xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Doanh nghiệp nội chậm chân

Thái Phương - Đông Nghi

Dệt may, da giày được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tuy vậy, nếu không có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất nguyên liệu đầu vào thì rất dễ bị “bóp chết”

Cơ hội nhiều nhưng để tận dụng được, doanh nghiệp (DN) ngành dệt may, da giày phải đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty May Garmex Sài Gòn, nhận xét: Cơ hội từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) rất lớn bởi DN có thể chủ động lựa chọn khách hàng và cơ cấu lại thị trường xuất khẩu với mức thuế suất ưu đãi.

Tắc ở khâu nhuộm

Để đón đầu TPP, từ năm 2013, Garmex đã đầu tư mở thêm xưởng sản xuất, chuyển sang làm FOB trên nền tảng tự phát triển mẫu, chủ động nguyên phụ liệu… Theo đó, Garmex đã hợp tác thành lập một công ty con đóng tại Mỹ. Ngay từ đầu năm 2014, DN này đã có hợp đồng xuất khẩu trị giá 50 triệu USD và đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng từ thị trường Mỹ với chiến lược bán hàng trực tiếp theo phương thức thiết kế thành phẩm…

Với ngành dệt may, để được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu vào các nước thành viên TPP, DN phải bảo đảm một tỉ lệ nguyên vật liệu đầu vào “kể từ sợi” phải nội địa hóa khoảng 70%. Với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA), thách thức cho DN ít hơn nhưng nguyên tắc xuất xứ cũng yêu cầu 50% nguyên vật liệu từ thị trường nội địa.

Nhưng đến nay, dù xuất khẩu với kim ngạch rất lớn nhưng các DN dệt may vẫn đang nhập khẩu 70%-80% nguyên phụ liệu cho hoạt động sản xuất trong nước và xuất khẩu. Theo ông Lê Quang Hùng, thách thức đối với ngành dệt may chính là nguồn cung và đang tắc nghẽn ở khâu nhuộm. Từ vài năm nay, khi TPP và EVFTA bắt đầu đàm phán, làn sóng các DN có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam xây nhà máy dệt khá nhiều nhưng riêng khâu nhuộm DN vẫn không mặn mà. “Ngay bản thân các địa phương cũng không “hào hứng” thu hút DN đầu tư nhà máy nhuộm vì sợ ô nhiễm. Cơ quan quản lý chưa có quy hoạch rõ ràng, mà không có nhuộm làm sao ra vải để sản xuất?” - ông Hùng nói.

Dù xuất khẩu với kim ngạch rất lớn nhưng ngành dệt may vẫn đang nhập khẩu 70%-80% nguyên phụ liệu 
Ảnh: HỒNG THÚY
Dù xuất khẩu với kim ngạch rất lớn nhưng ngành dệt may vẫn đang nhập khẩu 70%-80% nguyên phụ liệu Ảnh: HỒNG THÚY

Tương tự, dù da giày là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực nhưng đến nay nguồn nguyên liệu vẫn chủ yếu nhập khẩu, DN sẽ khó tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại với yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Một sản phẩm giày xuất khẩu, trong nước chỉ mới tự sản xuất được đế cao su, còn mũ giày phải nhập từ 70%-75%. “Số lượng DN có vốn đầu tư nước ngoài trong ngành da giày đang chiếm khoảng 75%, sắp tới làn sóng các DN từ Nhật, Mỹ tràn vào để hưởng lợi thế từ các hiệp định thương mại ngày càng nhiều hơn, cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. “ Về xuất khẩu, DN có thể bám trụ được nhưng  thị trường nội địa, DN còn rất mơ hồ, chưa có nhiều thông tin. Hiện DN đang nhập khẩu nguyên liệu từ thị trường chính là Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Bangladesh… Các nước này đều không tham gia TPP, nếu không chủ động được nguồn nguyên liệu, DN trong nước sẽ vuột mất lợi thế thuế suất thấp” - ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng Thư ký Hội Da giày TP HCM, cảnh báo.

Loay hoay tìm lối ra

Cơ hội từ các sân chơi mới rất rõ nhưng đến nay, DN nội vẫn loay hoay. Với quy định xuất xứ từ sợi của TPP, DN Việt Nam khó lòng hưởng lợi do ngành dệt may vốn phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Một rào cản quan trọng khác trong sản xuất vải hiện nay là vấn đề môi trường. Các địa phương không mặn mà tiếp nhận dự án đầu tư sản xuất dệt nhuộm vì lo ngại ô nhiễm.

“Đầu tư vào dệt nhuộm đòi hỏi bí quyết công nghệ và vốn lớn, lên đến 20-30 triệu USD. Các DN trong nước không có nhiều lợi thế về tài chính, công nghệ, nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước thì khó có thể chạy đua với DN nước ngoài. Nếu tiếp tục phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu ngoại, Việt Nam buộc phải chấp nhận làm “người tốt”: Gia công sản phẩm, xuất khẩu giùm DN các nước!” - lãnh đạo một DN may nói.

Theo ông Nguyễn Văn Khánh, ngay từ lúc này, các DN cần chuẩn bị về lao động có tay nghề, đổi mới máy móc, công nghệ hiện đại, xây dựng nhà xưởng để đón đầu đơn hàng xuất khẩu mới. “Các DN kiến nghị nhà nước phải vào cuộc để xây dựng chuỗi cung ứng, hỗ trợ 50% lãi vay cho DN phát triển vùng nguyên phụ liệu. Nếu không nhanh chân vào cuộc, DN Việt sẽ thua trắng trên sân nhà” - ông Khánh nhận định. n

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-5

Kỳ tới: Nông nghiệp sẽ thua thiệt

Nhà đầu tư ngoại tăng tốc

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhiều DN dệt may Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông đã đầu tư xây dựng nhà máy sợi, dệt, nhuộm để đón đầu TPP. Tại TP HCM, 2 nhà đầu tư lớn là Công ty Forever Glorious (Tập đoàn Sheico - Đài Loan) đã cam kết đầu tư 50 triệu USD để triển khai 1 dự án hoàn chỉnh từ dệt vải đến sản xuất các sản phẩm may mặc chuyên dụng cao cấp cho thể thao dưới nước. Công ty Gain Lucky Limited (Tập đoàn Shenzhou International - Trung Quốc) cũng lên kế hoạch đầu tư 140 triệu USD để phát triển dự án trung tâm thiết kế thời trang và sản xuất các sản phẩm may mặc cao cấp. Ở phía Bắc, hàng loạt nhà đầu tư mới và nhà đầu tư đã có mặt ở Việt Nam cũng đang khẩn trương mở rộng sản xuất.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo