xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kiếm tiền thời khủng hoảng

Viết Vinh

Thị trường chứng khoán trong năm qua được xem là rơi vào “khủng hoảng”, thế nhưng, nhiều đại gia vẫn “sống khỏe” nhờ giá cổ phiếu tăng đều đều

Theo công bố của Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG), tính đến cuối tháng 9-2013, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT, nắm giữ hơn 42,86 triệu cổ phiếu HSG (tương đương 44,51% cổ phần của tập đoàn); bà Hoàng Thị Xuân Hương (vợ ông Vũ) sở hữu gần 6,72 triệu cổ phiếu HSG (khoảng 6,92% cổ phần). Với tỉ lệ sở hữu 51,49% cổ phần của cả gia đình, ông Vũ tự tin rằng không có bất cứ thế lực nào đủ sức thâu tóm công ty của ông.
img
Một trong những khu vực sản xuất của Tập đoàn Hòa Phát Ảnh: TRẦN NGUYỄN NGHI

Kiếm tiền giỏi nhất sàn chứng khoán

Giá cổ phiếu HSG đã tăng chóng mặt trong khoảng 6 tháng đầu năm 2013. Đến ngày 31-10-2013, cổ phiếu HSG có giá 38.200 đồng, giảm đáng kể so với mức 50.400 đồng của ngày 3-6-2013. Nhưng nếu so với cách đây 1 năm, cổ phiếu này đã tăng đến 22.200 đồng, tức gần 140% so với giá trị ban đầu. Điều này giúp cho giá trị tài sản bằng cổ phiếu của ông Vũ lên khoảng 1.638 tỉ đồng (do tăng thêm hơn 950 tỉ đồng) và nếu tính cả gia đình của ông Vũ thì con số lên tới 1.894 tỉ đồng.

Với khối tài sản này, ông Vũ và gia đình lọt vào nhóm 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán năm 2013, sau những cái tên như Phạm Nhật Vượng, Phạm Thu Hương, Phạm Thúy Hằng (Tập đoàn Vingroup), Đoàn Nguyên Đức (Hoàng Anh Gia Lai), Trần Đình Long (Tập đoàn Hòa Phát)... Tuy nhiên, xét về mức tăng của tài sản thì ông Vũ được xem là người kiếm tiền giỏi nhất trên sàn chứng khoán của năm 2013.

Tương tự HSG, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát cũng tăng giá rất mạnh trong vòng 1 năm qua. Từ mức 18.000 đồng/cổ phiếu (ngày 31-10-2012), HPG đã tăng lên mức 37.200 đồng (ngày 31-10-2013). Điều này giúp đưa giá trị hơn 101 triệu cổ phiếu HPG của ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Hòa Phát, tăng lên ở mức gần 3.760 tỉ đồng nhờ có thêm 1.940 tỉ đồng. Nếu tính cả số cổ phiếu HPG mà mẹ và vợ của ông Long (bà Đỗ Thị Giới và bà Vũ Thị Hiền) sở hữu thì tổng tài sản của cả gia đình này lên tới 4.920 tỉ đồng (chiếm hơn 31,56% cổ phần của tập đoàn), giữ vững ngôi vị hàng đầu trong số những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Nhờ nội lực

Khác với những cổ phiếu tăng giá chủ yếu do đầu cơ, các chuyên gia cho rằng cổ phiếu của Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn Hòa Phát cũng như nhiều doanh nghiệp lớn khác được thị trường đánh giá cao nhờ vào kết quả hoạt động và tiềm năng tăng trưởng tốt của các doanh nghiệp này.

Thông tin mới nhất do Tập đoàn Hoa Sen công bố, trong niên độ tài chính 2013 (1-10-2012 đến 30-9-2013), doanh thu của tập đoàn này đạt 11.750 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 580 tỉ đồng, thực hiện được 145% kế hoạch cả năm. Ông Vũ cho biết kết quả này là do đẩy mạnh phát triển các chi nhánh, hệ thống phân phối lên con số 115, đồng thời chú trọng nâng cao hiệu quả của các kênh bán hàng nội và xuất khẩu nhằm tăng cường đầu ra cho hoạt động sản xuất.

Một chuyên gia phân tích ở Công ty Chứng khoán MayBank Kim Eng chỉ thêm nguyên nhân đưa đến thành công của Tập đoàn Hoa Sen là việc đầu tư các dự án nhà máy tôn từ vài năm trước, với công nghệ mới, giúp giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Đồng thời, ông Vũ quyết liệt thoái vốn ở một số dự án nên không sa lầy khi thị trường bất động sản đóng băng và bảo toàn được nguồn vốn.

Với Hòa Phát, tập đoàn này có nhiều lợi thế về hệ thống phân phối rộng khắp, được xây dựng trong nhiều năm nên Hòa Phát được xem là đại gia thép xây dựng hàng đầu cả nước về thị phần hiện nay. Trong vài năm tới, ít có doanh nghiệp nào cạnh tranh lại vì ông Trần Đình Long đang sở hữu Khu Liên hợp gang thép Hòa Phát tại Hải Dương với công nghệ lò cao khép kín từ quặng sắt đến thép thành phẩm, làm cho giá thành sản xuất rất thấp. Hết tháng 9-2013, Tập đoàn Hòa Phát đạt 12.474 tỉ đồng doanh thu và 1.520 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp gần 2 lần cùng kỳ năm trước và đạt 127% kế hoạch năm.

Nhìn được cơ hội

TS Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị doanh nghiệp Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho biết doanh nghiệp sống được và phát triển trong điều kiện kinh tế khó khăn hay khủng hoảng là nhờ tuân thủ và vượt qua những tử huyệt. Cụ thể là tự chủ được nguồn tài chính, cắt lỗ hoặc thoái vốn khỏi những lĩnh vực không cần thiết nên duy trì được dòng tiền để hoạt động. Một số doanh nghiệp, với người lãnh đạo giỏi, sẽ nhìn được những cơ hội trong khủng hoảng, tận dụng để phục vụ cho sự phát triển như mua lại tài sản, máy móc hiện đại với giá rẻ; săn được nhiều nhân sự giỏi hay chen chân vào những thị trường tốt mà trong điều kiện bình thường khó giành được.

Các doanh nghiệp này cũng có chiến lược quản trị rủi ro tốt, dự báo được xu hướng của thị trường để tránh không rơi vào vết xe đổ của nhiều doanh nghiệp khác. Ngoài ra, việc minh bạch hóa thông tin, không giấu giếm, đầu tư mạnh cho khâu bán hàng, mở rộng đầu tư theo chiều dọc... cũng sẽ giúp đạt được những thành công.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo