Ông Đỗ Trọng Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu thủy đặc sản Seaspimex, cho biết doanh nghiệp (DN) đang có dự án đầu tư thêm kho lạnh nên cần số vốn khoảng vài triệu USD nhưng chọn cách kêu gọi nhà đầu tư bên ngoài, đang phải trả lãi suất cho các khoản vay ngắn hạn khoảng 7%/năm và trung dài hạn khoảng 9%/năm. “Mức lãi suất này đến giờ là phù hợp, DN có thể cầm cự được nhưng để cạnh tranh với hàng ngoại khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng thì rất khó, chúng tôi chưa dám nói trước điều gì” - ông Vinh bộc bạch.
Khoản vay cũ, lãi suất vẫn quá cao
Theo ông Vinh, so với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì DN nội địa vẫn thua rất nhiều vì họ vay được lãi suất rất thấp. Ngay cuối năm nay, Việt Nam vào Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC), cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn, đẩy DN nội địa vào thế khó. Câu chuyện thăng trầm trong hoạt động của Công ty Seaspimex có thể coi là điển hình cho nhiều DN hoạt động dựa vào vốn vay ngân hàng (NH) bởi nền kinh tế chỉ cần “hắt hơi, sổ mũi” đẩy lãi suất lên cao cũng khiến DN điêu đứng. Với các DN xuất khẩu thủy hải sản, tiềm năng rất lớn khi Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) nhưng vấn đề vốn cho đầu tư, đổi mới công nghệ vẫn là bài toán khó.
Giao dịch tại Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: TẤN THẠNH
Vậy lãi suất bao nhiêu thì DN sẵn sàng vay để đầu tư, đổi mới công nghệ? Ông Vinh bộc bạch: “Chúng tôi có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư thêm máy móc nhưng không dám vay thêm NH bởi vay nhiều quá thì áp lực trả lãi sẽ rất lớn, chưa kể chỉ cần kinh tế khó khăn, lãi suất tăng cao trở lại là “chết”. Hiện lợi nhuận của ngành thủy sản chỉ 2,5%-3% tổng doanh thu nên lãi suất tăng nhẹ thì DN cũng đủ khó”.
Một yếu tố khác gây khó cho hoạt động của DN là lãi suất các khoản vay cũ vẫn quá cao so với tình hình kinh tế vĩ mô, sức khỏe của cộng đồng DN và mặt bằng lãi suất thời điểm này. Ông Văn Đức Mười - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN), nguyên Chủ tịch Hiệp hội Lương thực TP HCM - cho rằng lãi suất cho vay ngắn hạn hiện tương đối tốt và phù hợp với lạm phát, lãi suất huy động nhưng lãi suất cho vay trung dài hạn từ 10%-11%/năm vẫn còn khá cao. “Căng” nhất vẫn là những khoản vay cũ của DN đang phải chịu mức lãi suất cao hơn nhiều.
“Vì sao tín dụng không tăng mạnh và DN không mặn mà vay thêm vốn thời điểm này?” - ông Mười đặt câu hỏi rồi tự lý giải: Đơn giản, vì các khoản nợ cũ của DN ở các NH thương mại vẫn còn rất lớn, chưa trả hết, tài sản thế chấp cũng nằm trong NH nên không còn tài sản bảo đảm để vay thêm. Trong khi lãi suất các khoản vay cũ, do thỏa thuận ở mức cao trong quá khứ nên giờ khó giảm mạnh. “Đây mới là gánh nặng lớn của DN bởi nếu không trả được nợ cũ thì sao dám vay mới để đầu tư công nghệ, nâng cao năng suất? Bản thân một số NH thương mại cũng xem các khoản vay cũ là “cứu cánh” của mình, không muốn giảm sâu dù mặt bằng lãi suất đã hình thành ở một mức mới thấp hơn nhiều” - ông Mười nhận xét.
Câu hỏi được TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, đưa ra liên quan đến lãi suất rất đáng chú ý: Vài năm trước, lãi suất NH cao ngất ngưởng (17%-18%/năm) trên nền lạm phát cao; năm 2015, dự báo lạm phát cơ bản chỉ quanh 3% (từ đầu năm đến nay lạm phát chỉ xoay quanh 1%), vậy bài toán đầu tư trung hạn, tái cơ cấu DN đặt ra như thế nào, NH có cần phải tính lại lãi suất cho vay? Trong khi tái cấu trúc nền kinh tế, bản chất phải dùng vốn trung hạn để đầu tư đổi mới công nghệ...
Rất khó giảm lãi suất!
Nhiều lãnh đạo NH cho rằng vấn đề lãi suất lúc này không còn nóng và đang ở mức phù hợp, thậm chí thấp so với tình hình kinh tế vĩ mô và lạm phát! Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cho biết tốc độ tăng trưởng tín dụng từ đầu năm tại NH có ấm lên so với cùng kỳ năm ngoái, dòng tiền “tạm trú” vào NH qua kênh gửi tiết kiệm giảm đi, cho thấy vốn của DN đang quay trở lại sản xuất, kinh doanh. Giờ phải làm sao để tăng cầu cho DN, chứ lãi suất đã ở mức thấp và không còn nóng.
Ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc Sacombank, cũng cho rằng cho vay trung dài hạn với lãi suất 10%-11%/năm chỉ là phổ biến, còn thực tế nhiều khoản vay ở các dự án được hưởng lãi suất thấp hơn nhiều. Hoặc một số dự án, NH chấp nhận cho ân hạn gốc và lãi trong 6 tháng đến 1 năm, hay năm đầu lãi suất chỉ 6%-7%/năm... “Nói để thấy lãi suất cho vay không còn cao và hiện là mức phù hợp so với thị trường, tình hình kinh tế vĩ mô. Mặt bằng chung của lãi suất cho vay (cả ngắn hạn và trung dài hạn) hiện khoảng 8%/năm, so với lãi suất huy động 5%-6%/năm nên sẽ rất khó giảm thêm” - ông Tuệ phân tích.
Theo ông Lê Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Phát triển TP HCM (HDBank), vài năm trước, thời điểm lãi suất vài chục %, tín dụng vẫn tăng ào ào, thậm chí còn tăng nóng nhưng gần đây đã hạ nhiều mà tín dụng vẫn âm hoặc không tăng mạnh. Vậy lãi suất có ảnh hưởng đến câu chuyện tăng trưởng tín dụng hay không? “Với mức lãi suất này, NH và DN có thể gặp nhau nhưng còn việc có tiền rồi người vay sản xuất, kinh doanh ra sao, có lời để trả cả gốc và lãi cho NH không lại là câu chuyện khác” - ông Trung bình luận.
Giảm lãi suất tín dụng đầu tư, xuất khẩu
NH Phát triển Việt Nam (VDB) vừa thông báo giảm lãi suất cho vay tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của nhà nước bằng tiền đồng. Theo đó, lãi suất cho vay tín dụng đầu tư bằng tiền đồng giảm còn 8,55%/năm và lãi suất cho vay tín dụng xuất khẩu bằng tiền đồng là 6,9%/năm. Mức chênh lệch lãi suất được tính hỗ trợ sau đầu tư, áp dụng đối với các dự án vay vốn bằng tiền đồng là 2,4%/năm.
Ý KIẾN
Ông Đỗ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc Seaspimex:
Chỉ dám xây dựng kế hoạch kinh doanh hằng năm
Từ đầu năm đến nay, thị trường có dấu hiệu chững lại, xuất khẩu khá chậm, riêng thị trường nội địa giảm từ 15%-20% nên chúng tôi chưa dám mạnh dạn vay vốn để đầu tư, nhất là lo ngại lãi suất không ổn định. Ngay kế hoạch kinh doanh cũng không lập kế hoạch bài bản, dài hạn trong 5 năm tới mà chỉ xây dựng từng năm để cầm chừng chờ cơ hội...
Ông Phan Đình Tuệ, Phó tổng giám đốc Sacombank:
Sòng phẳng, minh bạch
Nhiều DN lo ngại lãi suất tăng mạnh trong tương lai, sợ quá khứ lặp lại là có cơ sở. Tuy nhiên, đó không phải lỗi của ngành NH mà do kinh tế toàn cầu, kinh tế trong nước biến động. Theo tôi, lãi suất lúc này là minh bạch, quan hệ tín dụng giữa NH và DN khá sòng phẳng, không ai lấy cao và cũng không ai trả rẻ. Trước đây, các NH ở thế chủ động hơn trong cho vay nhưng giờ cạnh tranh gay gắt với nhau, khách hàng tốt được chào mời và họ sẵn sàng sang NH khác để hưởng mức lãi suất thấp hơn, cho thấy quyền chủ động của DN là rất lớn.
Ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng giám đốc NH TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank):
Đừng đổ hết cho lãi suất
Với những yếu tố tác động gần đây như giá xăng dầu tăng liên tục, tỉ giá điều chỉnh 2 lần từ đầu năm, CPI có chiều hướng tăng, để GDP tăng trưởng mạnh hơn, tín dụng phải bơm ra nhiều... sẽ là khó khăn trong việc hạ lãi suất trung dài hạn. Dù vậy, một yếu tố khác có thể tác động giúp giảm lãi suất là thanh khoản của các NH dồi dào, vốn còn ứ đọng và cạnh tranh ngày càng gay gắt. Nhiều DN cho biết lãi suất cao ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng lãi suất chỉ là một phần cấu thành trong giá thành sản phẩm, còn con người, công nghệ, chi phí đầu vào... Nhu cầu vay vốn trung dài hạn của DN rất lớn nhưng đa số nguồn vốn huy động của NH lại là ngắn hạn nên rất khó trong việc giảm thêm lãi suất trung dài hạn (vì NH phải tốn khoản chi phí bù rủi ro).
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP HCM:
DN cần lãi suất ổn định
Trong những buổi đối thoại các DN gần đây, nhiều DN cho rằng lãi suất cho vay trung dài hạn hiện nay là phù hợp. Nhưng DN cần lãi suất ổn định dài hơi để mạnh dạn xây dựng kế hoạch đầu tư lâu dài cho các dự án bởi các khoản vay dài hạn thường chỉ ổn định năm đầu, từ năm thứ 2 trở đi thì lãi suất điều chỉnh theo thị trường nên khó dự đoán và còn bấp bênh.
L.Anh ghi
Bình luận (0)