Chiều 29-10, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thuế xuất khẩu (sửa đổi) và dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế.
Khuyến khích… trốn thuế?
Đại biểu (ĐB) Trần Hoàng Ngân (TP HCM) nhận định việc xóa nợ thuế đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc diện sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là không nên bởi sẽ không bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa các loại hình DN.
“Với DNNN, thu thuế cũng là nộp về ngân sách mà cổ phần hóa (CPH) cũng về ngân sách. Do đó, để bảo đảm sự minh bạch, không nên xóa nợ thuế. Đồng thời, nên truy thu đến cùng và làm rõ trách nhiệm nợ thuế. Ngoài ra, đề nghị cơ quan soạn thảo cho biết mức đề nghị xóa nợ này tương đương bao nhiêu tiền để ĐB cân nhắc, quyết định” - ĐB Ngân nói.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng cho rằng xóa nợ thuế sẽ tạo ra sự không bình đẳng, khuyến khích trốn thuế. Theo ông, nhà nước phải quản lý chặt, nếu không là có lỗi lớn.
ĐB đoàn Hà Nội - bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường - nêu quan điểm DNNN sử dụng vốn nhà nước để kinh doanh, khi CPH phải xác định tài chính cho đúng. “Thống kê cho thấy 69% DN của ta không đủ tiền nộp thuế, DN phải thoái lui khỏi thị trường. Năm 2016, ngân sách sẽ rất khó khăn, thế mà lại cho họ miễn khi CPH? Quy định này không công bằng, không bình đẳng. Theo quy trình, DN CPH phải xác định theo giá thị trường mới tạo ra sự bình đẳng. Tôi không đồng ý với việc miễn giảm thuế với DN sắp xếp CPH” - bà Hường thẳng thắn.
Xóa nợ để làm đẹp tài chính doanh nghiệp!
ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) cho rằng với các DN chuẩn bị CPH mà đang nợ thuế thì việc xóa nợ chỉ là thủ thuật tài chính. Nếu tính tiền nợ thuế thì giá trị vốn chủ sở hữu có thể âm. Như thế, khi định giá trị DN để đi bán thì về cơ cấu tài chính là cực xấu, không ai mua.
Theo ĐB Lịch, nếu như xóa nợ thì cơ cấu tài chính sẽ tốt, định giá cao, bán được nhiều tiền cho nhà nước, DN lại CPH được. “Như vậy, nói nôm na là nhà nước bỏ trước rồi thu lại sau. Còn giám đốc các DN mà làm sai thì truy trách nhiệm là chuyện khác, sai thì phải xử” - ông giải thích.
Tranh luận lại, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) đặt vấn đề: “Kinh doanh thua lỗ nhưng sếp DNNN lương vẫn cao đấy thôi! Nếu đồng ý xóa nợ thuế, liệu QH có làm lợi ích nhóm cho DN không?”. Ông Lịch đáp lại: “Tôi nghĩ số tiền xóa nợ thuế của các DNNN nhỏ thôi, không đáng kể. Việc nợ thuế thua lỗ và vi phạm pháp luật là khác nhau”.
Tại đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu, ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, băn khoăn: “CPH xong, tức là DN có pháp nhân mới. Lúc đó đòi nợ thuế liệu có được không? Cái này nói thật là rất khó”.
Về băn khoăn này, trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ QH, Ủy ban Pháp luật cho rằng theo Luật DN năm 2014, nguyên tắc khi CPH hoặc chuyển đổi sở hữu thì công ty chuyển đổi đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của công ty được chuyển đổi.
Vì vậy, quy định về xóa nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp đối với DNNN đã thực hiện CPH hoặc chuyển đổi sở hữu và pháp nhân mới không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt là không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Bức xúc vì thông tin cá nhân bị phát tán
Sáng 29-10, QH thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật An toàn thông tin mạng. Nội dung được nhiều ĐB quan tâm là đề nghị rà soát lại phạm vi điều chỉnh của luật về bảo vệ thông tin cá nhân, thông tin riêng nhằm góp phần hạn chế tình trạng phát tán thông tin cá nhân, thông tin riêng gây ra những hậu quả đau lòng.
ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho biết tại kỳ họp thứ 9 QH khóa XIII, trong buổi thảo luận góp ý dự án Luật An toàn thông tin mạng, bà đã đề cập chuyện những hình ảnh riêng tư của một nữ sinh và bạn trai mới 15 tuổi bị phát tán trên mạng. Do không chịu nổi áp lực dư luận, nữ sinh này đã uống thuốc diệt cỏ để quyên sinh.
Đau lòng hơn, trong khoảng thời gian cháu gái này điều trị tại bệnh viện cho đến khi qua đời, những hình ảnh riêng tư của nạn nhân vẫn tiếp tục được lan truyền trên mạng với những bình luận hết sức ác ý. Trong khi đó, gia đình nữ sinh không biết làm gì, cầu cứu cơ quan nào để ngăn chặn việc làm nhẫn tâm này.
Đến nỗi, một người thân trong gia đình nạn nhân phải thốt lên: “Xin cộng đồng mạng tha cho cháu!”. Bà Hải cho rằng dự thảo luật cần tiếp tục nghiên cứu và quy định thêm các biện pháp để bảo vệ thông tin riêng.
ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP HCM) cũng nêu một thực trạng bức xúc hiện nay là số điện thoại, danh tính của rất nhiều cá nhân bị thu thập, phát tán trái phép. “Ai trong chúng ta cũng biết thông tin cá nhân của mình đã bị phát tán trái phép nhưng không biết là phát tán từ đâu và làm cách nào để ngăn chặn tình trạng đó”- bà Trang băn khoăn.V.Duẩn
Bình luận (0)