xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bơi trong ao nhà sẽ "chết"

THANH NHÂN - THÁI PHƯƠNG

2015 là năm bản lề của hội nhập, cơ hội nhiều nhưng cũng lắm thách thức. Vậy doanh nghiệp cần gì và phải làm gì để phát triển trong sân chơi với hơn 600 triệu dân?

 

Trong khi doanh nghiệp nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam đầu tư, mở rộng hoạt động để đón đầu cơ hội khi nước ta hội nhập sâu rộng với thế giới, doanh nghiệp trong nước lại lo lắng cho thương hiệu Việt, lo mất thế cạnh tranh

 

Trả lời báo chí ngay đầu năm mới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng sự cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành vào cuối năm nay. Vì thế, doanh nghiệp (DN) trong nước phải dũng cảm, tự tin hơn chứ không chỉ bơi trong ao nhà trước làn sóng đổ bộ của hàng ngoại.

Lãi suất “ăn” hết lợi nhuận

“Vợ tôi rất thích ăn bánh xốp. Vào siêu thị, thấy trên kệ chất đầy hàng của Thái Lan, Indonesia, Malaysia… với mẫu mã ấn tượng, bắt mắt trong khi sản phẩm của Việt Nam nằm khiêm tốn, chưa có thương hiệu, giá không rẻ hơn hàng ngoại là mấy. Vợ tôi quyết định mua mỗi loại 1 hộp về dùng thử, loại nào ngon, giá hợp lý sẽ mua tiếp lần sau. Tâm lý người Việt khi đứng trước nhiều lựa chọn, họ sẽ ưu tiên chọn hàng Việt nếu chất lượng tốt, giá bán phù hợp chứ không ủng hộ một cách mù quáng” - ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, dẫn chứng chuyện tiêu dùng của gia đình mình khi nói về cạnh tranh thời hội nhập.

 

TP HCM đã có nhiều trung tâm, cửa hàng mua sắm chuyên dành cho người nước ngoài. Trong ảnh: Khách Nhật mua sắm tại một cửa hàng trên đường Đồng Khởi, quận 1 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
TP HCM đã có nhiều trung tâm, cửa hàng mua sắm chuyên dành cho người nước ngoài. Trong ảnh: Khách Nhật mua sắm tại một cửa hàng trên đường Đồng Khởi, quận 1 Ảnh: HOÀNG TRIỀU

 

Theo ông Hưng, AEC hình thành, hàng hóa từ Thái Lan vào Việt Nam cũng dễ như từ Hà Nội vào TP HCM. Điểm qua một số mặt như trình độ quản trị, sản xuất, công nghệ… thì DN Thái đều nhỉnh hơn hẳn. Hơn nữa, DN Thái Lan vay vốn để làm ăn với lãi suất chỉ 5%-6%/năm trong khi DN vừa và nhỏ của Việt Nam phải chịu lãi suất trên 10%-12%/năm (đối với các khoản vay trung và dài hạn). Tất cả yếu tố trên cho thấy DN Việt lép vế thế nào trong môi trường mở sắp tới.

DN muốn nâng cao chất lượng sản phẩm thì phải đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại. Muốn đầu tư thì phải có vốn. Tình trạng ngân hàng thừa tiền nhưng không dám cho vay, DN thiếu tiền nhưng không đủ điều kiện vay vốn vẫn luẩn quẩn chưa có lối ra.

Điển hình như trong lĩnh vực cao su - nhựa, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP HCM, cho biết lãi suất tại Việt Nam neo cao trên 10%, gần gấp đôi so với các nước trong khu vực và thậm chí gấp 3 so với một số nước phát triển. Trong ngành cao su thế giới, tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu chỉ dao động 5%-10%, vòng xoay vốn chỉ từ 2-3 lần thì lãi suất cao tại Việt Nam đã “ăn” hết lợi nhuận của DN. Đây là trở lực lớn nhất đối với các DN Việt Nam khi đầu tư mới để tăng sức cạnh tranh.

Nước quá chân… phải nhảy!

TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng lúc này, cạnh tranh không chỉ là xuất khẩu mà ngay trên sân nhà. Thách thức lớn nhất là về tổng thể nền kinh tế, Việt Nam cạnh tranh bằng năng suất kém hơn nên thách thức rất lớn. Khả năng xâm nhập mạng lưới phân phối cũng là vấn đề quan trọng phải xem xét lại bởi hiện nhiều mạng lưới phân phối trên thị trường nội địa đã do nước ngoài kiểm soát như Thái Lan vừa mua Nguyễn Kim, Metro… “Về cơ bản sẽ chỉ còn một thị trường, không có nội địa và xuất khẩu nhưng tôi cảm nhận DN trong nước chưa sẵn sàng. Năm nay phải làm mạnh để tạo cơ sở cho năm sau. Tôi biết một số DN lớn làm xuất khẩu đã chuẩn bị từ nhiều năm qua nhưng không phải tất cả. Chúng ta thường bị bệnh nước đến chân mới nhảy nên thường thất thế” - TS Trần Du Lịch nhận xét.

Theo ông Nguyễn Xuân Hàn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco), vốn và công nghiệp hỗ trợ mặc dù giữ vai trò quan trọng nhưng không phải quyết định sự tồn tại, phát triển của DN. Điều quan trọng nhất là DN phải hiểu được thế mạnh của mình để từ đó phát huy, xây dựng thương hiệu và niềm tin với khách hàng.

“Trong lĩnh vực điện tử dân dụng nói chung và sản phẩm đầu máy karaoke, nhãn hiệu Arirang của Maseco hiện đang dẫn đầu thị trường về công nghệ, kiểu dáng và giá bán, dù có nhiều đối thủ nhảy vào. Để giữ vị trí thống lĩnh, chúng tôi chấp nhận đầu tư cho công nghệ phần mềm, hằng năm bỏ ra hàng chục tỉ đồng để mua công nghệ chứ không phải mua sản phẩm có sẵn về lắp ráp, phân phối ra thị trường” - ông Nguyễn Xuân Hàn chia sẻ. Ngoài ra, Maseco đang từng bước vươn ra ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam, ưu tiên nhắm đến thị trường 600 triệu dân trong ASEAN và 4 triệu người Việt ở nước ngoài. Hiện đầu đĩa Arirang đã xuất sang Lào, Campuchia, Myanmar theo hình thức mua đứt bán đoạn, sắp tới DN này sẽ thiết lập hệ thống phân phối ở Campuchia.

Với Minh Long Hưng, dù chỉ là DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất quần áo trẻ em nhưng ông Lý Thành Sinh, giám đốc công ty, đã định hướng ngay từ đầu phải đổi mới công nghệ và nỗ lực sáng tạo để nâng cao chất lượng sản phẩm, có cơ hội cạnh tranh về giá. “DN nào chăm chỉ lấy công làm lời, không đầu tư đa ngành cũng chỉ đủ duy trì chứ không thể bứt phá và nói chuyện cạnh tranh với DN nước ngoài” - ông Sinh nhận xét.

Kỳ tới: Hàng ngoại vào dễ quá!

 

Người tiêu dùng được lợi

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng khi Việt Nam hội nhập sâu, môi trường kinh doanh sẽ cạnh tranh gay gắt, khốc liệt hơn. Đây là quá trình tất yếu khi Việt Nam đang trên đường phát triển, lúc này, DN nào cạnh tranh và tồn tại được sẽ phát triển tốt trong tương lai. Quan trọng là người tiêu dùng sẽ hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc chơi này vì được tiếp cận hàng hóa giá rẻ, chất lượng.

Khi mặt bằng thuế tiến dần về 0% thì hàng rào kỹ thuật trở thành mấu chốt để hỗ trợ hàng trong nước nhưng hiện hàng rào kỹ thuật ở Việt Nam còn khá yếu. Nếu nâng cao các tiêu chuẩn, áp thêm nhiều hàng rào kỹ thuật thì e rằng ngay DN trong nước cũng không đáp ứng được.  T.Phương

 

Có quỹ cũng như không!

Theo các DN, điều quan trọng không phải là Chính phủ hỗ trợ cho DN bao nhiêu tiền, lãi suất mà là chiến lược phát triển và chính sách xuyên suốt cho chiến lược đó. Gần đây, Chính phủ đã quan tâm và có một số chính sách hỗ trợ vốn cho DN. Trong năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định 95/2014/NĐ-CP về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN), có hiệu lực từ ngày 1-12-2014.

Thế nhưng đến nay, chưa nhiều DN tận dụng được quỹ này do thiếu thống nhất thực hiện của cơ quan quản lý và bất cập trong quá trình sử dụng. Nhìn từ góc độ thuế, ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Công ty CP Tư vấn Thuế Sài Gòn, cho rằng một số hướng dẫn của Bộ Tài chính không thống nhất về chế tài đối với việc trích lập Quỹ KHCN mà không sử dụng hay sử dụng không đến 70% trong vòng 5 năm. Hậu quả là rất ít DN dám xung phong sử dụng quỹ KHCN. “Lời khuyên của tôi là nên tiếp tục chờ Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính - Bộ KHCN hướng dẫn rồi mới thực hiện, nếu không sẽ vướng vào tranh chấp với cơ quan thuế” - ông Nguyễn Thái Sơn nói. T.Nhân

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo