Để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp (DN), Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn xóa nợ tiền thuế, tiền phạt không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 1-7-2007. Đây có thể xem là chủ trương tái cơ cấu nợ thuế nhưng lại không hoàn toàn nhận được sự đồng thuận như chủ trương tái cơ cấu nợ của ngân hàng.
Thua lỗ nhiều, nợ thuế tăng
Trong ảnh: Doanh nghiệp làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TP HCM Ảnh: HỒNG THÚY
Con số nợ thuế cũng tỉ lệ thuận với kết quả kinh doanh của DN. Theo số liệu của Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nếu năm 2011 có 43,2% DN đang hoạt động kinh doanh có lãi và 52,4% DN thua lỗ thì năm 2012, số DN có lãi tăng lên 49% và DN thua lỗ giảm còn 39%. Thế nhưng 6 tháng đầu năm 2013, số DN có lãi giảm xuống chỉ còn 44%...
Trước tình hình trên, bên cạnh giải pháp miễn, giảm, giãn, hoãn thuế cho DN đang thực hiện từ 2 năm nay theo nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tài chính đang đề xuất chủ trương xóa nợ tiền thuế, tiền phạt không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 1-7-2007 cho các đối tượng là hộ gia đình, cá nhân gặp khó khăn, không thanh toán được tiền nợ thuế và đã ngừng kinh doanh. Các DN nhà nước đã có quyết định giải thể, cổ phần hóa, chuyển đổi sở hữu cũng ở trong diện được áp dụng. Dự kiến sẽ có khoảng 500.000 hộ gia đình, cá nhân và gần 1.400 DN nhà nước được xóa nợ theo chủ trương này. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất xem xét khoanh nợ đối với các khoản thuế chậm nộp phát sinh trước ngày 1-7-2007 nếu DN cam kết trả toàn bộ nợ gốc.
Nhiều DN cho rằng đây là chủ trương hợp lý, thể hiện sự chia sẻ của ngành thuế, giúp DN giảm bớt gánh nặng tài chính trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, vòng quay vốn chậm và cũng là cách nuôi dưỡng nguồn thu…
Nên thu hẹp đối tượng
Tuy nhiên, không ít chuyên gia kinh tế lại tỏ ra nghi ngại trước hiệu quả của chính sách này.
TS Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, cho biết ông không tán đồng quan điểm xóa nợ thuế vì giải pháp này luôn có kẽ hở và tạo tiền lệ xấu.
“Các DN kêu lỗ để xin miễn, giảm, hoãn thuế đều là DN lớn và đa số là DN nhà nước như dầu khí, than, ô tô, bất động sản. Khó khăn là tình hình chung nhưng chỉ có “đại gia” kêu lỗ xin giảm thuế, DN “thấp cổ bé họng” không dám kêu ca. Nếu vì một số DN kêu mà xóa nợ thuế sẽ không giải quyết được tình hình”- ông Nguyễn Đình Cung lo ngại.
Một lý do khác để nhiều ý kiến không ủng hộ quan điểm này là về nguyên tắc, DN có nguồn thu, có lợi nhuận mới phát sinh nghĩa vụ thuế. Nợ đọng thuế phát sinh từ trước, lúc có tiền, DN chây ì không nộp thuế. Nay không có tiền thì phải bán tài sản đi để trả nợ thuế. “Cơ quan thuế cần phải xem xét vì sao DN không nộp thuế, nếu xóa nợ cho cả DN chây ì sẽ không bảo đảm nguyên tắc công bằng, thiệt cho hàng trăm DN nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về thuế. Đối với các DN cổ phần hóa cũng thận trọng khi xem xét xóa nợ thuế vì về nguyên tắc, DN tồn tại liên tục không phân biệt nhiệm kỳ lãnh đạo hay trước và sau khi cổ phần hóa”- TS Nguyễn Đình Cung phân tích.
Ngành thuế cũng phải có trách nhiệm Một chuyên gia phân tích mức độ sinh lợi của khoản tiền thuế càng cao thì DN càng muốn nợ thuế. Đã có thời kỳ tiền mặt khan hiếm, mức phạt chậm nộp thuế lại thấp hơn rất nhiều so với lãi vay ngân hàng nên DN cố tình chây ì, chấp nhận nộp phạt để chiếm dụng tiền thuế làm vốn kinh doanh. Nếu chây ì quá lâu dẫn đến được xóa nợ thuế thì tình trạng nợ đọng thuế không thể được cải thiện. Tình trạng nợ thuế kéo dài, bên cạnh nguyên nhân từ DN, cơ quan thuế cũng phải có trách nhiệm trong việc thiếu kiên quyết, không áp dụng chế tài đủ mạnh để hoàn thành nhiệm vụ. |
Bình luận (0)