Vào những ngày này, đi đến đâu cũng nghe người dân trồng gừng ở Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau và TP Cần Thơ “khóc ròng” vì giá gừng xuống thấp đến mức khó tin. Theo đó, thương lái thu mua gừng tại ruộng chỉ với trên dưới 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên có nơi, gừng thu hoạch xong nhưng chẳng thấy bóng dáng thương lái đâu. Buộc lòng, các hộ dân phải kéo về nhà trữ hoặc mang ra chợ bán lẻ với giá khoảng 10.000 đồng/kg.
Nhiều ruộng gừng đang thu hoạch nhưng chẳng thấy bóng thương lái đâu
Đứng giữa ruộng gừng với đôi mắt đăm chiêu, ông Nguyễn Thanh Tường, một hộ dân ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang), cho biết mới vụ trước đây, với giá tại ruộng 22.000 đồng/kg, gia đình ông thu về tiền lãi hơn 100 triệu đồng từ 4 công đất trồng gừng. Thế nhưng vụ hiện tại, gia đình ông cũng như những hộ trồng gừng khác chẳng thu về đồng lãi nào, nếu không muốn nói là lỗ vốn. Theo ông Tường: “Bình quân một công gừng sẽ cho năng suất từ 1-2 tấn. Với giá 5.000 đồng/kg thì xem như không lời đồng nào, thậm chí lỗ. Đối với những diện tích gừng bị thối nhiều thì càng lỗ nặng hơn. Bởi lẽ, mỗi công gừng thì phải đầu tư 200 kg gừng giống, cộng với phân, thuốc, nhân công… thì mất hết khoảng 10 triệu đồng ”.
Hiện tai, sau khi nhổ và đem về rửa sạch, gừng chỉ bán được với giá khoảng 5.000 đồng/kg
Trong khi đó, ông Lâm Văn Tài, một hộ trồng gừng ở huyện U Minh Thượng (Kiên Giang), cho biết gừng rất khó trồng vì thường xuyên bị thối củ. Tuy nhiên, do liên tiếp nhiều năm liền gừng đứng ở mức giá từ 20.000- 30.000 đồng/kg nên nhà nông lấy làm phấn khởi, đua nhau tăng diện tích. Ít ai ngờ rằng, gần đến Tết Nguyên đán mà gừng lại rớt giá thê thảm như thế. “Cận Tết những năm trước, giá gừng cao ngất ngưởng ở mức 40.000 đồng/kg nên nhà nông mới tăng diện tích. Còn với mức giá thê thảm như hiện tại, chắc chắn số hộ trồng gừng sẽ giảm đi đáng kể ở những vụ sau”- ông Tài, khẳng định.
Nhiều hộ dân đành vận chuyển gừng ra chợ bán với giá khoảng 10.000 đồng/kg
Một cán bộ của Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), cho rằng toàn huyện có gần 150 ha gừng. Đây được xem là cây giảm nghèo lý tưởng cho bà con nông dân trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, do Phụng Hiệp và các địa phương khác liên tục tăng diện tích trồng gừng nên đầu ra bị ứ là điều khó tránh khỏi. Vì thế, ngành nông nghiệp vừa khuyến cáo bà con không nên phát triển ồ ạt diện tích gừng để tránh tình trạng bí đầu ra như hiện tại.
Bình luận (0)