Ngày 12-12, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp báo cáo 9 tháng tổ chức hoạt động của Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.
Sẽ quản lý xuyên suốt
Tại cuộc họp, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP, đề nghị Sở Công Thương bàn giao đề án truy xuất nguồn gốc thực phẩm và Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) bàn giao nhiệm vụ kiểm soát giết mổ, kiểm soát sản phẩm động vật nhập về TP cho ban. Việc này nhằm bảo đảm quản lý thực phẩm theo một đầu mối và xuyên suốt toàn bộ quá trình, tăng tính chủ động và tinh thần trách nhiệm.
Cơ sở Xuyên Á chưa biết ngày nào được hoạt động trở lại sau gần 3 tháng tạm ngưng Ảnh: NGỌC ÁNH
Theo bà Lan, đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo nếu về Ban Quản lý ATTP thì sẽ không triển khai đại trà mà làm theo mũi nhọn. Ban sẽ chọn một số trang trại, hộ chăn nuôi và quản lý tận gốc (phối hợp cùng ngành nông nghiệp nơi chăn nuôi) từ con giống, thức ăn, heo xuất chuồng sẽ được lấy mẫu giám sát. Thịt sau khi giết mổ sẽ đưa về phân phối tại một số chợ truyền thống và tập trung quảng bá cho người dân nhận biết.
"Nếu người dân không tin tưởng thì có thể lấy mẫu thịt gửi đi kiểm tra. Điều này nhằm bảo đảm con heo đeo vòng là an toàn. Đối với kênh phân phối hiện đại, thịt cơ bản đã được nhà cung cấp chủ động kiểm soát tốt nên không cần làm thêm nữa" - bà Lan giải thích.
Về kiểm soát giết mổ, bà Lan cho rằng ngành thịt tại TP HCM đang bị cắt đôi quản lý. Khâu chăn nuôi, giết mổ và kiểm soát sản phẩm động vật vào TP HCM đang do ngành nông nghiệp quản lý (lực lượng thú y); khâu lưu thông, phân phối do Ban Quản lý ATTP chịu trách nhiệm. Điều này làm nảy sinh tình trạng thiếu trách nhiệm vì có thể đổ thừa cho nhau. "Trong thời gian chuyển giao, chúng tôi đề nghị tất cả cơ sở giết mổ đang cung cấp thịt cho TP HCM, ngay cả ngoại tỉnh, đều phải được lắp camera theo dõi. Nhiều cơ quan liên quan có thể đăng nhập hệ thống để giám sát công tác này" - bà Lan nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết sở đã có cuộc họp và thống nhất bàn giao nhiệm vụ theo đề xuất của Ban Quản lý ATTP. Tuy nhiên, sở chỉ bàn giao dữ liệu và hướng dẫn ban thực hiện đề án mà không bàn giao nhân sự. Sở vẫn được sử dụng dữ liệu của đề án để triển khai sàn giao dịch nông sản trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thành Phong nhất trí với việc tập trung quản lý ATTP về một đầu mối để giúp việc quản lý thực phẩm xuyên suốt, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính. Ông cho biết những khó khăn trong hoạt động của ban sẽ được tháo gỡ để nâng cao hiệu quả quản lý ATTP, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân.
Lắp camera theo dõi
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tất cả lò mổ tại TP HCM đều đã được lắp camera theo dõi sau khi xảy ra vụ việc gần 4.000 con heo bị nhiễm thuốc an thần tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi). Thông tin từ camera được truyền về phòng thú y tại cơ sở giết mổ cũng như lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (trước đây là Chi cục Thú y), phòng thanh tra của chi cục.
Trong khi đó, cơ sở Xuyên Á đã tạm ngưng hoạt động hơn 2 tháng rưỡi để tiêu độc khử trùng do phát sinh ổ dịch lở mồm long móng trong thời gian lưu nhốt heo chờ thải thuốc an thần. Đến nay, vẫn chưa có thông tin chính thức về thời gian cơ sở này có thể hoạt động trở lại dù đã thực hiện các biện pháp khắc phục. Phần lớn heo hiện nay vẫn phải chuyển về các tỉnh giết mổ.
Thông tin mới nhất từ Sở NN-PTNT TP HCM cho biết đơn vị này đang tổng hợp ý kiến của các sở, ngành liên quan trước khi có văn bản tham mưu cho UBND TP HCM quyết định. Dù là cơ quan đầu mối quản lý về giết mổ nhưng sau khi xảy ra sự cố tại cơ sở Xuyên Á, sở không chủ động quyết định hay tham mưu mà đều tổ chức họp liên ngành và yêu cầu các sở, ngành góp ý chính thức bằng văn bản.
Về vấn đề này, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết quan điểm của Ban ATTP là cần có sự công bằng trong quản lý giết mổ. "Cùng là giết mổ thủ công, nếu cơ sở Xuyên Á được mở lại thì cũng nên cho cơ sở Xuân Thới Thượng (thuộc Công ty CP Thực phẩm Hóc Môn) hoạt động. Không nên để tập trung sản lượng tại cơ sở Xuyên Á (từng chiếm trên 50% thị phần - PV), sẽ gây khó khăn trong quản lý nhà nước và cả cho chủ cơ sở, nên mới xảy ra chuyện như vừa qua" - bà Lan đánh giá.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang cho biết quan điểm của Sở Công Thương TP là nếu cơ sở Xuyên Á đáp ứng đủ điều kiện thì giải quyết cho hoạt động theo đúng pháp luật. Sở NN-PTNT cần kiểm tra xem cơ sở này đã khắc phục những hạn chế, vi phạm theo yêu cầu chưa; nếu đã khắc phục thì xem xét cho hoạt động trở lại. Tuy nhiên, chỉ cho phép cơ sở này tổ chức giết mổ đúng năng lực và điều kiện về môi trường được cấp phép trước đó; không để xảy ra tình trạng công suất giết mổ thực tế cao hơn nhiều so với cấp phép, dẫn đến hệ thống xả thải không bảo đảm, gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Đẩy nhanh tiến độ nhà máy công nghiệp
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nhiều lần nhắc đến vụ việc gần 4.000 con heo bị nhiễm thuốc an thần như là một bài học trong công tác quản lý ATTP. Sắp tới, UBND TP sẽ làm việc với Sở NN-PTNT về quy hoạch giết mổ, vì sao tiến độ triển khai các dự án nhà máy giết mổ công nghiệp quá chậm. Việc quản lý giết mổ tại các lò thủ công vẫn còn nhiều lỗ hổng mới xảy ra vụ việc như tại cơ sở Xuyên Á vừa qua. Vì thế, cần đẩy nhanh tiến độ các nhà máy giết mổ hiện đại.
Bình luận (0)