“Một trong những biện pháp quan trọng để đạt được mục tiêu đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng là phải đề cao tính kỷ luật, tăng cường liêm chính, minh bạch trong hành động và thực hiện tốt hoạt động giám sát”. Đó là khẳng định của Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, tại hội thảo “Tăng cường liêm chính, trách nhiệm giải trình và minh bạch trong ngành hành pháp” do Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC) phối hợp với Bộ Công an tổ chức tại Đà Nẵng ngày 26-8.
Thách thức to lớn
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu cho rằng trong quá trình hội nhập quốc tế và phát triển, một trong những thách thức to lớn đặt ra đối với các quốc gia là vấn nạn tham nhũng. Theo Trung tướng Trần Đăng Yến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm kiêm Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, tình hình tham nhũng ở Việt Nam vẫn còn diễn biến phức tạp, đã và đang làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự quản lý kinh tế; đang thách thức và là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay. Thống kê cho thấy năm 2011, lực lượng CSĐT tội phạm về tham nhũng đã phát hiện 306 vụ với 715 bị can; năm 2012 là 376 vụ, 908 bị can; năm 2013 là 404 vụ, 1.030 bị can; riêng 6 tháng đầu năm 2014 là 292 vụ, 797 bị can. Từ năm 2011 đến nay, cơ quan chức năng thu hồi tài sản cho nhà nước trên 4.140 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Kim Sáu, Phó Chánh thanh tra VKSND Tối cao, cho rằng những hành vi tham nhũng trong hoạt động điều tra hình sự được thể hiện đa dạng, dưới nhiều hình thức khác nhau và rất khó phát hiện. Bởi lẽ, những người có hành vi tham nhũng thường hiểu biết pháp luật liên quan đến thiết lập chứng cứ nên họ có kinh nghiệm trong việc che giấu hành vi của mình. Ngoài các hành vi tham nhũng, trong hoạt động điều tra hình sự còn thường xảy ra các hành vi lạm quyền của điều tra viên, lãnh đạo cơ quan điều tra. Từ năm 2010 đến tháng 6-2013, cơ quan điều tra của VKSND Tối cao đã tiếp nhận 2.677 thông tin vi phạm, phạm tội và đã khởi tố 169 vụ án hình sự, trong đó tội phạm về tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp là 86 vụ với 103 bị can (chiếm 50,88%).
Cần công khai, minh bạch
Theo Trung tướng Trần Đăng Yến, để đạt kết quả trong phòng chống tham nhũng, cần thường xuyên làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với đội ngũ điều tra viên và cán bộ điều tra. Ngoài ra, nghiêm cấm mọi trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu để vòi vĩnh hoặc cản trở người khiếu nại, tố cáo...
Ông Nguyễn Kim Sáu cho rằng một trong những giải pháp quan trọng và lâu dài là cần công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật về các hoạt động điều tra hình sự để nâng cao hiệu quả giáo dục, phòng ngừa tham nhũng, lạm quyền trong hoạt động điều tra hình sự; đồng thời để nhân dân có điều kiện giám sát hoạt động tư pháp nói chung, điều tra hình sự nói riêng.
Chia sẻ về tăng cường liêm chính, bà Anna Giudice Saget, bộ phận tư pháp của UNODC, cho rằng các viên chức thực thi pháp luật phải tôn trọng và bảo vệ nhân phẩm, duy trì và bảo vệ các quyền con người của mọi công dân. Đặc biệt, không được phép kích động hoặc dung túng cho hành vi tra tấn, đối xử vô nhân đạo... Theo bà Anna Giudice Saget, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ có được sự liêm chính, trách nhiệm, minh bạch trong hoạt động ngành hành pháp là do họ có những quy chế ràng buộc nhất định. “Ở Pháp, mọi cá nhân (công dân Pháp hoặc nước ngoài) nếu là nạn nhân hoặc chứng kiến hành vi họ cho là đi ngược lại sự liêm chính của cảnh sát thì đều có thể gửi khiếu nại về bất kỳ sĩ quan công hoặc tư nào và sẽ được bảo mật điều tra. Đặc biệt, Hồng Kông đã thành lập hội đồng độc lập về khiếu nại cảnh sát hướng tới mục tiêu hệ thống khiếu nại cảnh sát công bằng, không thiên vị và chịu trách nhiệm giải trình trước công chúng” - bà Anna Giudice Saget dẫn chứng .
Thiếu tướng Chris McDevitt, trưởng sĩ quan liên lạc Cảnh sát Liên bang Úc tại Việt Nam, cho biết dựa theo chuẩn mực nghề nghiệp, nếu một thành viên của cảnh sát liên bang phát hiện một thành viên khác vi phạm các chuẩn mực nghề nghiệp thì phải báo cáo. Sự liêm chính này thể hiện qua các phẩm chất như thẳng thắn, trung thực và chân thành đối với bản thân, người khác và công việc.
Lấp “lỗ hổng”dễ phát sinh tiêu cực
Thiếu tướng Mai Văn Kỳ, Phó Chánh thanh tra Bộ Công an, cho biết nhằm bảo đảm liêm chính, minh bạch và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ công an trong hoạt động tư pháp, Bộ Công an đã thực hiện có hiệu quả nhiều biện pháp, như: tạo hành lang pháp lý cho hoạt động điều tra, xử lý tội phạm; khắc phục sơ hở, thiếu sót, nhất là ở những khâu trong quá trình điều tra dễ phát sinh tiêu cực.
Bình luận (0)