Nhiều đại lý kính cho biết thông thường, sau “tháng cô hồn”, nhu cầu sử dụng kính xây dựng mới tăng, giá mới nhích lên. Tuy nhiên, thời điểm này giá kính đã tăng mạnh.
Theo các đơn vị xây dựng, giá kính đã tăng từ 2 tháng qua. Đầu tháng 8-2016, một công ty cung cấp kính ở Bình Dương gửi báo giá đến các đại lý: kính trắng VIFG quy cách 6 mm là 230.000 đồng/m2 dành cho sản phẩm đơn giá cắt lẻ, kính cường lực và bán cường lực 280.000 đồng/m2. Kính quy cách 10 mm 415.000 đồng/m2 dành cho đơn giá cắt lẻ, kính cường lực uốn cong lên đến 870.000 đồng/m2. Hai tuần sau đó, báo giá của công ty này tăng khoảng 10%. Còn tính từ trước tháng 8, giá kính đã tăng hơn 30%.
Ông Phan Hoàng Tú, Giám đốc Công ty Xây dựng Anh Huy, cho rằng thị trường kính đang biến động rất lớn và hiếm có. Có lẽ, nguyên nhân do nhà sản xuất phôi kính có vấn đề với đơn vị gia công và đại lý dẫn đến khan hàng. “Nếu trước đây, công ty dự thầu công trình báo luôn giá kính cho chủ đầu tư nhưng tình hình này, họ chỉ báo giá khi đã đặt mua kính” - ông Tú nói.
Ông Nguyễn Văn Huân, nhân viên kinh doanh Công ty TNHH Kính Hoàng Thịnh (TP HCM), cho biết hơn tháng qua, giá kính trên thị trường đã tăng đến 50%. “Không hiểu vì lý do gì mà kính khan hàng, đại lý thì cung ứng nhỏ giọt. Dù đã chuyển tiền cho đại lý nhưng vẫn không có kính để thi công. Nhiều công trình, chúng tôi phải thương lượng với chủ đầu tư để lùi ngày hoàn thiện” - ông Huân bức xúc.
Theo Hiệp hội Kính - Thủy tinh Việt Nam, cả nước có 4 nhà máy sản xuất kính xây dựng, gồm Chu Lai với công suất 900.000 tấn/ngày, Việt Nhật 550.000 tấn/ngày, Bình Dương 450.000 tấn/ngày và Tràng An 300.000 tấn/ngày. Trong đó, Nhà máy Kính Tràng An đang bảo trì nên có thể làm giảm nguồn cung. Tuy nhiên, sản lượng của nhà máy này chỉ chiếm 15% thị trường nên không ảnh hưởng nhiều. Từ đó, các doanh nghiệp xây dựng nghi ngờ nhà sản xuất và phân phối kính đầu cơ nhằm tăng giá bán để hưởng lợi.
Giám đốc một công ty xây dựng nhìn nhận hơn 2 năm qua, thị trường bất động sản đã hồi sinh, dự án mới và công trình cũ khởi công ồ ạt khiến nhu cầu sử dụng kính xây dựng tăng mạnh. Có thể đây là nguyên nhân khiến giá kính tăng khi nguồn cung không đủ.
Một số doanh nghiệp cho rằng nếu giá kính không giảm, sắp tới họ phải tìm đến nguồn ở nước ngoài, như Thái, nhất là Trung Quốc. Hiện nay, kính thành phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc chịu thuế suất 0%, có thể sẽ “đổ bộ” vào nước ta.
Giá thép có thể tăng
Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch HĐTV Công ty Thép Khương Mai (TP HCM), cho biết giá thép trong nước đang ổn định. Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga đang có những động thái hạn chế nguồn cung nên sắp tới, giá thép trong nước có thể tăng. Dù đang là “tháng cô hồn”, rất ít công trình khởi công nhưng giá thép vẫn ở mức, 9,2-9,3 triệu đồng/tấn, bằng với giá thế giới. Như vậy, nếu nhập về, cộng với chi phí thì giá thép có thể tăng.
Bình luận (0)