xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khó cho thủy phi cơ!

Tô Hà

Tiềm năng du lịch thủy phi cơ ở Việt Nam là rất lớn, đặc biệt tại khu vực ĐBSCL, nếu có chính sách phù hợp

Sáu tháng sau khi mở tuyến bay ngắm cảnh từ thủy phi cơ đầu tiên tại Việt Nam với địa danh nổi tiếng thế giới là vịnh Hạ Long (xuất phát từ Hà Nội), Hãng Hàng không Hải Âu đã có thêm một tuyến bay nữa là TP HCM - Phan Thiết và đang đề xuất mở thêm hàng loạt tuyến ở các tỉnh phía Nam.

Mới 2 đường bay được duyệt

Đối với tuyến bay ngắm cảnh TP HCM từ trên cao, Hãng Hàng không Hải Âu chính thức đề xuất hành trình bay dự kiến xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất - bán đảo Thanh Đa - khu trung tâm TP - cầu Phú Mỹ và điểm cuối hành trình là Cần Giờ.

Theo đó, du khách sẽ được thưởng lãm TP HCM từ độ cao 150-300 m, sau đó bay qua bán đảo Thủ Thiêm, xuống rừng ngập mặn Cần Giờ và hạ cánh cạnh trung tâm Khu Du lịch sinh thái Vàm Sát. Tần suất khai thác thời gian đầu là 1 chuyến/ngày với giá vé khứ hồi khoảng 12 triệu đồng/người. Thời gian đề xuất thực hiện bắt đầu từ tháng 6-2015.

Thủy phi cơ của Hãng Hàng không Hải Âu từ TP HCM đáp xuống bờ biển TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận Ảnh: HUY TOÀN
Thủy phi cơ của Hãng Hàng không Hải Âu từ TP HCM đáp xuống bờ biển TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận Ảnh: HUY TOÀN

Mới đây, Hãng Hàng không Hải Âu cũng đề xuất với UBND tỉnh Ninh Bình về việc mở tour du lịch cho khách ngắm danh thắng Tràng An từ thủy phi cơ. Trên hành trình này, thủy phi cơ sẽ bay ở độ cao từ 300-2.000 m. UBND tỉnh Ninh Bình đang lập đề án khảo sát, lấy ý kiến các ngành có liên quan về chủ trương mở tour du lịch này. Một tuyến du lịch mới cũng đang được Hãng Hàng không Hải Âu hoàn tất các thủ tục pháp lý và cơ sở hạ tầng để khai thác là TP HCM - Cần Thơ và TP HCM - Châu Đốc (An Giang).

Ban đầu, Hãng Hàng không Hải Âu dự định mở tuyến bay đầu tiên đưa du khách ngắm cảnh vịnh Nha Trang (Khánh Hòa) nhưng không được chấp thuận nên chuyển sang khai trương tour ngắm cảnh tại vịnh Hạ Long.

Theo ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Hàng không Hải Âu, kinh doanh hoạt động hàng không chung (sử dụng máy bay loại nhỏ phục vụ tìm kiếm, cứu nạn, nghiên cứu khoa học, văn hóa, thể thao, bay phục vụ nhu cầu cá nhân...) gặp nhiều khó khăn hơn so với kinh doanh hàng không (nhằm mục đích vận chuyển công cộng hành khách, hành lý, hàng hóa…) vì chưa hoàn thiện khung pháp lý.

Đơn cử như việc mở đường bay của một hãng hàng không thương mại chỉ cần dựa trên cơ sở khảo sát thị trường, xin cấp phép bay là có thể hoạt động được vì đã sẵn có đường hàng không. Hiện nay, ngành hàng không chưa kịp xây dựng thể chế hóa quy định cho hoạt động hàng không chung để thuận lợi cho thủy phi cơ.

Hơn nữa, quy hoạch bầu trời một cách chi tiết theo bản đồ địa lý và tầng cao cũng chưa được hoàn tất nên từ năm 2014 đến nay mới chỉ có 2 đường bay cho thủy phi cơ được phê duyệt. Theo mô hình kinh doanh khai thác của Hải Âu, mỗi máy bay có mức độ linh hoạt rất cao trong khai thác, cất/hạ cánh trên biển, hồ và cũng có thể cất/hạ cánh trên đường băng có cỏ, đường ô tô nếu cần.

Cũng theo ông Nam, tiềm năng du lịch thủy phi cơ ở Việt Nam là rất lớn, đặc biệt tại khu vực ĐBSCL, bất cứ địa phương nào ở đây cũng mở thủy phi cơ được nếu có chính sách phù hợp. Về thị trường, mỗi năm dịch vụ này có thể đưa vào 100.000 du khách quốc tế nhưng vì chưa có cơ chế, chính sách, thủ tục cho hàng không chung nên 3 chiếc thủy phi cơ của Hải Âu mua về hiện giấy phép bay được cấp mới đủ để khai thác hơn một chiếc.

Doanh nghiệp đã đàm phán gói mua 20 chiếc với thời gian giao nhận trong vòng 5 năm nhưng phải tạm hoãn giao nhận, chờ sự tháo gỡ cơ chế chính sách mới dám đưa về để không bị “đắp chiếu”.

Thiếu khung pháp lý

Theo Cục Hàng không Việt Nam, Luật Hàng không dân dụng năm 2006 đã đề cập đến hoạt động hàng không chung nhưng thực tế triển khai còn nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý. Hãng Hàng không Hải Âu thành lập năm 2011 nhưng phải chờ đến năm 2014 mới chính thức cất cánh cũng một phần vì những hạn chế này. Cụ thể là hiện chưa có quy chế bay tầm thấp cho hoạt động của thủy phi cơ và trực thăng.

Thông tư về quản lý hoạt động bay của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cũng chưa đề cập đến loại hình này. Để thủy phi cơ được bay, doanh nghiệp phải đồng thời xin phép Bộ Quốc phòng (là cơ quan cấp phép) và Bộ GTVT (là cơ quan điều hành). Khó khăn đặt ra cho mỗi tuyến du lịch ngắm cảnh bằng thủy phi cơ là phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng các vấn đề về quản lý vùng trời, an toàn giao thông hàng không, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra…

Tour du lịch “độc”, làm không đơn giản

Theo ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, để đưa vào khai thác một tour du lịch “độc”, không chỉ cần sự ủng hộ của du khách mà quan trọng là hỗ trợ của chính quyền địa phương và ngành du lịch.

Chẳng hạn, trong hành trình khám phá Đông Bắc của Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ có lộ trình hơn 110 km đi trên sông Gâm (từ Bắc Mê, tỉnh Hà Giang đến Na Hang, tỉnh Tuyên Quang), nối tiếp đến hồ Ba Bể (Bắc Kạn) nhưng đã 5 năm qua, chỉ duy nhất công ty này khai thác phục vụ du khách.

“Khung cảnh rất phù hợp cho du khách khám phá hành trình mới lạ và cũng rút ngắn quãng đường từ Hà Giang qua Bắc Kạn, Cao Bằng hơn là đường bộ đèo dốc núi non hiểm trở nhưng đến giờ, vẫn chưa có một dự án bài bản nào giữa các địa phương để đưa vào làm tuyến điểm du lịch. Năm nào ngành du lịch tỉnh Hà Giang cũng xin số liệu để nghiên cứu cho phát triển du lịch từ sông Gâm nhưng sau đó là sự im lặng” - ông Dũng nói. Th.Phương

 

GÓC NHÌN

Cần làm từng bước!

Theo một số doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, hàng không, các tour khám phá phong cảnh thiên nhiên, điểm đến bằng thủy phi cơ đã phát triển khá mạnh ở các nước nhưng rất mới mẻ tại Việt Nam.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vitours (TP Đà Nẵng), cho biết công ty này cũng đang có ý định hợp tác với Hãng Hàng không Hải Âu để khai thác một số tour du lịch khám phá Đà Nẵng. Vitours cũng là đơn vị đang khai thác một số tour đưa du khách ngắm phong cảnh từ trên cao bằng trực thăng.

Loại hình du lịch bằng trực thăng có mặt ở Việt Nam hơn 4 năm nay nhưng thực tế chưa phổ biến với du khách, thậm chí rất kén khách. Lý giải điều này, ông Tùng cho biết hồi mới khai thác, tour trực thăng do Vitours tổ chức và điều hành bởi lúc đó Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam chưa có chi nhánh ở Đà Nẵng.

Nay, Vitours chỉ là đại lý bán tours giúp Tổng Công ty Trực thăng nhưng lượng khách cũng không thật sự nhiều do thời kỳ đầu mục đích chính của các trực thăng là phục vụ khai thác dầu khí, thời gian trống mới đưa vào khai thác du lịch nên chưa phát triển mạnh trong khi nhu cầu du lịch bằng trực thăng của du khách là thường xuyên.

Nay, các tour trực thăng được bán thường xuyên hơn nhưng giá cao hơn các loại hình khác nên chủ yếu là phục vụ du khách nước ngoài. Gần đây, một số thông tin về máy bay và trực thăng rơi ở nước ngoài cũng gây tâm lý bất an cho du khách với loại hình du lịch này.

Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, cho rằng tour ngắm TP HCM từ trên cao bằng thủy phi cơ có thể không khả thi bằng ngắm vịnh Hạ Long, vịnh Vân Phong bởi những nơi có đảo, đường bờ biển dài... sẽ thích hợp cho du khách khám phá, trải nghiệm.

Ngay với khu vực Đông -Tây Bắc, nơi Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ tiên phong khai thác tour đưa du khách đi và gần đây nhất là hành trình trên sông Gâm, cũng có thể mở tour thủy phi cơ. Nhưng đây là loại hình quá mới, du khách còn lạ lẫm và giá vé không hề rẻ nên cần làm từng bước và quảng bá rất nhiều. Thậm chí, Hãng Hàng không Hải Âu có thể giới thiệu dịch vụ bay thủy phi cơ với các hãng lữ hành để cùng khai thác kết hợp với tour du lịch.

Chẳng hạn, một tour trực thăng ghép đoàn có giá khoảng 3 triệu đồng/khách bay trong 12 phút khám phá Đà Nẵng, hay tour thủy phi cơ từ Hà Nội đi vịnh Hạ Long có giá khoảng 5 triệu đồng/khách bay trong 25 phút...

Dù nhận định loại hình du lịch độc đáo như tour trực thăng, thủy phi cơ có nhiều tiềm năng nhưng các doanh nghiệp cho rằng các văn bản pháp lý, hệ thống cơ sở hạ tầng, quản lý nhà nước chưa theo kịp. Chẳng hạn, trong khi tour trực thăng chỉ phải xin phép một lần cho tất cả những điểm đến thì thủy phi cơ phải xin phép bay từng chặng.

Từ đầu năm 2015, Luật Hàng không dân dụng sửa đổi đã quy định các đường bay ngoài hàng không dân dụng, bay tầm thấp sẽ do Bộ Quốc phòng cấp phép thay vì Bộ GTVT. Trước đây, các máy bay cánh bằng (gồm cả thủy phi cơ) được bay theo các đường hàng không do Cục Hàng không cấp phép cho từng chuyến. Quy định này gây “rối rắm” bởi các hoạt động khai thác máy bay cho du lịch như thủy phi cơ là dân sự nhưng cấp phép hoạt động là do quân đội nên vô tình gây khó cho doanh nghiệp.

Linh Anh

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo