Đó là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam đến năm 2025 - Cơ hội và thách thức” do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức tại Hà Nội vừa qua.
Hai kịch bản tăng trưởng
PGS-TS Nguyễn Văn Thành, chuyên gia NCIF, đưa ra 2 kịch bản dự báo kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới. Kịch bản thứ nhất được đặt ra với mô hình tăng trưởng được chuyển đổi chậm, không liên tục; không tận dụng tốt cơ hội từ hội nhập quốc tế; quản trị nhà nước chưa được cải thiện đáng kể. Khi đó, Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 6,5%, lạm phát 6,7%. Kịch bản thứ hai, chuyển đổi mô hình tăng trưởng được thực hiện liên tục theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và lợi thế so sánh của nền kinh tế. Tận dụng được lợi thế từ các hiệp định FTA song phương và đa phương, quản trị nhà nước có nhiều tiến bộ. Khi đó Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 7,1%, lạm phát 7,21%.
Theo TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, kinh tế thế giới giai đoạn từ nay tới năm 2025 được đánh giá sáng sủa hơn nhưng còn nhiều bất trắc, càng nhìn xa càng khó lường về cả an ninh, chính trị, kinh tế nhưng có rất nhiều cơ hội với Việt Nam. Tuy nhiên, các các chuyên gia kinh tế cũng nhận định nền kinh tế Việt Nam đang phải chịu những thách thức như: mô hình tăng trưởng được chuyển đổi chậm, không liên tục, chưa tận dụng tốt cơ hội từ hội nhập quốc tế, quản trị nhà nước chưa được cải thiện và thách thức biển Đông chưa được khắc phục.
Tăng năng suất lao động
Theo TS Vũ Viết Ngoạn, hiện nay nền kinh tế Việt Nam bắt đầu phục hồi nhưng tốc độ còn chậm. Vấn đề của Việt Nam trong 10 năm tới là không thể tăng trưởng bằng mở rộng đầu tư tràn lan. Vì vậy, thay đổi mô hình tăng trưởng không còn cách nào khác là tăng năng suất lao động, giảm quy mô đầu tư từ 40% GDP xuống 30% GDP. “Khi giảm vốn đầu tư 1/4, để bù cho tăng trưởng, không còn con đường nào khác chúng ta phải tăng năng suất lao động. Năng suất lao động cao sẽ thúc đẩy tăng trưởng và tăng lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế”. Ông Ngoạn phân tích và cho rằng thời gian tới tăng trưởng nhiều hay ít, nhanh hay chậm sẽ là vấn đề đặt ra để tạo động lực đổi mới cho kinh tế Việt Nam. Trong giai đoạn này, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục giữ vững mục tiêu kiềm chế lạm phát, tăng trưởng ở mức độ hợp lý, phù hợp với tình hình cụ thể ở trong nước và thế giới, từ đó chủ động tiến tới ổn định vững chắc vào năm 2025.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định trong giai đoạn 2014-2020, Việt Nam tiếp tục cần thực hiện mục tiêu tổng quát đã đề ra. Trong đó chú trọng duy trì và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo đà cho phát triển bền vững dài hạn. Cần thực hiện được những mục tiêu cụ thể như: tăng cường chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân; nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển kinh tế thị trường gắn với tăng trưởng bền vững; cơ cấu lại sản xuất, dịch vụ; chú trọng đến yếu tố nhân lực, công nghệ… Đặc biệt phải tận dụng tốt các cơ hội do hội nhập kinh tế thế giới mang lại.
Bình luận (0)