Thực trạng này được TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Phát triển kinh doanh, đưa ra trong hội thảo “Những khuyến nghị chính sách kinh tế và điều hành chính sách tiền tệ năm 2014-2015” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 18-11 ở Hà Nội.
Nỗi lo nợ xấu nối nợ xấu
Ôm nợ xấu “khủng”, nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân đã biến các NH thành con tin. Tình trạng lũng đoạn không chỉ diễn ra ở NH thương mại quy mô nhỏ mà NH tầm trung cũng lâm vào tình cảnh này. Năng lực quản lý ở một số NH rất yếu, quan hệ sở hữu làm tê liệt hệ thống quản trị vì mọi việc đều do ông chủ quyết định. Tiêu chí giám sát NH hiện nay cũng rất hạn chế. Nhiều cán bộ thanh tra biết rõ tình trạng xấu của NH mình nhưng không dám báo cáo lãnh đạo. “Tôi từng nhìn thấy những tờ hóa đơn cán bộ thanh tra đưa ra để chứng minh các giao dịch chuyển tiền rất bừa bãi nhưng họ không dám nói thật với lãnh đạo. Đây là một bi kịch” - TS Lê Xuân Nghĩa bình luận.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nếu không cải thiện được tính minh bạch quản trị và đạo đức của cán bộ ngân hàng thì nợ xấu cũ được xóa xong lại lâm vào nợ xấu mới khiến nền kinh tế vượt qua điểm đáy này lại rơi vào đáy khác, luẩn quẩn không thoát ra được. Từ tháng 9-2013, kinh tế bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi nhưng để thực sự phục hồi thì phải thoát đáy trong quý IV năm nay.
TS Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cho rằng bi kịch của hệ thống NH về quản trị rủi ro là “câu chuyện đau lòng” nhưng đã được NHNN và các cơ quan quản lý nhận diện và đang từng bước tái cơ cấu để đưa về chuẩn mực chung.
Tăng trưởng tín dụng chỉ cần 10%
Một vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm là NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ ra sao trong bối cảnh chính sách tài khóa được nới lỏng trong năm 2014 với quyết định nới trần bội chi từ 4,8% lên 5,3% và phát hành 170.000 trái phiếu Chính phủ.
TS Lê Xuân Nghĩa khẳng định động thái nới lỏng chính sách tài khóa sẽ có tác dụng kích thích tăng trưởng trong năm 2014, tăng trưởng GDP dự kiến đạt 5,8% trong khi vẫn kiềm chế được lạm phát vì toàn bộ số tiền tăng thêm được chi hết cho đầu tư công trong những năm tiếp theo. Nhưng TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, lo ngại bung đầu tư nhà nước trong bối cảnh chưa thay đổi cơ cấu tăng trưởng thì cái giá phải trả là rủi ro lạm phát và nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô. Khi chính sách tài khóa không thể thắt chặt, dứt khoát chính sách tiền tệ không được nới lỏng. Năm 2012 tăng trưởng tín dụng 8,91% thì tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,25%. Năm nay, GDP dự kiến đạt khoảng 5,3%-5,4% nên không có lý do gì phải đẩy bằng được tăng trưởng tín dụng lên 12% như mục tiêu đề ra từ đầu năm, chỉ cần 10% hoặc thấp hơn.
TS Vũ Đình Ánh cho rằng dư địa để tăng trưởng tín dụng 2 tháng cuối năm rất hạn hẹp. Các NH đang rơi vào cảnh “đứng cho vay, quỳ thu nợ”, nếu tiếp tục thúc ép giải ngân sẽ khó kiểm soát chất lượng và đẩy các NH vào cảnh “quỳ cho vay, nằm thu nợ”.
Ba việc cần làm Theo các chuyên gia tài chính, thách thức hiện nay để có tăng trưởng là phải phá được tảng băng tín dụng. Muốn vậy, NHNN có 3 việc phải làm là xử lý nợ xấu; xóa sự lũng đoạn trong các NH để khôi phục lòng tin thị trường; nâng cao quản trị rủi ro của hệ thống NH. Trong đó, yếu tố lòng tin rất quan trọng, nếu không khôi phục được lòng tin, thể trạng nền kinh tế càng yếu. |
Bình luận (0)