Công ty CP Cho thuê máy bay Việt Nam (VACL) đang tổ chức bán đấu giá 5 chiếc máy bay ATR72-500 với tổng giá trị 48 triệu USD (khoảng 1.080 tỉ đồng).
Hiệu quả kinh tế thấp
Đây là 5 chiếc máy bay mà Vietnam Airlines (VNA) thuê của VACL, nằm trong đề án phát triển đội bay của VNA, VACL đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cả 5 chiếc ATR72 này là tài sản của VACL, được tài trợ vốn theo cấu trúc bảo lãnh của các tổ chức tín dụng xuất khẩu.
Theo hợp đồng, VNA thuê khô máy bay (không thuê phi công) đến năm 2022 nhưng năm 2016, VNA đã đặt vấn đề trả máy bay trước hạn vì hiện nay, hầu hết sân bay ở Việt Nam đã được nâng cấp để đón máy bay phản lực, việc khai thác dòng máy bay ATR72 không hiệu quả.
Trước đây, VNA có lợi thế ở việc khai thác nhiều dòng máy bay, từ loại thân lớn như Boeng 777-200ER, Airbus 350 đến loại máy bay một lối đi Airbus 320/321 và máy bay nhỏ ATR 72, Fokker. Trong đó, riêng đội bay ATR72 của hãng lên đến 14 chiếc gồm cả sở hữu và thuê khô đảm nhận khai thác trên các đường bay đến khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông và các đường bay nội địa như Cần Thơ, Côn Đảo, Phú Quốc, Đồng Hới, Pleiku, Chu Lai, Rạch Giá, Cam Ranh, Điện Biên... có hành trình khoảng 1 giờ.
Nhiều đường bay VNA độc quyền trong thời gian dài vì sân bay chỉ tiếp nhận máy bay nhỏ và VNA là hãng duy nhất khai thác máy bay ATR72 cũng như Fokker. Tuy nhiên đến nay, trong tổng số 21 sân bay của Việt Nam đang hoạt động, chỉ còn 4 sân bay có năng lực tiếp nhận máy bay từ ATR72 trở xuống, gồm Điện Biên, Côn Đảo, Rạch Giá, Cà Mau nên ATR 72 hết chỗ bay nội địa và việc duy trì đội máy bay này không còn hiệu quả kinh tế. Ngoại trừ Côn Đảo là đường bay có doanh thu tốt, 3 đường bay còn lại, mặc dù VNA độc quyền nhưng cũng không thể bán được vé giá cao do nhu cầu thị trường không lớn, chủ yếu là khách công vụ.
Chờ Chính phủ quyết định
Về kinh tế, đội bay ATR72 có hiệu quả thấp hơn nhiều so với dòng máy bay lớn. Cụ thể, chi phí khai thác tính theo giờ bay của B777 là 14.000 USD/giờ, A321 là 8.000 USD/giờ, ATR72 là 5.000-6.000 USD/giờ nhưng số chỗ tối đa tương ứng của các loại máy bay này lần lượt là 300, 200 và 68 chỗ.
Từ khi đa số sân bay được nâng cấp, VNA thừa máy bay ATR72 và mỗi năm chịu lỗ hơn 10 triệu USD từ đội bay này. Bên cạnh việc trả 5 máy bay trước hạn cho VACL, hãng cũng đã bán bớt 2 trong số 3 chiếc ATR72 sở hữu đã hết khấu hao và chỉ còn duy trì vài chiếc ATR72 trên các đường bay độc quyền, khai thác vì mục đích chính trị.
Trong kế hoạch trả máy bay trước hạn, VACL và VNA đã tính toán sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho cả hai bên. VACL tính đến khả năng không có cơ hội kinh doanh mới thay thế, ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông, còn VNA phải bồi thường thiệt hại phát sinh do chấm dứt hợp đồng trước hạn. Các vấn đề này phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan vì việc phát triển đội máy bay của VNA nằm trong chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Với giá khởi điểm 48 triệu USD cho 5 chiếc ATR72, VALC đang khó tìm đối tác trong quá trình thanh lý máy bay do chưa có kinh nghiệm và bạn hàng, trong khi dòng máy bay này không còn khả năng khai thác ở thị trường nội địa, đồng nghĩa sẽ không có nhà đầu tư trong nước quan tâm. Hơn nữa, dự án 5 chiếc ATR72 được thực hiện từ năm 2008 với tổng giá trị 100 triệu USD, nay thanh lý giá còn gần một nửa thì việc tính toán khấu hao có làm mất vốn nhà nước hay không cũng là việc cần bàn tính kỹ.
Hiện nay, cả nước có 4 hãng hàng không thương mại đang sở hữu và thuê tổng cộng 136 máy bay. Ngoài ra, còn có 6 doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung, trong đó 3 doanh nghiệp đang hoạt động với 28 máy bay trực thăng và 3 máy bay loại nhỏ nhưng chỉ VNA khai thác dòng máy bay ATR72.
Quy hoạch có vấn đề
Một chuyên gia hàng không nhận định từ việc VNA bán máy bay nhỏ vì sắp hết chỗ để bay cho thấy quy hoạch hàng không có vấn đề. Các sân bay hiện có đều được nâng cấp gần hết để phục vụ máy bay lớn, trong khi sân bay nhỏ không được xây thêm. Nếu không thay đổi sẽ dẫn đến hàng không Việt Nam không có máy bay nhỏ mà toàn máy bay lớn (từ A320 và B737 trở lên), khác biệt với tất cả các nước. Chuyên gia này khẳng định muốn công cộng hóa hàng không, muốn dự bị quốc phòng thì phải có những sân bay nhỏ và máy bay nhỏ.
Bình luận (0)