Do cơ quan thuế
1. Buộc làm những việc... thừa
- Kê khai thuế thu nhập DN tạm nộp vào đầu năm: để xác định lợi nhuận ước tính trong năm, kế toán của các DN thường căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của năm trước và ước tính khả năng kinh doanh của năm cần khai báo.
Tuy nhiên, không phải ước tính nào của DN cũng được cơ quan thuế chấp nhận. Đã có nhiều trường hợp cơ quan thuế yêu cầu DN điều chỉnh lợi nhuận tạm tính năm nay tăng cao hơn nhiều so với lợi nhuận của năm trước, mặc dù giám đốc DN không bao giờ chấp nhận điều này. Thế là kế toán của DN phải chạy lên cơ quan thuế, chạy về DN đôi lần thì việc kê khai thuế tạm nộp đầu năm mới tạm ổn.
Nỗi khổ này của các DN sẽ không còn khi qui định mới của thuế cho phép các DN chuyển sang kê khai tạm tính thuế thu nhập DN theo hằng qui (kể từ qui 3-2007 theo Thông tư 60 của Bộ Tài chính).
- Đăng ký kế hoạch tiền lương: công việc này cũng được các DN kê khai với cơ quan thuế vào đầu năm. Tuy nhiên, không rõ mục đích của việc kê khai vì nếu tiền lương thực tế trong năm của DN không khớp như bản kế hoạch đã đăng ký với cơ quan thuế cũng... chẳng sao! Hơn nữa chắc chắn rằng tiền lương thực tế phát sinh tại các DN không bao giờ khớp đúng với tiền lương kế hoạch đã đăng ký.
- Đăng ký kế hoạch chuyển lỗ: theo qui định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập DN, các DN được quyền chuyển lỗ của năm hoạt động sang những kỳ tính thuế sau. Muốn vậy, DN phải đăng ký kế hoạch chuyển lỗ. Điều này thật sự là một việc “đánh đố” các DN, bởi trong tình hình nền kinh tế chịu quá nhiều sự tác động của các yếu tố khách quan lẫn chủ quan như hiện nay, làm sao DN có thể dự đoán chính xác được kết quả hoạt động cho các kỳ sau để đăng ký kế hoạch chuyển lỗ?
2. Phải lặp lại báo cáo
Theo qui định kê khai thuế thu nhập DN, yêu cầu DN phải nộp kèm phụ lục kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị (MS 03-1A/TNDN). Tuy nhiên những thông tin cần phải kê khai trên phụ lục này lại trùng với những chỉ tiêu kê khai trên báo cáo tài chính nộp cho cơ quan thuế (báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, MS B02/DN); các thông tin trên bảng kê khai tổng hợp nghĩa vụ nộp ngân sách còn nhiều nội dung trùng lắp với bảng tổng hợp thanh toán thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước...
3. Qui định về thuế hay thay đổi
Việc sửa đổi các qui định thuế để hoàn thiện hơn là cần thiết nhưng nếu liên tục thay đổi trong thời gian quá ngắn sẽ gây lúng túng cho DN khi khai thuế. Gần đây, ngày 9-4-2007, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 32 hướng dẫn sửa đổi, thi hành thuế giá trị gia tăng và kế toán tại các DN phải trải qua đợt tập huấn để áp dụng cho kỳ kê khai thuế của tháng 4-2007.
Sau đó, ngày 14-6 Bộ Tài chính ban hành tiếp Thông tư 60, kèm theo là hàng loạt mẫu biểu dùng để kê khai thuế giá trị gia tăng và những mẫu biểu này lại có sự thay đổi lớn so với những mẫu biểu ban hành kèm theo Thông tư 32.
Khoảng thời gian giữa lần ban hành Thông tư 32 và Thông tư 60 khá gần nhau, nhưng lại có sự thay đổi lớn về phương pháp lập, kết cấu, ký hiệu, số lượng mẫu biểu của tờ khai thuế giá trị gia tăng làm các DN gặp nhiều khó khăn khi khai báo thuế. Và hiển nhiên, kế toán tại các DN phải mất khá nhiều thời gian để tiếp thu qui định mới.
Có phần do DN
- Báo cáo thuế chưa thật sự được lập một cách khách quan: trước đây, các DN hay than phiền mất nhiều thời gian cho việc kê khai thuế thu nhập DN vào đầu năm, nhưng nếu công tâm thì hệ quả này cũng một phần do một số DN thường kê khai lợi nhuận thấp, hoặc vào cuối năm khi quyết toán thuế cũng có một số trường hợp kế toán hay bị bộ phận quản lý của DN phàn nàn vì kê khai thu nhập chịu thuế cao (mặc dù điều này là đúng với thực tế tại đơn vị).
- Trình độ nhân viên kế toán tại một số DN còn hạn chế, vì thế gặp nhiều khó khăn để hiểu và thực hiện đúng những qui định của thuế, từ đó mất thời gian để chỉnh sửa và giải trình khi khai báo thuế. Công tác kế toán và thuế tại các DN nhiều khi còn được thực hiện theo cảm tính, chưa được tự cập nhật và thực hiện theo những qui định mới.
Bình luận (0)