Ông Rich Rowden, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Action Aid, nhìn nhận hội nhập là cách “đẩy” doanh nghiệp (DN) trong nước vào cuộc cạnh tranh mới, buộc họ phải tự nâng cao năng lực để tiếp cận thị trường các nền kinh tế phát triển.
Thay đổi để tận dụng cơ hội mới
Điều đáng lưu ý là khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, hàng rào thuế quan sẽ được dỡ bỏ ngay. “DN phải đối mặt với hàng loạt vấn đề liên quan đến mậu dịch, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm... Những nước phát triển đặt ra rất nhiều hàng rào kỹ thuật mà DN xuất khẩu sẽ khó đáp ứng được, bởi DN đến từ các nước đang phát triển không đủ vốn để đầu tư công nghệ kỹ thuật cao…” - ông Rich Rowden nhấn mạnh.
Nhưng chờ đến bao giờ DN trong nước đủ sức cạnh tranh? Theo TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), nếu đợi DN sẵn sàng hết thì Việt Nam đã bỏ lỡ những thời điểm quan trọng. “Có nhiều lý do để Việt Nam tham gia đàm phán và ký kết các FTA. Tôi nhìn nhận việc tham gia các FTA là cơ hội để DN thay đổi và cải cách. Sau WTO, Việt Nam đang chững lại nên những FTA mới sẽ tạo sức ép để DN tự điều chỉnh, tận dụng cơ hội mới” - bà Trang tin tưởng.
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh nhận định khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, GDP Việt Nam sẽ tăng mạnh, xuất khẩu sang thị trường thành viên TPP cũng tăng, đặc biệt là xuất khẩu dệt may. Tuy nhiên, cơ hội này không tự đến mà DN phải giành lấy bằng năng lực, ý chí và sự hiểu biết. “Trước mắt, thách thức sẽ xuất hiện ngay vì “đối thủ” nước ngoài đã chuẩn bị rất kỹ, trong khi chúng ta hầu như chưa chuẩn bị gì nên ngay lúc này, DN Việt phải đầu tư nghiêm túc, tìm hiểu và học, thích nghi với các quy định, cam kết hội nhập để thực hiện cho đúng” - TS Lê Đăng Doanh khuyến cáo.
Khôn khéo bảo hộ nội địa
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, khuyến khích hộ kinh doanh cá thể trở thành DN. Các bộ, ngành cũng đang tích cực triển khai Nghị quyết 19 theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính với mục đích nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN. “Tham gia cộng đồng ASEAN, DN nhỏ và vừa là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất. Hội nhập là cuộc chơi của các DN lớn và nguy cơ DN nhỏ và vừa đứng bên lề là khó tránh khỏi” - ông Lộc nói.
Lãnh đạo VCCI cũng thừa nhận trong quá trình triển khai các giải pháp hỗ trợ DN, Chính phủ rất quyết liệt và sốt ruột, Thủ tướng liên tục chỉ đạo tại các cuộc họp thường kỳ nhưng khi xuống đến bộ ngành thì “nguội” hơn một chút và xuống đến cán bộ, công chức các ban - ngành thì... coi như không có. Do đó, cần phải cải cách theo hướng mọi yêu cầu đối với cán bộ công chức phải được lượng hóa bằng những con số hiệu quả công việc cụ thể.
Một giải pháp giúp DN nhỏ và vừa cải thiện năng lực cạnh tranh, chuẩn bị cho hội nhập là cần cung cấp thông tin kịp thời về các cam kết, cơ hội, thách thức từ những FTA. Do đó, VCCI đang kiến nghị Chính phủ xem xét thiết lập một cơ chế để cơ quan có thẩm quyền phối hợp với các đầu mối của cộng đồng DN như VCCI nhằm kịp thời cung cấp tất cả thông tin có thể về đàm phán, cam kết dưới các hình thức khác nhau cho DN; đồng thời, chỉ định một cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, giải thích các cam kết khi DN bị vướng mắc hoặc có cách hiểu khác nhau giữa cơ quan thực thi và DN.
Liên quan đến câu chuyện bảo hộ sản xuất trong nước và DN nội địa, TS Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng không gian chính sách hỗ trợ DN trong nước khi các FTA được ký kết sẽ không còn nhiều. Thế nhưng, trên thực tế, các nước vẫn có nhiều chính sách khôn khéo để bảo hộ sản xuất trong nước. Dẫn chứng tiêu biểu là ngành công nghiệp điện tử của Hàn Quốc, dù đã tham gia các FTA nhưng nước này vẫn sử dụng hàng loạt biện pháp như hạn chế nhập khẩu, ưu đãi thuế, ưu đãi tín dụng... nên quốc gia này mới có ngành công nghiệp điện tử phát triển như hiện nay.
Việt Nam không có lợi thế trong đàm phán, không thể thực hiện bảo hộ bằng thuế quan thì theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, nhà nước có thể triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến công nghệ, cải tiến khoa học kỹ thuật… giúp DN nhỏ và vừa từng bước mạnh lên, đủ sức cạnh tranh bình đẳng với DN các nước.
Phải đầu tư vào khoa học, công nghệ
Theo TS Lê Đăng Doanh, có nhiều DN kinh doanh chủ yếu dựa vào mối quan hệ nên không cạnh tranh quốc tế được. Thay vì đầu tư vào các mối quan hệ, DN cần tích cực đầu tư vào khoa học vì chính khoa học mới đem lại sức mạnh cho DN. Song song đó là tập trung phát triển nguồn nhân lực, công nghệ thông tin, thương mại điện tử để gia tăng sức cạnh tranh. DN cũng cần liên kết chặt với nhau, tạo ra chuỗi giá trị trong nội bộ nền kinh tế để tham gia vào chuỗi giá trị của bên ngoài.
Bình luận (0)