Nhiều ngân hàng (NH) thương mại đồng loạt hạ lãi suất các kỳ hạn ngắn từ 1 đến 6 tháng xuống dưới trần huy động 7%/năm.
Ngân hàng dư vốn
Tại Sacombank, các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn lãi suất cũng lần lượt giảm. Theo đó, tiền gửi dưới 50 triệu đồng lãi suất kỳ hạn 1 tháng là 6%/năm, 2 tháng 6,1%/năm và 3 tháng là 6,3%/năm.
Theo biểu lãi suất huy động mới nhất của Eximbank, tiền gửi kỳ hạn 1 tháng là 6,5%/năm, 2 tháng 6,6%/năm và 3 tháng 6,8%/năm. Trước đó, ACB cũng mạnh tay điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng còn 6,5%/năm, kỳ hạn 3 tháng 6,6%/năm và 6 tháng còn 6,8%/năm. Sau Tết Nguyên đán, một số NH thương mại cổ phần bắt đầu hạ lãi suất đầu vào theo hướng giảm ở các kỳ hạn ngắn. Tại các NH Đông Á, Techcombank, OCB…, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng giảm về dưới mức trần 7%/năm.
Theo Phó Tổng Giám đốc ACB Nguyễn Thanh Toại, do tiền gửi từ dân cư và các tổ chức vào NH tăng mạnh, thanh khoản dồi dào nhưng tín dụng tăng thấp, thừa vốn buộc NH phải hạ lãi suất huy động. Lãi suất đầu vào hạ là cơ hội để cắt giảm lãi suất đầu ra, hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Ông Phan Huy Khang, Tổng Giám đốc Sacombank, cho biết từ đầu năm đến nay, tín dụng tăng khá thấp, trong khi lượng tiền gửi tăng mạnh nên NH phải hạ lãi suất để giảm chi phí. Nếu tín dụng vẫn tăng thấp, có khả năng NH sẽ giảm thêm lãi suất đầu vào để hạ lãi suất cho vay nhưng cần độ trễ từ 1-2 tháng. Hiện lãi suất cho vay trung bình tại Sacombank từ 8%-12%/năm.
Đại diện NH Nhà nước (NHNN) giải thích thời điểm này, tín dụng tăng thấp bởi DN vừa trả hết nợ của năm trước, bắt đầu triển khai kế hoạch kinh doanh trong năm mới nên chưa có nhu cầu vay vốn nhiều.
Tăng chất lượng tín dụng
Gần đây, các NH thương mại đã chú trọng vào tăng chất lượng tín dụng, xây dựng tiêu chuẩn quản trị rủi ro nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn phát sinh nợ xấu.
Tổng Giám đốc Agribank Trịnh Ngọc Khánh cho rằng NH đi vay để cho vay lại nên phải có trách nhiệm với người gửi tiền.
TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính NH Trường ĐH Mở TP HCM, cho rằng bên cạnh khó tiếp cận vốn, thị trường tiêu thụ hàng hóa chậm khiến DN không muốn vay vốn thêm. Trong khi đó, nhiều NH thu hồi nợ cũ chưa xong, nay đẩy mạnh tín dụng sẽ sợ nợ xấu mới phát sinh. “Trừ những DN có chiến lược kinh doanh rõ ràng, có triển vọng và dự án tốt mới mạnh tay vay, còn lại nhiều DN chỉ cố gắng cầm cự, không dám vay” - TS Thuận nhận định.
Chưa bỏ trần lãi suất huy động
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 2-2014 của NHNN diễn ra chiều 28-2, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Nguyễn Thị Hồng cho biết sau Tết, một số NH đã giảm lãi suất huy động thêm 0,3%-0,5%, chủ yếu ở kỳ hạn ngắn. Đây là tín hiệu tích cực, điều kiện thuận lợi cho các NH thương mại cơ cấu lại kỳ hạn tín dụng.
Theo bà Hồng, hiện NHNN quy định trần lãi suất huy động 7% cho các kỳ hạn dưới 6 tháng nhưng thực tế, nhiều NH đã giảm lãi suất huy động xuống dưới mức này là do lợi thế về quy mô, chiến lược hoạt động kinh doanh, lợi nhuận của từng NH.
Tuy thừa nhận trần lãi suất huy động không còn ý nghĩa nhiều đối với việc ngăn chặn hiện tượng “xé rào” nhưng đại diện NHNN cho rằng chỉ khi kinh tế vĩ mô ổn định, thanh khoản của hệ thống NH thật vững chắc, NHNN mới bỏ trần lãi suất huy động.
Theo thông tin tại cuộc họp báo, năm 2014, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng 12%-14%. Tuy nhiên, chỉ tiêu này có thể được điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với diễn biến thực tế. Tỉ giá sẽ được ổn định nhưng không “neo” ở mức cố định, mức điều chỉnh cả năm sẽ không quá 1%-2%. “Mục tiêu ổn định tỉ giá cả năm là hoàn toàn có cơ sở vì 2 tháng vừa qua, NHNN đã mua vào lượng ngoại tệ rất lớn” - bà Hồng khẳng định.
Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN, ông Nguyễn Viết Mạnh, cho biết thông tin về gói hỗ trợ bất động sản lên đến 100.000 tỉ đồng chỉ là phát ngôn cá nhân, Chính phủ chưa giao cơ quan nào về kế hoạch này. T.Hà
Bình luận (0)