Đây là dự án đầu tư 100% vốn nước ngoài của Công ty giấy Lee & Man Việt Nam (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hongkong - Trung Quốc), lần đầu tiên xây dựng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Tổng số vốn đầu tư cho dự án lên tới 1,2 tỉ USD, với công suất một năm 420.000 tấn giấy chất lượng cao và 150.000 tấn bột giấy. Đây sẽ là nhà máy giấy lớn nhất Việt Nam.
Dự kiến sau 14 tháng, nhà máy sẽ đi vào hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 8.000 công nhân.
Địa điểm không có trong quy hoạch
Song, nhiều nhà quản lý môi trường, DN nuôi trồng và chế biến thuỷ sản tại Hậu Giang đã bày tỏ thái độ hết sức lo ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường và nghi ngờ về khả năng tạo vùng nguyên liệu cho nhà máy giấy của công ty Lee & Man. Chính vì vậy, cuối tháng 8, trong cuộc gặp Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đã kiến nghị về sự việc này.
Cũng theo Văn bản 1311/CV-SDR, đến thời điểm ban hành, Cục Lâm nghiệp chưa nhận được bất kỳ thông tin hoặc tài liệu chính thức nào liên quan đến Nhà máy Giấy và bột giấy Lee & Man. Lãnh đạo Cục đã gặp và trao đổi với ông Tôn Lâm, đại diện nhà máy này tại Việt Nam và thông tin trên và đề nghị công ty cung cấp thông tin về nhà máy, nhưng Cục cũng không nhận được hồi âm. |
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) ngày 6/9/2007 cũng đã có công văn chính thức trả lời về vụ việc trên.
Văn bản 1311/CV-SDR, do Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Nguyễn Ngọc Bình ký ngày 6-6-2007, nêu rõ, trong “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp giấy đến năm 2010”, đã được Thủ tướng CP phê duyệt, thì không quy hoạch xây dựng nhà máy giấy ở Hậu Giang.
Ngay cả Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010 - tầm nhìn 2020, cũng không quy hoạch vùng nguyên liệu giấy tại khu vực ĐBSCL.
Về khả năng vùng nguyên liệu, Cục Lâm nghiệp nhận định, với tổng công suất nhà máy là 570.000 tấn/năm và định mức 4,5-5 tấn nguyên liệu để sản xuất được 1 tấn giấy, mỗi năm, cần có từ 2,5-2,8 triệu tấn nguyên liệu. Năng suất cây tràm hiện nay ở nước ta là 80m3/ha (chu kỳ 7-8 năm) thì vùng nguyên liệu đảm bảo cho nhà máy khoảng 270.000 ha rừng trồng.
Trong khi đó, kết quả rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng theo Chỉ thị số 38/2005/CT-Ttg của Thủ tướng CP thì cả 12 tỉnh vùng ĐBSCL chỉ có 182.000 ha đất rừng sản xuất. Nếu đưa toàn bộ diện tích trên vào vùng nguyên liệu thì cùng chỉ đáp ứng được 50% nguyên liệu cho nhà máy. Đó cũng chỉ là giả thuyết, còn trên thực tế, các tỉnh không thể đưa toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh mình vào vùng nguyên liệu cho nhà máy.
Những rừng tràm này sẽ biến mất, còn nước thải sẽ đổ trực tiếp ra các con sông? (ảnh angiang.gov.vn)
Như vậy, "nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng trong khu vực chắc chắn chỉ đáp ứng được dưới 20% công suất nhà máy", Cục Lâm nghiệp khẳng định.
Sông Hậu sẽ phải gánh hàng chục nghìn tấn xút/năm?
Cục Lâm nghiệp cho rằng, theo công nghệ sản xuất giấy và bột giấy của Nhà máy giấy Bãi Bằng, để sản xuất một tấn giấy hay bột giấy, cần 50kg xút làm chất tẩy và cũng có nghĩa là mỗi năm, 28.500 tấn xút (50 x 570.000 tấn) được đổ ra môi trường.
Hậu Giang đứng thứ ba cả nước về thu hút vốn FDI 7 tháng đầu năm nay, vùng ĐBSCL có 8 tỉnh, thành thu hút 33 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 800 triệu USD, vốn pháp định là 427,6 triệu USD. Với dự án giấy này, Hậu Giang vươn lên đứng thứ 3 cả nước (sau Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội) và dẫn đầu các tỉnh ĐBSCL về thu hút vốn FDI, với 2 dự án, tổng vốn đăng ký 629 triệu USD. Sau đó, các địa phương còn lại trong vùng xếp thứ tự theo mức vốn thu hút đầu tư là Long An, TP. Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Trà Vinh (10 triệu USD)... (Nguồn haugiang.gov.vn) |
Điều nguy hiểm là nhà máy này được đặt ở vùng trũng nhất khu vực nên rất khó rửa trôi một khối lượng xút lớn như vậy. Nếu chúng bị đổ ra sông Hậu và biển thì sẽ hủy hoại nguồn lợi thủy sản ở sông và biển ở phía Nam, đồng thời ảnh hưởng rất lớn tới việc nuôi trồng thủy sản ở khu vực ĐBSCL.
Qua trao đổi giữa lãnh đạo Cục Lâm nghiệp và ông Tôn Lâm (đại diện nhà máy), ông này cho biết 80% nguyên liệu của nhà máy là giấy phế liệu nhập từ nước ngoài; 20% nguyên liệu là từ gỗ rừng trồng trong nước.
Đặt khả năng nhà máy Lee & Man sử dụng 80% nguyên liệu là giấy phế liệu nhập từ nước ngoài để sản xuất, các nhà môi trường khuyến cáo sẽ xảy ra hai khả năng: Việt Nam lại vẫn là địa điểm tiếp nhận phế thảu của các nước trong khu vực, đẩy toàn bộ ô nhiễm môi trường cho người dân; thứ hai, việc tiếp nhận lượng phế thải đó cũng rất bấp bênh, không ổn định khu các nước trong khu vực có kế hoạch tái chế.
Từ những lý do trên, Cục Lâm nghiệp đã kiến nghị Bộ NN-PTNT báo cáo lên Thủ tướng CP chỉ đạo rà soát lại quy hoạch vùng nguyên liệu của Nhà máy Giấy và bột giấy Lee & Man để đảm bảo nhà máy hoạt động có hiệu quả, không tranh chấp với các loại cây trồng khác. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên - Môi trường chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang đánh giá vấn đề an ninh môi trường của nhà máy.
Nhà đầu tư cũng phải cam kết không làm cống ngầm đổ nước thải trực tiếp ra môi trường; xây dựng bể chứa thải chưa xử lý phải có đáy chống thấm và phải xây tường cao, không được để ngập vào mùa nước nổi, gây nguy hiểm cho cộng đồng và huỷ hoại môi trường sống. Hệ thống mương thoát nước thải đã được xử lý phải xây nổi để thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát chặt chất lượng trước khi đổ ra môi trường.
Về phương án nhập khẩu 80% nguyên liệu là phế liệu giấy, Cục Lâm nghiệp và Bộ NN-PTNT cũng không đồng tình do nguy cơ về môi trường là thấy rõ. Các yêu cầu trên, nếu UBND tỉnh Hậu Giang và Công ty Lee & Man không đáp ứng được, Bộ kiến nghị Thủ tướng CP cho dừng ngay việc xây dựng Nhà máy giấy và bột giấy khi còn chưa muộn.
Trước đề nghị này, chiều nay (13-9), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang sẽ trực tiếp làm việc, báo cáo với đại diện Văn phòng CP báo cáo về Dự án giấy của công ty Lee & Man, với sứ tham dự của lãnh đạo các Sở KH-ĐT, KH-CN, TN-MT, Ban Quản lý các KCN, VP.UBND tỉnh.
Bình luận (0)