xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khách Việt đổ xô du lịch nước ngoài

THÁI PHƯƠNG

Ngày càng nhiều người Việt chọn mua tour ngoại khi giá cạnh tranh, cơ quan xúc tiến du lịch các nước vào tận “sân nhà” Việt Nam quảng bá, xúc tiến

Ghi nhận tại sự kiện Ngày hội Du lịch TP HCM 2017 vừa diễn ra, nhiều công ty du lịch cho biết số lượng bán tour ngoại tiếp tục lấn át tour nội.

Nườm nượp chọn tour ngoại

Theo Công ty Du lịch Bến Thành, các tour ngoại đến Đài Loan, Bali, Dubai, Bhutan với mức giá hấp dẫn chỉ từ hơn 10 triệu đồng và chương trình giảm giá kích cầu khiến du khách đặt mua nhiều. Các tour đến Nhật, Hàn Quốc mùa hoa anh đào phải khóa sổ sớm và ngay cả tour đi Thái Lan, Hồng Kông, Singapore, Malaysia cũng được lựa chọn nhiều trong dịp hè này. Tại các công ty du lịch khác như Vietravel, Saigontourist, Du lịch Việt, Tugo…, số lượng khách đặt tour đi nước ngoài cũng tăng mạnh.

Rất đông khách hàng chọn mua tour du lịch nước ngoài tại Ngày hội Du lịch TP HCM 2017 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Rất đông khách hàng chọn mua tour du lịch nước ngoài tại Ngày hội Du lịch TP HCM 2017 Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tăng trưởng mỗi năm của tour ngoại ở nhiều công ty du lịch luôn ở mức 2 con số nên càng kích thích các đơn vị xúc tiến du lịch nước ngoài liên tục đến Việt Nam để quảng bá. Gần đây nhất, cơ quan xúc tiến du lịch Nhật Bản (JNTO) vừa khai trương văn phòng đại diện tại Việt Nam với mục tiêu thu hút thêm ngày càng nhiều khách Việt sang thị trường này. Thống kê của cơ quan này cho thấy chỉ trong vòng 5 năm, từ 2012-2016, số lượng khách Việt đi du lịch Nhật Bản đã tăng gấp 4 lần và đạt hơn 230.000 lượt vào cuối năm ngoái.

Ông Ayumi Takahashi, Trưởng Văn phòng Đại diện JNTO tại Hà Nội, cho biết ngành du lịch Nhật Bản xem Việt Nam là 1 trong 20 thị trường khách trọng điểm và đang triển khai các giải pháp nhằm thu hút nhiều hơn nữa du khách Việt. “Tổng cục Du lịch Nhật Bản sẽ tích cực tham gia các hội chợ quảng bá, xúc tiến du lịch tại Việt Nam, mở chiến dịch phối hợp với các doanh nghiệp (DN) Nhật để hỗ trợ đưa nhiều du khách Việt Nam qua Nhật. JNTO tại Việt Nam cũng sẽ làm việc trực tiếp với các công ty du lịch Việt Nam để hỗ trợ trong quá trình bán tour cho du khách” - ông Ayumi Takahashi khẳng định.

Trước Nhật Bản, các quốc gia khác như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc… đều đã sớm lập văn phòng đại diện cơ quan xúc tiến du lịch tại Việt Nam nhằm tiếp cận gần hơn với du khách Việt. Với các chính sách quảng bá, kích cầu, hỗ trợ trực tiếp cho hãng lữ hành Việt và du khách, số lượng người Việt đi du lịch nước ngoài ngày càng nhiều.

Theo đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam, năm 2016 có hơn 251.000 lượt khách Việt sang du lịch tại nước này. Mục tiêu của ngành du lịch Hàn Quốc năm 2017 là thu hút trên 300.000 lượt khách Việt đến thị trường này. Trong khi đó, chỉ riêng Thái Lan đã thu hút tới hơn 830.000 lượt khách Việt đến nước này trong năm ngoái.

Giá vé máy bay cao, tour nội càng kém cạnh tranh

Chị Nguyễn Thiên (ngụ quận Tân Phú, TP HCM), có sở thích đi du lịch khám phá và đã tới các điểm đến mới nổi gần đây như Đài Loan, Myanmar, cho biết thích đi du lịch nước ngoài hơn vì giá một số tour ngoại cũng ngang ngửa với tour nội. Giá vé máy bay rẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống ở một số nước cũng không quá cao và không có tình trạng chặt chém. Chị Thiên dẫn chứng giá vé máy bay khứ hồi TP HCM - Đà Nẵng khoảng 1,5 triệu đồng cũng tương đương TP HCM đi Đài Loan, khách sạn ở Cao Hùng một đêm chỉ khoảng 700.000 đồng/phòng cho 2 người, còn các điểm tham quan không thu phí quá cao, nhiều nơi miễn phí. “Các điểm đến nước ngoài không nâng giá vô tội vạ nên làm tour an toàn, giá ổn định và liên kết tốt, nhờ vậy hãng lữ hành Việt chốt được giá rẻ. Myanmar từ khi có đường bay thẳng tới Việt Nam thì giá tour rẻ hơn, Đài Loan giờ dễ xin visa nên thu hút người Việt. Chỉ cần khoảng 10 triệu đồng là tôi có thể khám phá hết Đài Loan, tương đương tour nội địa đi các tỉnh phía Bắc” - chị Thiên chia sẻ.

Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, nhìn nhận giá một tour đi Thái Lan hiện chỉ bằng với tour nội địa đến Huế, Đà Nẵng, chứ đừng so với Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Chuyện khách nội chọn tour ngoại ngày càng nhiều là “bi kịch”, điều đau lòng của ngành du lịch trong nước. Có một thực tế là chi phí vận chuyển như giá vé máy bay ở Việt Nam cao hơn nhiều so với khu vực cũng làm điểm đến của Việt Nam kém cạnh tranh hơn. Nhiều tour nước ngoài đi Hàn Quốc, Nhật, Thái Lan, Campuchia… ngày càng rẻ và chất lượng rất ổn định là nhờ chi phí vận chuyển thấp.

Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt, ông Phan Xuân Anh, khẳng định giá tour ngoại thấp một phần nhờ giá vé máy bay rẻ. Như cùng tour đến Campuchia nếu bay hãng hàng không của Việt Nam giá khứ hồi khoảng 220 USD (gần 5 triệu đồng) nhưng nếu đi hãng hàng không của Campuchia thì giá chỉ từ 110-120 USD (khoàng 2,8 triệu đồng). “Trong cơ cấu giá của tour ngoại, vé máy bay chỉ chiếm một phần không nhiều, trong khi giá tour của Việt Nam chi phí này chiếm 1/3, thậm chí một nửa giá tour nên khó cạnh tranh” - ông Phan Xuân Anh phân tích.

Trong khi các hãng lữ hành đang chưa biết cách nào để giảm chi phí hàng không trong cơ cấu giá tour thì mới đây, các hãng hàng không lại đồng loạt thông báo tăng giá vé máy bay từ cuối tháng 3 và đầu tháng 4 do phí dịch vụ tăng càng khiến nhiều tour nội bị ảnh hưởng. Giá vé máy bay không giảm mà còn tăng sẽ càng khiến du lịch Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các điểm đến khác trong khu vực.

Theo ông Trần Thế Dũng, thời gian qua, các hãng hàng không có triển khai chương trình kích cầu đối với ngành du lịch nội địa nhưng thực chất du khách không được hưởng lợi nhiều. Bởi theo quy định, muốn mua được vé máy bay giá rẻ, các công ty du lịch phải đăng ký trước vài tháng, trong khi tour được bán theo nhu cầu của du khách. Có khi mua vé rồi mà tour không bán được khiến công ty lữ hành “như đánh bạc khi mua vé giá rẻ”.

“Không phải lúc nào cũng mua được giá rẻ, thậm chí giá kích cầu cho hãng lữ hành cao hơn cả giá du khách tự mua trên website của hãng thông qua các chương trình khuyến mãi. Có trường hợp cùng một tour nhưng giá vé máy bay của mỗi khách lại khác nhau gây khó cho công ty lữ hành” - ông Dũng thông tin.

Nhiều DN du lịch nhìn nhận việc các hãng đồng loạt tăng giá vé sẽ có ảnh hưởng nhất định đến giá tour. Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Fiditour, cho biết thường các chương trình kích cầu của hàng không trong nước ngắn, chưa đa dạng và lượng vé cũng không nhiều nên khó để DN có kế hoạch quảng bá, bán hàng sớm. Trong khi đó, sự tham gia ngày càng đông của các hãng hàng không nước ngoài với điểm đến ngày càng phong phú đã tạo nên “sự khác biệt” trong giá tour tới các nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á (Hàn Quốc...) so với các tour nội địa đi miền Bắc, miền Trung…

Yếu vì “mạnh ai nấy làm”

Không chỉ chi phí đầu vào cao, nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ tại các điểm đến cũng làm du lịch theo kiểu “mùa vụ, mạnh ai nấy làm” càng khiến giá tour nội địa thêm đắt đỏ. Trong khi công ty lữ hành muốn giảm giá tour để kích cầu, thu hút du khách thì nhiều dịch vụ khác lại không ngừng tăng giá khi khách đông khiến chất lượng sản phẩm du lịch không ổn định.

Ông Trần Thế Dũng cho biết một số điểm đến ở Sa Pa cứ cuối tuần là tăng giá gấp 4-5 lần so với ngày thường mà không theo quy luật nào. Quá nhiều yếu tố tăng giá vé trong khi chỉ nỗ lực của công ty lữ hành muốn giảm giá tour để kích cầu là chưa đủ để thu hút du khách.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo