Những nhận định trên được nêu ra tại Diễn đàn kinh tế mùa thu với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2013, triển vọng 2014: Nỗ lực thực hiện 3 đột phá chiến lược” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ở TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) ngày 26-9.
Chưa hồi phục
“Năm 2013, xu thế ổn định tái lập với độ tin cậy cao hơn song đó là xu hướng tái lập ổn định vĩ mô trên nền tảng rất yếu, nghĩa là mức độ rủi ro vẫn rất lớn” - ông Thiên nhấn mạnh và dẫn chứng cho việc này bằng việc đưa ra số liệu trong 6 tháng đầu năm có trên 25.000 doanh nghiệp đóng cửa, tăng trưởng tín dụng là 6,5% và thu chi ngân sách khó khăn, đạt thấp nhất chưa từng thấy; đầu tư xã hội thấp... Theo ông Trần Đình Thiên, cam kết của Việt Nam với WTO là phát triển nền kinh tế thị trường nhưng thực tế chỉ ròng các biện pháp hành chính và ngắn hạn trong khi các loại giá cơ bản thì phi thị trường. Vì vậy, hệ quả là kinh tế khó hội nhập, suy giảm tăng trưởng.
Ông Thiên cũng cho rằng mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam là dễ dãi, chỉ dựa vào khai thác và xuất khẩu tài nguyên thô, lao động rẻ, kỹ năng và năng suất thấp, quá dựa vào trụ cột là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) . “Triển vọng những năm sau vẫn không có gì thay đổi. Tôi cho rằng kinh tế Việt Nam vỡ kế hoạch 5 năm (2011-2015) là không sai vì 3 năm đã qua, 2 năm còn lại thì vẫn “nghẽn mạch” tăng trưởng” - ông Thiên quả quyết.
Theo TS Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright tại Việt Nam, nguyên nhân chính dẫn đến nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm là do khu vực DNNN, khu vực tư nhân trong nước và nông nghiệp bị trục trặc. Từ khi các tổng công ty được chuyển ồ ạt sang tập đoàn kinh tế đã bộc lộ yếu kém cơ bản ngày càng rõ rệt. Hậu quả là một số tập đoàn kinh tế thất bại và sự kém hiệu quả của DNNN góp phần tạo ra những trục trặc hiện nay của hệ thống ngân hàng và tác động tiêu cực đến khu vực tư nhân và nông nghiệp.
TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, cũng cho rằng bất ổn kinh tế vĩ mô vừa qua là do chính sách chưa tốt.
Cải tổ mạnh DNNN để vực dậy
Theo TS Trần Du Lịch, năm 2014 nền kinh tế vẫn chưa thể ra khỏi giai đoạn trì trệ nhưng bức tranh chung vẫn sáng hơn năm 2012 và 2013. Do đó, có thể dự báo năm 2014, tốc độ tăng GDP khoảng 5,5% và CPI tăng khoảng 7%. Một trong các nhiệm vụ quan trọng là phải tái cơ cấu khu vực DNNN - nhân tố chủ đạo trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, là lực lượng rất quan trọng bổ khuyết những “khuyết tật” của thị trường. Không thể thành công nếu tái cơ cấu từng tập đoàn, tổng công ty riêng rẽ mà phải thực hiện trên tổng thể lực lượng DNNN hiện hữu.
Nỗi lo thâm hụt ngân sách TS Trần Du Lịch cho biết năm 2013 xuất hiện một vấn đề mới có nguy cơ gây bất ổn kinh tế vĩ mô, đó là sự thâm hụt ngân sách do nguồn thu không đạt kế hoạch. Chỉ riêng TP HCM, năm 2013 ước thu ngân sách hụt gần 20.000 tỉ đồng so kế hoạch. Sự thâm hụt diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, doanh nghiệp thua lỗ, thị trường bất động sản đóng băng nhưng chi công không thể giảm nên đang trở thành vấn đề nan giải cho bài toán ngân sách trong 2 năm 2014, 2015. |
Bình luận (0)