Ngân hàng (NH) Thế giới nhận định năm 2015, Việt Nam tiếp tục xếp hạng 11 trong 15 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất trên thế giới, dự kiến đạt hơn 12,5 tỉ USD, tăng gần 5% so với năm 2014.
Mạng lưới rộng khắp
Theo NH Nhà nước - Chi nhánh TP HCM, lượng kiều hối chuyển về nước thông qua các NH thương mại và tổ chức kinh tế trên địa bàn TP 10 tháng qua ước đạt khoảng 3,7 tỉ USD và dự báo cả năm 2015 sẽ đạt trên 5 tỉ USD.
Trong 4 năm gần đây, lượng kiều hối về Việt Nam liên tục tăng: năm 2011 là 9 tỉ USD, năm 2012 là 10 tỉ USD, năm 2013 đạt 11 tỉ USD và năm 2014 là 12 tỉ USD.
Giới phân tích cho rằng nhờ các chính sách của nhà nước và của từng NH thương mại đã khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước. Các dịch vụ chuyển tiền và chi trả kiều hối được thực hiện qua nhiều kênh như hệ thống NH thương mại, tổ chức kinh tế, hải quan, bưu điện… đã tạo thuận lợi cho hoạt động gửi tiền.
Một trong những yếu tố cốt lõi làm cho lượng kiều hối tăng liên tục là số người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng đông. Hiện có hơn 4,5 triệu người Việt đang sinh sống ở hơn 100 quốc gia trên thế giới. Ngoài ra có khoảng 500.000 lao động đang làm việc ở nhiều nước và vùng lãnh thổ như Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc…, hình thành các cộng đồng người Việt Nam tại một số địa bàn mới ở châu Á, Trung Đông... Mặt khác, các NH thương mại cũng gia tăng liên kết với NH nước ngoài, công ty kiều hối cung cấp dịch vụ chuyển tiền với mạng lưới rộng khắp, góp phần gia tăng lượng kiều hối chuyển về nước.
Đơn cử, NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) kết nối với Tổ chức Prabhu Group Inc. cung cấp dịch vụ chuyển tiền từ Mỹ, Canada, Úc, các nước ASEAN và Trung Đông về Việt Nam. Eximbank còn hợp tác với Kookmin Bank và Woori Bank triển khai dịch vụ chuyển tiền cho người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc.
Hơn 70% chảy vào sản xuất - kinh doanh
Thực tế cho thấy các quy định không hạn chế số lượng tiền, người nhận kiều hối không phải chịu thuế thu nhập cá nhân, không bị bắt buộc phải bán ngoại tệ cho NH, người Việt Nam ở nước ngoài còn được tạo điều kiện thuận lợi mua nhà ở và đầu tư trong nước... đã góp phần rất lớn cho việc thu hút kiều hối.
“Lượng kiều hối về Việt Nam năm 2015 tập trung từ các thị trường châu Mỹ, châu Âu, châu Á (các nước ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản). Trong đó, lượng kiều hối từ thị trường châu Á tăng mạnh nhất. 71% kiều hối chuyển về nước “chảy” vào sản xuất - kinh doanh, 21,5% đầu tư vào bất động sản, phần còn lại phục vụ tiêu dùng, hỗ trợ người thân…” - ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước - Chi nhánh TP HCM, cho biết.
Số liệu thống kê của Viện Quản lý Kinh tế trung ương cho thấy tốc độ tăng bình quân kiều hối về Việt Nam tính từ năm 1991 đến nay là hơn 38%/năm. Năm 2015, Ngân hàng Thế giới dự báo Việt Nam nằm trong số các quốc gia thu hút kiều hối nhiều nhất. Đứng đầu danh sách là Ấn Độ, dự kiến nhận được hơn 72 tỉ USD; thứ hai là Trung Quốc với 63,9 tỉ USD; thứ ba là Philippines với 29,7 tỉ USD và lần lượt các quốc gia Mexico, Pháp, Nigeria, Ai Cập, Pakistan - mỗi nước dự kiến nhận trên 20 tỉ USD.
Góp phần cung ứng USD
Doanh thu từ xuất khẩu, vốn đầu tư nước ngoài, dự trữ ngoại hối của NH Nhà nước và kiều hối là các nguồn cung chủ lực cho thị trường ngoại tệ Việt Nam. Vì thế, một số chuyên gia kinh tế cho rằng kiều hối là nguồn lực rất quan trọng. Ví dụ, năm 2015, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam ước đạt khoảng 170 tỉ USD. Như thế, với doanh số kiều hối bình quân trên 12 tỉ USD thì dòng tiền này đã đóng góp khoảng 8% trong việc cung ứng ngoại tệ nhập khẩu. Còn nếu so sánh với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 ước đạt 165 tỉ USD thì kiều hối cũng chiếm gần 8% nguồn thu USD, đồng thời chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu nông sản dự kiến đạt 23 tỉ USD.
Bình luận (0)