xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Định hình khung chiến lược xanh (*): Giải bài toán hạ tầng và năng lượng

Thanh Nhân - Thái Phương

Xây dựng hạ tầng xanh là một trong 4 trụ cột trong khung chiến lược mà TP HCM đang triển khai

Tham gia đoàn tham quan Công ty TNHH Giấy Xuân Mai ở KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP HCM) trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP HCM năm 2023 vừa qua, nhiều doanh nghiệp (DN), tổ chức quốc tế đã bất ngờ với sự đầu tư bài bản, hiện đại cũng như hiệu quả tiết kiệm năng lượng, hiệu suất sản xuất, hệ thống xử lý nước thải lẫn độ xanh, sạch của nhà máy. Các đại biểu càng bất ngờ hơn bởi tại KCN này, mảng xanh hiện diện khắp nơi và chiếm diện tích lớn.

Phát triển sản xuất xanh

Ông Giang Ngọc Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP KCN Hiệp Phước, cho biết Hiệp Phước là KCN duy nhất tại TP HCM tham gia dự án "Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư hợp tác với Tổ chức Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNIDO) thực hiện. 

Trong chương trình này, một số hoạt động kinh tế tuần hoàn đã bắt đầu mang lại những chuyển biến nhất định, chất thải của DN này sẽ là đầu vào của DN khác trong khu. Khái niệm "cộng sinh công nghiệp" cũng được vận dụng ngày càng nhiều trong KCN này. 

Đơn cử, khí hơi nóng từ quá trình chưng cất dầu thực vật Cái Lân được chuyển sang tham gia quá trình sấy của Nhà máy Meizan. Chất thải của các công ty sản xuất khuôn đúc được tận dụng làm gạch không nung hay Công ty Giấy Xuân Mai thu gom giấy vụn từ các nhà máy trong KCN làm nguyên liệu sản xuất giấy phục vụ thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.

Định hình khung chiến lược xanh (*): Giải bài toán hạ tầng và năng lượng - Ảnh 1.

Xử lý nguyên liệu giấy vụn để đưa vào sản xuất tại nhà máy của Công ty Giấy Xuân Mai - một trong những công ty sản xuất xanh tại KCN Hiệp Phước. Ảnh: THANH NHÂN

"Toàn KCN có khoảng 90 DN đạt tiêu chuẩn xanh, trong đó có 31 DN tham gia dự án. Hầu hết DN đều đã nhận thức được việc chuyển đổi vừa mang lại hiệu quả kinh tế do sử dụng nguyên, nhiên liệu hiệu quả hơn, vừa tạo môi trường thân thiện hơn với khách hàng, qua đó gia tăng xuất khẩu đến những thị trường rất khắt khe, khẳng định uy tín trên thị trường thế giới" - ông Phương nói.

Hiện nay, ngoài KCN Hiệp Phước, TP HCM đang lập đề án thí điểm chuyển đổi theo xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đối với KCX Tân Thuận và 3 KCN Tân Bình, Cát Lái, Bình Chiểu. Các chuyên gia cho rằng cần tận dụng Nghị quyết 98/2023/QH15 để khuyến khích DN chuyển đổi sang sản xuất xanh, sản phẩm xanh, nhất là các DN ở các KCN-KCX.

Chuyển đổi phương tiện sạch

Ngoài thúc đẩy sản xuất xanh, một trong những giải pháp cần thiết để xây dựng và phát triển kinh tế xanh tại TP HCM là tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhằm góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, giảm phát thải khí CO2. Bởi theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế TP HCM (HIDS), trung bình mỗi năm thành phố phát thải tới 57,6 triệu tấn khí nhà kính, chiếm 23,3% cả nước.

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng HIDS, cho biết lượng khí nhà kính TP HCM phát thải chủ yếu từ năng lượng và giao thông. Hiện nay, xe máy là phương tiện giao thông chính, đáp ứng 86% nhu cầu đi lại; xe điện chiếm tỉ lệ rất thấp, khoảng 0,1% tổng xe 2 bánh. Về vận tải công cộng, xe buýt đang có xu hướng giảm mặc dù cơ bản được trợ giá. Tỉ lệ người sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường hay phương tiện công cộng còn thấp.

Để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, một trong những giải pháp được nhiều DN lựa chọn là chuyển sang phương tiện giao thông xanh, giảm khí thải. UBND TP HCM đã giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển thành phố lập đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông. 

Đồng thời, các cơ quan cũng tham mưu các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, ưu đãi và lộ trình hỗ trợ cá nhân, hộ gia đình, tổ chức chuyển đổi sang phương tiện sử dụng nhiên liệu xanh. Các cơ quan cũng hình thành tiêu chí, thủ tục, chính sách thu mua phương tiện cũ, hạn chế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đề án này dự kiến hoàn thành và trình HĐND TP HCM trong tháng 9, ban hành vào quý IV năm nay và triển khai vào quý I/2024.

Mới đây, nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ Be cũng vừa ký hợp tác cùng Công ty VinFast và Ngân hàng số Cake by VPBank nhằm hỗ trợ các tài xế BeBike (xe 2 bánh) chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện.

Đầu tư cho năng lượng tái tạo

Về năng lượng, thành phố cũng đang đẩy mạnh phát triển 3 lĩnh vực năng lượng tái tạo là điện mặt trời, điện sinh khối và điện gió. Riêng về điện mặt trời, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP HCM, cho biết mặc dù đi đầu cả nước trong phát triển năng lượng mặt trời mái nhà nhưng đến nay, toàn thành phố mới có hơn 14.200 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt gần 360 MWp, có khả năng đáp ứng 8% - 10% nhu cầu. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, việc ký hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà đang tạm dừng để chờ cơ chế, chính sách mới của Chính phủ.

Theo Sở Công Thương TP HCM, Nghị quyết 98 cho phép cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công trên địa bàn được lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Thành phố đang tiến hành các bước để bắt tay vào thực thi.

Đại diện Sở Công Thương cho biết thành phố cũng đã kêu gọi đầu tư xử lý rác bằng công nghệ đốt rác - phát điện như Dự án Nhà máy đốt rác phát điện của Công ty CP VietStar công suất 40 MW; dự án Nhà máy Đốt rác phát điện của Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa công suất 40 MW... Một số dự án đốt rác phát điện đang trong quá trình triển khai các bước chuẩn bị đầu tư với tổng công suất đến năm 2030 là 340 MW. 

Ngoài ra, Sở Công Thương cũng vừa kiến nghị UBND thành phố bổ sung dự án nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ 6.000 MW của Công ty CP Năng lượng Dầu khí châu Á vào danh mục dự án điện gió ngoài khơi tiềm năng trong dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Dự án này được kỳ vọng mang lại lợi ích lớn để phát lên điện lưới, đồng thời cung cấp cho các nhà máy sản xuất hydrogen xanh - nguồn năng lượng sạch tiềm năng to lớn.

Chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, ông Sebastian Eckardt, Giám đốc Khối Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB), Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đề xuất để thu hút nguồn lực tài chính chuyển đổi và phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, Chính phủ cần tạo ra môi trường hấp dẫn, thị trường năng lượng minh bạch, công bằng về giá. 

Nhà đầu tư phải thuận lợi tiếp cận dự án đầu tư công qua hình thức hợp tác công tư (PPP) để phát triển các dự án chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng xanh, thiết bị tiết kiệm năng lượng. Khi phát triển các KCN cần tính đến yếu tố phát triển bền vững và có sự hỗ trợ các ngành bị tác động tiêu cực trong quá trình chuyển đổi năng lượng này. 

Tăng cường giải pháp tiết kiệm năng lượng

Ông Luwig Graf Westarp, Hiệp hội DN nhỏ và vừa CHLB Đức, chuyên gia về tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn, nhận định ngoài tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, quá trình đô thị hóa đang diễn ra, còn có sự gia tăng nhu cầu về năng lượng và vật liệu xây dựng tại các thành phố như TP HCM, Hà Nội. Do đó, các giải pháp tiết kiệm năng lượng và bền vững đóng một vai trò trung tâm trên con đường đạt đến Net Zero của Việt Nam vào năm 2050.

Trong dự án "Việt Nam - Chuyển đổi tòa nhà", Cơ quan Năng lượng Đức (DENA) gần đây đã công bố 2 nghiên cứu với các tiêu đề "Vật liệu xây dựng tái tạo ở Việt Nam" và "Làm mát bằng năng lượng tái tạo trong các tòa nhà", cho thấy tiềm năng để triển khai xây dựng bền vững tại Việt Nam. Ông Luwig Graf Westarp đề xuất áp dụng công nghệ vào tòa nhà giúp con người làm việc hiệu quả hơn, giảm lãng phí, tiết kiệm thời gian và năng lượng bằng cách thu thập dữ liệu năng lượng, tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng và tiêu thụ nước...

180 dự án tham gia cuộc thi Khởi nghiệp Xanh

Chiều 18-9, tại TP HCM, Ban Tổ chức vòng Bán kết cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh lần 9 - 2023 đã công bố 15 dự án tiến vào vòng chung kết sau 2 ngày diễn ra cuộc thi với 43 dự án tham gia.

Dự kiến vòng thi chung kết sẽ được tổ chức vào cuối tháng 10 tại TP HCM với khoảng 30 dự án. Đến nay, cuộc thi đã xác định được 23 dự án vào chung kết từ 2 vòng bán kết tổ chức tại Bến Tre và TP HCM; vòng bán kết cuối cùng sẽ tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 9.

Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh lần thứ 9-2023 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN và các đơn vị có liên quan tổ chức, thu hút gần 180 dự án tham gia trên phạm vi toàn quốc.

N.Ánh

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-9

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo