Sáng nay, 26-2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPVP) Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, đã chủ trì cuộc đối thoại về phản ánh của doanh nghiệp (DN) trong việc thực hiện Nghị định 116/2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô và Thông tư 03/2018 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu thuộc đối tượng Nghị định 116.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đối thoại với doanh nghiệp - Ảnh: Nhật Bắc
Tại cuộc họp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Tổng Giám đốc Công ty Toyota Việt Nam (TMV) Toru Kinoshita bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" của VAMA về một số quy định hành chính trong Nghị định 116 và cho rằng nghị định này không tuân thủ thông lệ quốc tế, các cam kết quốc tế và gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất và nhập khẩu ô tô của các thành viên VAMA.
"Hệ quả là đến nay, hầu như không có chiếc xe ô tô nào được nhập khẩu vào Việt Nam kể từ 1-1-2018 đến nay"- ông Toru Kinoshita nói.
Làm rõ thêm, Chủ tịch VAMA phân tích một số quy định hành chính trong Nghị định 116 không phù hợp bởi những quy định này dẫn đến làm gián đoạn, thậm chí dẫn đến dừng toàn bộ hoạt động nhập khẩu ô tô từ nước ngoài.
Video clip Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đối thoại với doanh nghiệp
Thêm vào việc không thể nhập được sẽ làm thu hẹp việc mở rộng thị trường ô tô và với một số phân khúc ô tô cỡ nhỏ thì việc sản xuất trong nước hoàn toàn không khả thi.
"Nghị định 116 làm tăng thêm nhiều chi phí và tăng thời gian thông quan đối với tất cả các nhà nhập khẩu ô tô dẫn tới việc giá xe tăng cao và kéo dài thời gian chờ đợi của khách hàng. Nghị định cũng tạo ra sự đối xử không công bằng giữa các nhà sản xuất ô tô, giữa DN sản xuất trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài vì một số thành viên VAMA mặc dù đã hoạt động hơn 20 năm tại Việt Nam nhưng nay họ có thể phải ngừng sản xuất chỉ vì một quy định đột xuất về đường chạy thử ô tô"- ông Toru Kinoshita tố khổ.
Còn ông Lâm Chí Quang, đại diện thương hiệu xe Toyota và Lexus thì cho rằng phía Nhật Bản không cấp giấy này vì thế giới họ không làm thế.
"Chúng ta có thể sản xuất 100% các loại xe, nhưng có nhiều chủng loại có nhu cầu rất nhỏ, chỉ vài chục xe, nhưng lại đặc biệt cần cho nền kinh tế. Mấy tháng nay, xe Toyota Land Cruiser là không thể nhập, bạn bè tôi kêu rất nhiều, các dự án vùng sâu, vùng xa là tắc, không mua được. Đề nghị bộ trưởng xem xét những nhu cầu nhỏ nhưng rất cần thiết cho nền kinh tế quốc dân"- ông Quang đề xuất.
Ông Phạm Văn Dũng – Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Ford Việt Nam - cho biết nhà sản xuất này chiếm thị phần đứng thứ 2 (10,5%) trong cơ cấu của VAMA. Theo ông Dũng, từ khi ban hành đến khi có hiệu lực, Nghị định 116 chỉ có hơn 2 tháng, trong khi trung bình chính sách triển khai thường 18-24 tháng. Với quy trình nhập khẩu 1 sản phẩm phải đặt hàng với nước ngoài thì thường ít nhất 4 tháng.
"Với quy định như vậy chúng tôi có rắc rối với các xe nhập khẩu từ Mỹ. Hiện chúng tôi đang vướng 1 dòng xe nhập từ Mỹ về Việt Nam có gần 100 xe đặt hàng từ tháng 6, không huỷ được mà giờ không dám nhập về Việt Nam. Vì thời gian đi trên biển từ 60 – 70 ngày, hiện số xe này đang nằm ở 1 cảng của Mỹ, phải chi hơn 1.000 USD/ngày cho tiền kho bãi tại đây và chất lượng xe ngày càng giảm. Đề nghị Chính phủ cho Ford Việt Nam nhập lô xe này về theo quy định trước Nghị định 116, không phải thử nghiệm theo lô, tránh giảm thiệt hại cho DN"- ông Dũng đề xuất.
Liên quan chứng nhận kiểu loại, ông Phạm Văn Dũng cho rằng yêu cầu này không phù hợp thông lệ quốc tế vì thông thường cái này được thực hiện tại nước nhập khẩu dựa trên các tiêu chuẩn kỹ thuật từng nước tuỳ theo yêu cầu của nước đó nên nước đó phải đứng ra đánh giá, cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn của mình, các nước xuất khẩu không cấp giấy chứng nhận này cho xe xuất khẩu.
"Một số xe ở châu Âu có được giấy này nhưng nguyên tắc không thay đổi mà là họ cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn của họ (tiêu chuẩn khí thải EURO 6). Với tiêu chuẩn nguyên liệu của Việt Nam đang là EURO 4 thì chúng tôi quan ngại những xe này về sẽ có vấn đề về chất lượng"- ông Dũng lo lắng.
Ông Dũng cho biết hiện Ford Việt Nam đã có chứng nhận kiểu loại cho nhà máy của Ford ở Mỹ. Còn chứng nhận tiêu chuẩn khí thải thì Mỹ không cấp cho xe về Việt Nam vì Việt Nam tuân theo tiêu chuẩn khí thải của EU chứ không phải Mỹ. Vậy nên dù có lấy được chứng nhận này thì cũng rất khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều cho DN. Xe của Ford đang là tiêu chuẩn EURO 5.
Ông Dũng kiến nghị Chính phủ có sự cân nhắc, xem xét thông lệ quốc tế để không có quá nhiều khác biệt. Việc chứng nhận này cũng không có nghiều ý nghĩa với việc đảm bảo chất lượng xe vì sau đó đăng kiểm vẫn sẽ kiểm nghiệm và cấp chứng nhận kiểu loại cho từng loại và như vậy là bị trùng.
"Việc kiểm nghiệm theo từng lô cũng là yêu cầu riêng Việt Nam, trước Nghị định 116, Việt Nam làm theo thông lệ quốc tế, kiểm nghiệm với lô hàng đầu tiên, những lô sau đó nếu đúng kiểu loại đó thì được bỏ qua. Với Nghị định 116 dẫn đến thời gian thử nghiệm gần 2 tháng, gây tốn kém cho DN, chi phí tốn kém 5.000-10.000 USD/lần mà sự chờ đợi cũng lâu hơn. Phương pháp thử theo Thông tư 03 cũng thắt chặt hơn trước kia. Trước DN được chọn đưa 1 xe vào kiểm nghiệm nếu không đạt thì được đưa xe chạy 2.000-3.000 km để đạt đúng điều kiện chạy thực tế và thử lại. Còn theo quy định mới thì rủi ro rất lớn"- ông Dũng bày tỏ.
Ông Dũng cũng chia sẻ sự khó khăn về việc kéo dài được thử xe tới 800 m theo Nghị định 116.
Ông Trần Bá Dương giới thiệu 1 hồ sơ chứng nhận của hãng xe nước ngoài
Có quan điểm ngược lại, Chủ tịch HĐQT Công ty Thaco Trường Hải Trần Bá Dương lại cho rằng quy định về bản sao giấy chứng nhận kiểu loại không chỉ riêng cho xe nhập khẩu mà xe sản xuất trong nước cũng phải xuất trình giấy này và quy định này có từ 2006.
Đến 2011 thì Bộ GTVT quy định nằm trong Thông tư 31 (15-4-2011) và sau khi Nghị định 116 ra đời thì có Thông tư 03 để thay thế Thông tư 31 này.
Theo ông Trần Bá Dương, theo thông lệ quốc tế, khi yêu cầu của Chính phủ Việt Nam đặc biệt về xe lắp ráp trong nước, Thaco cũng tiến hành lấy giấy chứng nhận kiểu loại xe từ các hãng xe nước ngoài từ năm 2011 như chứng nhận của KIA từ Hàn Quốc, chứng nhận Peugeot (Pháp), chứng nhận của Mazda (Nhật Bản)...
"Chúng tôi thực hiện quy định này không có khó khăn gì. Ở châu Âu có quy định này, vì hãng BMW và Mini cung cấp từ mẫu bảng của châu Âu. Mini quy định tới 200 trang, của Peugeot khoảng 100 trang. Tác dụng của giấy này giống như lý lịch của một chiếc xe, nó nêu rõ công nghệ, các tính năng của xe, được chứng thực bằng cơ quan được ủy quyền chứ không phải bằng phương thức quảng cáo, marketing của các thương hiệu" - ông Dương chia sẻ.
Theo ông Dương, đây là tài liệu để khách hàng biết được xe của họ mua ở công nghệ nào, tính năng ra sao. Trong bối cảnh thị trường xe trong nước, hiểu biết của người tiêu dùng còn hạn chế, đặc biệt là tình trạng tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra có phải do ảnh hưởng bởi chất lượng xe hay không mà chủ yếu hiện nay đều quy kết cho lái xe là chính thì giấy chứng nhận kiểu loại là rất cần thiết.
"Giấy chứng nhận kiểu loại là rất cần thiết, trong điều kiện khi xe nhập khẩu về chưa có đủ điều kiện về kiểm định. Giấy chứng nhận kiểu loại, mỗi hãng xe chứng nhận khác nhau, không nên bác bỏ giấy này mà cần tiến hành nhanh để rà soát lại các biểu mẫu của giấy chứng nhận kiểu loại, để có được bộ chứng nhận kiểu loại của Việt Nam"- ông Dương đề nghị.
Về việc thiếu hụt xe hiện nay theo chủ tịch Thaco là do chiến lược kế hoạch của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam đã chuyển một phần từ sản xuất, lắp ráp trong nước sang nhập khẩu nguyên chiếc năm 2018, nhưng khi nhập lại vướng các quy định dẫn đến thiếu hụt một lượng xe ở thị trường.
"Cái này chính do các nhà cung cấp xe gây ra. Tôi là một trong những người chịu trách nhiệm về việc này và sẽ cố gắng sản xuất nhiều hơn, làm nhiều hơn để bù vào thiếu hụt ở thị trường. Nếu tổ chức làm nhanh thì trong tháng 4 có thể nhập khẩu được xe về. Tôi cam kết và tôi cũng sẽ nhập được xe. Trong vài ngày, nếu thống nhất được tôi sẽ nhập ngay xe BMW, trong vòng 2-3 tuần xe sẽ về tới nơi"... – ông Trần Bá Dương tự tin nói.
Liên quan đến đường thử xe, ông Trần Bá Dương cho rằng đường thử trước đây đã quá lỗi thời vì tồn tại gần 20 năm nay.
"Chủ tịch VAMA nói áp dụng ngay gây khó khăn cho các thành viên VAMA thì nghị định cho phép duy trì đến 15-4-2019 chứ không phải là áp dụng ngay"- ông Dương nói.
Nêu ra thành ngữ "ăn cây nào rào cây đấy" và cho rằng với tên gọi VAMA là hiệp hội các nhà sản xuất, lắp ráp trong nước thì hãy quan tâm đến sản xuất, lắp ráp một cách hợp lý, nhưng tại hội nghị này lại chỉ nói về nhập khẩu. Với sự tự trọng của tôi, tôi không xin sự ưu đãi, và Nghị định 116 cũng không dành ưu đãi gì cho DN trong nước"- ông Dương nhấn mạnh.
Cũng theo ông Dương, quá trình soạn thảo Nghị định 116, các DN và đặc biệt Hiệp hội VAMA luôn được tham dự các cuộc họp để góp ý. Bản chính thức được ban hành cũng không thay đổi so với phiên bản cuối hồi tháng 6, phiên bản này cũng đã gửi cho các hiệp hội để tham khảo.
"Tôi mong các ngài nên rút lại đề nghị tạm hoãn thực thi Nghị định 116 vì làm như vậy là không công bằng giữa các DN tích cực tuân thủ và các DN ỉ lại rồi đưa ra các lý do để không thực hiện. Hãy tích cực cùng Bộ GTVT đưa vào những điều kiện cụ thể trong Thông tư 03 để thực thi ngay. Nếu không giằng dai thì vào tháng 4 đã nhập khẩu được xe rồi"- ông Dương quyết liệt.
Còn về đường thử, Toyota đã vào Việt Nam từ rất nhiều năm, ông Trần Bá Dương cho biết có thuận lợi hơn các DN nhỏ ở trong nội thành thành phố nhưng nhìn chũng cũng không dễ dàng. Đề nghị xem xét về thời hạn bắt buộc phải có đường thử dài 800 m từ tháng 4-2019 .
Trước ý kiến của các DN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định quy trình làm Nghị định 116 đã tuân thủ nghiêm túc những quy định về ban hành một văn bản quy phạm pháp luật. Để xây dựng nghị định này, Thủ tướng đã ra quyết định thành lập 1 tổ công tác chuyên ngành về lĩnh vực ô tô, thành phần gồm Bộ GTVT, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, gồm cả 1 số nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và cả VAMA....
"Có thể chúng tôi không đi hết được đến từng DN nhưng chắc chắc đã có sự bàn luận, phản biện, thậm chí tranh cãi về những vấn đề để tiếp nhận thông tin" – ông Hải nhấn mạnh.
Liên quan đến quy định về đường thử, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay ngày 27-10-2004, Nghị định 115 của Chính phủ quy định đường thử có 500 m, nhưng giờ sau gần 20 năm thì không thể mãi như thế được, xã hội thay đổi nên cần điều kiện khắt khe hơn, xe chạy được tốc độ cao hơn thì cũng cần đường thử khác. Ông cũng khẳng định Chính phủ không phân biệt DN Việt Nam hay FDI mà đều vì mục đích tạo sự bình đẳng giữa DN sản xuất, lắp ráp trong nước và DN nhập khẩu ô tô.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nêu quan điểm đã đến lúc cần hành lang pháp lý nhất định, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công nghiệp ô tô phát triển, với nội lực của Việt Nam nhưng rất cần nhà đầu tư nước ngoài hợp tác đầu tư trong lĩnh vực này. Thứ trưởng Thọ nêu con số, Việt Nam có 92 triệu dân nhưng mới có khoảng 2,8 triệu ô tô hoạt động, trong khi đó, nhu cầu về vận tải lại rất lớn.
"Đến nay, cơ cấu về thị phần vận tải thì đường bộ vẫn chiếm một thị phần rất lớn, như vậy phương tiện ô tô đang chiếm thị trường rất lớn. Nhưng số lượng ô tô của Việt Nam so với các nước trong khu vực đang ở quá xa. Riêng TP Bangkok đã có 5,6 triệu ô tô, Hàn Quốc là 19 triệu. So với mặt bằng, tỉ lệ ô tô của chúng ta rất thấp" – Thứ trưởng Bộ GTVT dẫn chứng và cho rằng, xuất phát điểm của Việt Nam thấp nên nhu cầu phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam rất cần.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, Nghị định 116 ra đời đề cập đến 2 điều kiện cơ bản nhất của kinh doanh, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, đó là vấn đề an toàn, và quyền lợi của người tiêu dùng. "Về vấn đề an toàn, chúng tôi phải có quy định bắt buộc như các nước. Một phương tiện ngoài phục vụ nhu cầu thiết yếu nhất vẫn phải tính đến vấn đề tính mạng con người. Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ TNGT rất lớn, một năm 9.000 người chết, chưa tính hơn 10.000 người bị thương. Nên vấn đề đưa ra tiêu chuẩn để kiểm soát phương tiện là vấn đề tất yếu mà nước nào cũng phải làm" – Thứ trưởng GTVT nhấn mạnh.
Cũng theo ông, Nghị định 116 lần này đưa ra những cái gần như điều kiện bắt buộc mà gần như nước nào cũng có chứ không phải riêng Việt Nam, chỉ là trong quá trình chuyển đổi chúng ta chưa kịp bắt nhịp nên chúng ta cảm thấy nó như là mâu thuẫn chưa được giải quyết. Ông cũng nêu quan điểm, chúng ta không thể chạy theo hết được để che chắn cái này cái nọ, nhưng cần tạo ra hàng rào để từng bước giải quyết những mâu thuẫn ấy để đưa vào khuôn khổ. Với Nghị định 116, Bộ GTVT có trách nhiệm xây dựng Thông tư 03 để tạo cơ sở pháp lý, hành lang hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định khi xây dựng nghị định và thông tư đã tuân thủ pháp luật, có đánh giá tác động xã hội, những vấn đề trong quy định đã nêu theo trình tự nghiêm ngặt, được sự tham gia đồng thuận của các DN, hiệp hội.
"Đến bây giờ, Nghị định 116 có sự đồng thuận cao. Còn trong quá trình triển khai thực hiện, một cái lâu nay chưa có, giờ đưa vào, chúng ta lại tham chiếu với khu vực và thế giới nên chưa thể đồng bộ hết được, bản thân chúng ta cũng chưa thể bao hết được, nên cần hoàn thiện từng bước sao cho hoàn thiện nhất" – Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
Với các quy định về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại hay kiểm định theo từng lô, ông Thọ cho biết đã bàn bạc kỹ, theo đó, một xe khi nhập vào Việt Nam dứt khoát phải có tên tuổi, hồ sơ, gắn liền trong một lô hàng. Các DN đưa ra một số tình huống thực tế, từ điều kiện nhập khẩu vào Việt Nam liên quan đến cảng biển, hạ tầng, hải quan...
"Chúng ta không thể đưa vào nghị định để che chắn được hết nhưng sẽ có hướng dẫn cụ thể để giảm bớt thủ tục và thực hiện được quy định này, còn những vướng mắc sẽ tiếp tục được tháo gỡ"- ông Thọ cam kết.
Còn về quy định về đường thử, Thứ trưởng GTVT cho biết một số hãng đầu tư FDI cách đây 20 năm khi liên doanh, liên kết và lắp ráp, trong đề án có đường thử nhưng rất nhiều công ty không thực hiện, chưa làm đường thử. Đến nay, quy định đường thử 800 m đưa vào Nghị định 116 thì sẽ liên quan đến vấn đề đất đai, thủ tục đèn bù nên được cho là "rào cản", nhưng theo Thứ trưởng Thọ, nếu DN đã đầu tư 500 m đường thử theo quy định trước đây rồi, rồi giờ thêm 300 m cũng không khó khăn gì, sợ nhất là DN chưa làm gì.
Thứ trưởng khẳng định quan điểm của Bộ GTVT là sẽ theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, đồng hành cùng DN, cầu thị lắng nghe để tập trung tháo gỡ chứ không có việc tạo rào cản. Tuy nhiên, đây là giai đoạn chuyển đổi nên cần ngồi lại với nhau bàn bạch chứ không thể làm luôn trong một sớm một chiều.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết sẽ không đưa ra kết luận tại buổi họp này mà đề nghị các bộ, ngành liên quan tiếp thu nghiêm túc, đưa ra giải pháp sớm nhất. "Cuối tuần này hoặc đầu tuần sau sẽ họp các bộ và cơ quan liên quan để xem xét từng khía cạnh, từng vấn đề của Nghị định 116 và Thông tư 03, sau đó đề xuất với Thủ tướng giải pháp sửa đổi, bổ sung cho hợp lý" – ông Dũng cho hay.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Daniel Kritenbrink cho biết Việt Nam vẫn sẽ là một trong những đối tác của Mỹ và mong muốn đẩy mạnh hơn quan hệ thương mại của hai nước. "Chúng tôi mong muốn các quy định của Chính phủ phải rõ ràng hơn, thống nhất hơn, để những nhà xuất khẩu ô tô biết được các cách thức mà họ nên thực hiện. Cũng có một số quy định tại nghị định này có thể gây ra sự khác biệt đối với những nhà xuất khẩu ô tô và nhà xuất khẩu - nhập khẩu ô tô trong nước. Chúng tôi mong tạm hoãn Nghị định 116 để có thể xem xét cả nghị định cũng như làm thế nào để nghị định này trở nên rõ ràng hơn.
Bình luận (0)