Ngày 10-3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Được ban hành năm thứ 4 liên tiếp, Nghị quyết 19 năm 2017 được đánh giá là cụ thể và toàn diện hơn khi đặt ra 250 chỉ tiêu phải đạt để phù hợp với tiêu chuẩn của các nước ASEAN +4.
Công chức trì trệ thì không thể thành công
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (Bộ KH-ĐT), cho biết năm 2016, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá môi trường kinh doanh Việt Nam tăng 9 bậc, từ vị trí 91/189 lên 82/189 nhưng so với mục tiêu ASEAN +4 thì mới đi được nửa chặng đường. Nhiệm vụ đặt ra cho Nghị quyết 19/2017 là thách thức hơn nhiều, phải có kết quả theo cấp số nhân mới thành công. Nếu công chức và cơ quan nhà nước vẫn trì trệ, thiếu đổi mới sáng tạo; mỗi thay đổi nhỏ cũng cần phải nỗ lực kiên trì không mệt mỏi của nhiều bên trong nhiều năm thì không thể thành công.
Theo ông Cung, món nợ lớn nhất đối với doanh nghiệp (DN) hiện nay là chưa giảm được số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu từ 30%-35% xuống còn 15%. Nguyên nhân do công chức liên quan và bộ máy quản lý rất thụ động. Câu trả lời thường nghe là “Chúng tôi làm đúng quy định”. Trong khi đó, cơ quan quản lý lại ít quan tâm đến những khó khăn của DN. Cơ quan nhà nước luôn cho mình đúng, sợ thay đổi thì khó quản lý hiệu quả.
Lần đầu tiên tại một hội nghị triển khai Nghị quyết số 19, 7 hiệp hội, ngành hàng đã ký bản kiến nghị chung gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đề nghị đình chỉ thi hành Nghị quyết 148 về thu phí hạ tầng của HĐND TP Hải Phòng để đánh giá tác động cũng như tính hợp hiến, hợp pháp của chính sách.
Ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân, cho biết cộng đồng DN cho rằng có sự tránh né của các cơ quan công quyền khi đánh giá Nghị quyết 148. Các DN cũng lo ngại chuyện thu phí hạ tầng của Hải Phòng có lan ra các địa phương khác không. Trước phản biện của DN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng quan điểm của Bộ Tài chính là Nghị quyết 148 có căn cứ pháp lý nhưng mức thu đưa ra không phù hợp, Bộ Tài chính đã đề nghị Hải Phòng xem lại.
Nhiều kiến nghị vẫn chưa được giải quyết
Các DN cho biết hiện còn rất nhiều quy định tréo ngoe, gây tốn kém chi phí và cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng không có hiệu quả về quản lý. Chẳng hạn, có mã hàng dệt may làm thủ tục xuất nhập khẩu phải thực hiện tới 500 biểu mẫu hoặc DN đưa hàng nhập khẩu giải phóng về kho thì yêu cầu kho đó phải được sự chứng nhận của Tổng cục Hải quan.
Đáng lưu ý là vẫn còn nhiều vấn đề đã được kiến nghị từ những năm trước, nay tiếp tục được nêu tại hội nghị vì chưa được giải quyết. Trong đó có vấn đề gây nhức nhối cho DN là quy định về công bố hợp chuẩn, hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Vấn đề này trước đây được thực hiện theo Thông tư 28 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) ban hành năm 2012 và theo quy định đã hết hiệu lực. Tháng 10-2016, Chính phủ ban hành Nghị định 107/2016 thay thế nhưng Bộ KH-CN vẫn nợ thông tư hướng dẫn. Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Việt Thanh cho rằng việc soạn thảo và ban hành Nghị định 107 là hết sức vất vả, đến thông tư phải chờ thêm 1-2 tháng nữa.
Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ KH-CN phải xem xét, ban hành ngay thông tư, không để DN chờ thêm vì nguyên tắc nghị định không phải đợi Thông tư. Thứ trưởng Trần Việt Thanh hứa sau 15 ngày nữa sẽ ban hành thông tư.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh Việt Nam cải thiện được thứ hạng nhưng một số chỉ tiêu về khởi sự DN, thuế, hải quan nhưng vẫn còn đứng ở vị trí thấp trong bảng xếp hạng của WB. Trong thời gian dài, chúng ta kém quá nên khi có sự cải thiện là phấn khởi nhưng đừng quên ta vẫn còn kém, phải nỗ lực rất nhiều. “Cạnh phòng đăng ký kinh doanh vẫn có công ty luật, tư vấn làm thủ tục thành lập DN, không khác nào tình trạng máy photocopy bám theo cổng trường học, nhà thuốc “ăn theo” bệnh viện thì chưa thể hài lòng về môi trường kinh doanh” - Phó Thủ tướng nói.
Lý giải nguyên nhân chậm cải cách trong một số lĩnh vực, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định là do lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, tham nhũng. Cơ quan nào cũng muốn mình có quyền, chỉ một công văn do vụ phó ký cũng có thể làm khổ DN. Để quyết liệt cải cách môi trường kinh doanh, Phó Thủ tướng yêu cầu phải có cơ chế để tiếng nói của cộng đồng DN đến được các cấp, trao đi đổi lại để chỉnh sửa chính sách. Hiện nay, chủ trương chính sách đã rất tốt, vấn đề nằm ở thực thi. Chính phủ sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương, trung ương chỉ đạo địa phương phải làm nhằm đạt được những chỉ tiêu đề ra.
Bình luận (0)