhật Bản, gồm: Family Mart, Mini Stop, 7-Eleven và Lowson và 16 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất rau củ quả, đồ dùng gia đình, bánh kẹo, thủy sản... đến TP HCM để khảo sát khả năng đưa sản phẩm vào Việt Nam. Cũng trong chuyến làm việc đó, Bộ trưởng Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ tăng cường hỗ trợ DN nhỏ và vừa Nhật đưa hàng vào Việt Nam thông qua các hệ thống bán lẻ Nhật Bản đang có mặt tại Việt Nam. Các hệ thống này cũng đặt mục tiêu gia tăng sức mạnh chuỗi, nhập thêm hàng.
Một thống kê của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP HCM cho thấy ngày càng nhiều nhà đầu tư Nhật rót vốn vào lĩnh vực nông sản, thực phẩm, bán lẻ ở Việt Nam. Các chuỗi cửa hàng tiện lợi Nhật đang và sẽ phát triển nhanh ở Việt Nam chính là kênh bán hàng quan trọng để tiêu thụ hàng hóa của các DN vừa và nhỏ nước này trong thời gian tới.
Ai nhanh hơn, người đó thắng
Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op, cho biết không chỉ có Nhật Bản, một số quốc gia khác ở châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan... đang thừa vốn, thị trường chững lại nên DN đầu tư ra bên ngoài tìm lợi nhuận. Vốn từ các quốc gia này ồ ạt đổ vào Việt Nam chủ yếu nhắm đến khai thác tiềm năng thị trường, chấp nhận lỗ trong ngắn hạn để sinh lời dài hạn.
Nhận định này phù hợp với một số nghiên cứu của các tập đoàn nước ngoài cũng cho thấy Việt Nam, Indonesia, Trung Quốc là 3 thị trường được các DN châu Á - Thái Bình Dương ưu tiên đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh bán lẻ. Trong đó, thị trường bán lẻ Việt Nam có quy mô 95 tỉ USD, tăng trưởng 15%/năm nên rất tiềm năng, được đánh giá cao bậc nhất khu vực. Việt Nam có hơn 90 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ (từ 40 tuổi trở xuống) chiếm khoảng 60% là những nguyên nhân chính tạo nên sức hấp dẫn của thị trường. Năm 2016 chứng kiến sự bùng nổ của thị trường bán lẻ hiện đại, nhiều DN mới xuất hiện hoặc mở rộng quy mô thông qua các thương vụ M&A; các thương hiệu trong nước như Saigon Co.op, Vingroup cũng tích cực đầu tư mở rộng hệ thống.
Cũng theo ông Nhân, cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ đang rất khốc liệt nhưng bù lại, thông tin thị trường rất rộng nên DN nào nhanh hơn, chiến lược phù hợp hơn sẽ có nhiều lợi thế. Bản thân Saigon Co.op đang có chiến lược của mình, trong tương lai gần sẽ ra mắt diện mạo mới. Hiện các nhà bán lẻ ngoại đã chiếm 51% thị phần, bán lẻ nội địa chiếm hơn 36% thị phần. Tại TP HCM, tỉ lệ này là 41% và 59%. Dự báo trong vòng 5 năm tới, nếu các DN nội không cải tiến và tăng tốc, thị phần sẽ ngày càng thu hẹp và mất dần về tay các tập đoàn đa quốc gia.
Ý KIẾN
Ông TRẦN VĨNH TUYẾN, Phó Chủ tịch UBND TP HCM:
Phải chủ động liên kết
Thị trường bán lẻ nội địa đang bị hàng ngoại tấn công nhưng thời gian qua, tính chủ động của cả hệ thống chưa cao; thiếu liên kết chặt chẽ, bền vững giữa các DN và khó khăn vướng mắc trong liên kết chưa được giải quyết. Phải nâng cao chất lượng hàng Việt Nam trên thị trường bán lẻ TP HCM và cả nước; ngược lại, DN bán lẻ phải giúp tiêu thụ hàng nội địa. Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) và Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn là 2 đơn vị chủ lực trên thị trường bán lẻ, không chỉ giúp phân phối mà còn thúc đẩy sản xuất hàng Việt. Vì vậy, 2 đơn vị này khi định hình phát triển phải có sự liên kết cũng như tầm nhìn đúng mức và các DN phải chủ động cạnh tranh.
Ông NGUYỄN THÀNH NHÂN, Tổng Giám đốc Saigon Co.op:
Mở cửa nhưng phải có hàng rào kỹ thuật
So với DN bán lẻ nội địa, DN ngoại có tiềm lực tài chính, lợi thế huy động vốn lãi suất thấp và kinh nghiệm quản lý cũng như nghiên cứu thói quen người tiêu dùng và sức mạnh liên kết. Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, buộc phải mở cửa cho DN nước ngoài vào nhưng có quyền bảo vệ DN trong nước bằng các hàng rào kỹ thuật. Ấn Độ, Malaysia đã vận dụng rất tốt công cụ này để bảo vệ DN trong nước. Chẳng hạn, ở Ấn Độ, DN nước ngoài muốn đầu tư bán lẻ phải liên kết với DN nội địa, tỉ lệ sở hữu trong liên kết không quá 51% và cam kết doanh thu bán hàng của DN nhỏ và vừa trong nước phải chiếm 30% tổng doanh thu. Ở Malaysia thì bán lẻ ngoại chiếm khoảng 70% nhưng có rất nhiều ràng buộc.
Bà ĐINH THỊ MỸ LOAN, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam:
Cú hích để doanh nghiệp trong nước lớn lên
Không chỉ Thái Lan, Nhật Bản… mà tất cả các DN bán lẻ nước ngoài đều đang nhìn vào thị trường bán lẻ rất tiềm năng là Việt Nam. Sự thâm nhập mạnh mẽ của họ là cú hích buộc DN Việt phải đứng lên, vượt qua chính mình để cạnh tranh bình đẳng, mang lại lợi ích cho nền kinh tế và người tiêu dùng. Quan điểm của hiệp hội là DN nước nào làm tốt thì ủng hộ, hợp tác lâu dài; DN nước nào làm sai, vi phạm thì phải xử lý nghiêm túc, công khai.
Đông Nghi ghi
Bình luận (0)