Thông tin trên được các thành viên Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) TP HCM nêu ra tại cuộc họp về kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 9 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn và phương hướng hoạt động những tháng cuối năm diễn ra chiều 8-11.
Chủ yếu xử phạt hành chính
Theo báo cáo tổng hợp của BCĐ 389 TP, 9 tháng đầu năm 2017 đơn vị đã kiểm tra, xử lý gần 22.000 vụ vi phạm, tổng thu ngân sách gần 3.200 tỉ đồng; nhiều nhất là phạt truy thu thuế hơn 2.100 tỉ đồng; phạt hành chính gần 1.065 tỉ đồng; bán hàng tịch thu gần 21 tỉ đồng. Hàng giả, hàng lậu tuồn về TP HCM bằng nhiều đường, cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch. Trong đó, đường chính ngạch chủ yếu nhập theo dạng quá cảnh sang Campuchia nhưng lại tuồn hàng tiêu thụ tại Việt Nam. Các doanh nghiệp (DN) cũng lợi dụng cơ chế quản lý rủi ro (tự động phân luồng xanh, vàng, đỏ) để buôn lậu. Nếu bị phân luồng đỏ (phải kiểm tra thực tế hàng hóa) thì hủy tờ khai; còn luồng xanh, luồng vàng nghiễm nhiên được thông quan hàng hóa.
Thế nhưng, hầu hết các vụ việc chỉ xử lý vi phạm hành chính, chỉ khởi tố 29 vụ việc với 32 đối tượng. Bởi theo đại diện Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46) Công an TP HCM, qua đấu tranh với tội phạm kinh tế, cơ quan chức năng phát hiện rất nhiều dạng hàng hóa "không chính chủ", từ đăng ký DN đến sim điện thoại, tài khoản ngân hàng đều không chính chủ. Qua xác minh, nhiều trường hợp mở tài khoản ngân hàng bằng CMND giả để đối phó với cơ quan chức năng. Một số quy định của pháp luật còn chưa rõ dẫn đến nhiều vụ xâm phạm sở hữu trí tuệ quy mô lớn chỉ bị phạt hành chính.
QLTT TP HCM tổ chức tiêu hủy hàng lậu không đủ tiêu chuẩn lưu thông
Ông Phạm Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP, thừa nhận việc xác định chủ mưu các vụ buôn lậu rất khó khăn. Các đối tượng cầm đầu thường không xuất hiện mà giao cho người thân tín, cấp dưới hoạt động thông qua những công ty ma. Thủ tục nhập khẩu hàng hóa không trực tiếp làm mà thuê các công ty dịch vụ giao nhận thực hiện. Khi cơ quan chức năng phát hiện ngăn chặn hàng hóa thì đối tượng cầm đầu bỏ trốn. Nhiều vụ việc khi tiến hành xác minh lại phát hiện giám đốc DN vi phạm (theo giấy tờ) đang ở trong trại tâm thần. Điều này cho thấy công tác cấp phép thành lập DN quá thông thoáng đã bị các đối tượng lợi dụng. Do đó, ông Hùng kiến nghị cần bổ sung Sở Kế hoạch và Đầu tư vào BCĐ 389 để cùng phối hợp rà soát để lọc ra các DN có nguy cơ cao để tăng cường kiểm soát.
Bà Lê Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP, cho biết việc đăng ký thành lập DN hiện rất dễ dàng. Một cá nhân có thể thành lập nhiều công ty, không giới hạn trình độ người đại diện pháp luật nhưng công tác hậu kiểm không chặt chẽ. Từ đó dẫn đến tình trạng DN bỏ địa chỉ kinh doanh nhưng vẫn xuất hóa đơn bất hợp pháp, hợp thức hóa hàng lậu cũng là kẽ hở để các đối tượng gian lận thuế.
Khó quản bán hàng qua mạng
Tại cuộc họp, những thách thức trong việc chặn hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại đối với các hoạt động thương mại điện tử (bán hàng qua mạng) cũng được các đại biểu đề cập.
Ông Nguyễn Ngọc Khánh Hùng, Đội trưởng Đội QLTT 12B, cho biết qua theo dõi xác minh các trường hợp bán hàng qua Facebook, Zalo phát hiện nhiều nơi bán hàng giả và xử lý được hơn 20 vụ. Tuy nhiên, mức phạt không cao do tang vật thu giữ ít. "Nhiều người kinh doanh nhỏ nhưng mượn hình ảnh, cắt ghép clip để tạo ấn tượng cho khách hàng là chính" - ông Hùng nhận định.
Theo ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công Thương TP, Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ 389 TP - hiện TP HCM có 120.000 website thương mại điện tử đã thông báo hoạt động, chiếm 80% số lượng cả nước, trong đó có 48.000 website hoạt động ổn định 3 năm. Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, việc xử lý các gian lận sẽ khó khăn hơn vì không còn cửa hàng trưng bày hàng hóa để cơ quan chức năng đến kiểm tra như hiện nay.
Bà Lê Thị Thu Hương cho rằng nếu quản lý được hoạt động bán hàng qua mạng sẽ tăng được nguồn thu cho ngân sách đáng kể. Thời gian qua, ngành thuế đã có nhiều hoạt động rà soát nhưng kết quả còn khiêm tốn. Bà Hương đề nghị sự phối hợp của chính quyền địa phương, công an xã, phường trong việc xác minh các cá nhân kinh doanh qua mạng chưa khai báo thuế. "Về nguyên tắc, nếu tổ chức, cá nhân có kinh doanh qua mạng phải khai báo với ngành công thương. Nếu không thực hiện là kinh doanh bất hợp pháp. Do đó, sắp tới cần có sự phối hợp liên ngành để xử phạt hành chính hành vi trên, sau đó mới tiến hành kiểm tra, thanh tra thuế và các chế tài cưỡng chế thực hiện" - bà Hương kiến nghị.
Một số vụ làm giả bia, sữa bị phát hiện
Theo BCĐ 389 TP HCM, thời gian qua, trên địa bàn đã phát hiện một số vụ sản xuất sữa giả, bia giả. Các đối tượng chủ yếu dùng những loại sữa, bia rẻ tiền cho vào các loại bao bì bia, sữa đắt tiền hơn để thu lợi bất chính.
Bình luận (0)