Ngày 9-6, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông V.T, Tổng Giám đốc Công ty Cơ khí L.P (TP HCM), cho biết tuần rồi, ông tiếp 2 đoàn thanh tra về phòng cháy chữa cháy, xây dựng và chuẩn bị tiếp đoàn thanh tra của ngành y tế về an toàn vệ sinh thực phẩm dù trước đó, ngày 17-5, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 20 về chấn chỉnh hoạt động thanh, kiểm tra đối với doanh nghiệp (DN).
Quá quen với các đoàn kiểm tra!
Theo ông V.T, do công ty của ông làm đúng các quy định, yêu cầu của cơ quan quản lý nên không bị phạt sau mỗi khi thanh tra nhưng vẫn cảm thấy phiền vì mất thời gian, công sức cho việc chuẩn bị hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Từ năm rồi, khi xây dựng nhà xưởng mới phục vụ sản xuất, công ty của ông đã nhiều lần tiếp đoàn thanh tra về xây dựng. Đến nay, khi nhà xưởng xây xong, vẫn tiếp tục có đoàn thanh tra về xây dựng đến làm việc.
"Tôi nghe có quy định cơ quan nhà nước không được thanh tra, kiểm tra DN quá 1 lần/năm nhưng không hiểu thực hiện cụ thể thế nào? Tôi hỏi thanh tra xây dựng thì họ nói mỗi năm được kiểm tra 5 lần, công ty tôi mới bị thanh tra 4 lần nên phải thực hiện đủ quy định là 5 lần. Riêng thanh tra về phòng cháy chữa cháy thì trung bình 3 tháng, họ tới làm việc với DN 1 lần" - ông V.T dẫn chứng.
Quan điểm của UBND TP HCM là kiểm tra không phải để thu tiền phạt mà giúp cơ sở vi phạm làm tốt hơn Ảnh: NGỌC ÁNH
Quá quen với việc thường xuyên tiếp các đoàn kiểm tra, bà T.A, Giám đốc Công ty Thực phẩm T.Đ (huyện Củ Chi, TP HCM), cho rằng ban đầu, lãnh đạo công ty còn đích thân tiếp các đoàn kiểm tra. Sau này "mệt" quá, giao hẳn cho nhân viên làm nhiệm vụ này. Một năm, công ty bị kiểm tra không biết bao nhiêu lần, hết phòng cháy chữa cháy đến an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, quản lý thị trường, y tế dự phòng... "Riêng kiểm tra về môi trường có đến mấy đoàn khác nhau, mỗi đoàn lại yêu cầu DN chuẩn bị hồ sơ riêng cho từng chỉ tiêu khác nhau như khói bụi, tiếng ồn, ánh sáng, nguồn nước... Chúng tôi sản xuất thực phẩm nên kiểm soát rất kỹ từ hạ tầng, máy móc, môi trường, nhân công, nhà máy và đều đạt tiêu chuẩn ISO, HACCP nên không "sợ" bị kiểm tra, làm khó hay nhũng nhiễu. Nhưng vào cao điểm mùa vụ sản xuất mà phải bố trí người tiếp đoàn, chuẩn bị hồ sơ tài liệu cũng rất phiền phức" - bà T.A bức xúc.
Theo nhiều DN, dù bị kiểm tra thường xuyên nhưng với những công ty lớn, tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn và yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, môi trường, an toàn thực phẩm... sẽ ít bị phiền toái hoặc phạt tiền do vi phạm hơn các cơ sở sản xuất nhỏ. Bởi các đoàn muốn vào kiểm tra phải có công văn, quyết định kiểm tra gửi cho công ty trước, nếu không, công ty có quyền từ chối. Trong khi đó với các cơ sở sản xuất, đơn vị quản lý nào cũng có quyền kiểm tra đột xuất, làm khó dễ...
Phổ biến bị thanh tra, kiểm tra 6-7 lần/năm
Cách đây hơn 1 năm, Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN có nêu rõ yêu cầu UBND các tỉnh, TP thực hiện thanh, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật, không quá 1 lần/năm; kết hợp thanh, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt trừ trường hợp thanh, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng.
Quy định là vậy nhưng thực tế, nhiều hiệp hội DN vẫn phản ánh việc thành viên phải tiếp rất nhiều đoàn thanh, kiểm tra trong năm qua. Các cuộc khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa qua cho thấy nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh, kiểm tra 1 lần/năm như Nghị quyết 35 đề ra. Việc DN một năm phải tiếp 6-7 đoàn từ thanh tra, kiểm toán, chưa kể các đợt thanh tra không chính thức là khá phổ biến. Cụ thể, theo thống kê của VCCI, khoảng 14% DN bị kiểm tra từ 4 lần trở lên trong năm 2016. Trong những DN có 2 cuộc kiểm tra trở lên, trên 50% cho rằng các cuộc kiểm tra có nội dung trùng lặp.
Chỉ thị 20 nêu rõ qua theo dõi tình hình và phản ánh của cộng đồng DN cho thấy hoạt động thanh tra nói chung và hoạt động thanh, kiểm tra chuyên ngành vẫn tồn tại những hạn chế, còn vụ việc gây phiền hà, sách nhiễu DN. Sự phối hợp giữa các cơ quan có chức năng thanh, kiểm tra chưa chặt chẽ, thời gian thanh tra kéo dài và nội dung thanh tra chưa rõ ràng, có khi vượt thẩm quyền quản lý...
Trước thực tế này, trong công tác kiểm tra an toàn thực phẩm tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến đã nêu rõ quan điểm, chỉ kiểm tra đột xuất sau khi đã tiến hành các biện pháp nghiệp vụ đối với các trường hợp hàng gian, hàng giả, giết mổ lậu. Còn việc kiểm tra DN, cơ sở sản xuất như nhà hàng, cửa hàng... cần phải minh bạch vì mục tiêu của TP không phải thu tiền phạt mà muốn cơ sở khắc phục để làm tốt hơn. "Thời gian qua, đã xảy ra trường hợp cán bộ đến kiểm tra đột xuất phát hiện sai phạm về an toàn thực phẩm nhưng không xử phạt mà lấy phong bì. Những việc làm như vậy không đạt được mục tiêu kiểm tra mà còn làm hư cán bộ. Việc tổ chức kiểm tra công khai sẽ giúp DN làm ăn chân chính khẳng định được thương hiệu. Quan điểm này cũng phù hợp với chỉ thị của Thủ tướng về việc kiểm tra DN không quá 1 lần/năm" - ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh.
Phó chủ tịch UBND TP cũng chỉ đạo hoạt động kiểm tra không nên dàn trải mà quan trọng là xử lý sau kiểm tra, bảo đảm tính răn đe, trường hợp ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng có thể xem xét khởi tố. Cán bộ phụ trách kiểm tra phân công địa bàn ít nhất 1 năm mới điều chuyển để nắm lĩnh vực.
Không trùng lắp, chồng chéo nội dung
Tại Chỉ thị 20, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND tỉnh, TP chỉ đạo khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hằng năm không để xảy ra tình trạng thanh, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với DN; trường hợp kế hoạch thanh tra trùng lắp, chồng chéo với hoạt động kiểm toán nhà nước thì chủ động phối hợp, trao đổi với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ để thống nhất, không làm cản trở hoạt động bình thường của DN. Cần tiến hành rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt; chủ động kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh kế hoạch thanh tra khi cần thiết theo hướng không làm tăng số cuộc thanh tra.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, TP phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có chức năng thanh, kiểm tra trong phạm vi quản lý nhà nước; kịp thời phát hiện, xử lý chồng chéo, trùng lắp theo thẩm quyền; xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng trùng lắp, chồng chéo.
Bình luận (0)