Theo đó, một số NH có lợi nhuận trước thuế tăng đột biến so với cùng kỳ như NH TMCP Hàng Hải đạt 151 tỉ đồng, tăng 163% so với cùng kỳ; NH TMCP Kỹ Thương Việt Nam có lợi nhuận trước thuế tăng 54% so với cùng kỳ với 1.587 tỉ đồng nhờ thu nhập lãi suất và thu nhập thuần từ phí dịch vụ đều tăng mạnh so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh tại NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng khả quan nhờ tín dụng tăng 10,76%, mức tăng cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Trong 6 tháng đầu năm, Vietcombank đã xử lý được 2.411 tỉ đồng nợ xấu, trong khi chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng thấp hơn cùng kỳ, giúp tổng lợi nhuận trước thuế đạt 4.193 tỉ đồng, tăng tới 37,8% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo tài chính quý II của NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, lợi nhuận thuần từ kinh doanh tiếp tục tăng trưởng khả quan với 7.873 tỉ đồng. Tuy nhiên, do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên đến 4.526 tỉ đồng khiến tổng lợi nhuận trước thuế của NH này chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, có những NH lợi nhuận sụt giảm bất ngờ hoặc tỉ lệ nợ xấu tăng đột biến. Báo cáo tài chính quý II/2016 của NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho thấy chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đã tăng gấp đôi trong quý, đẩy khoản chi phí này lũy kế từ đầu năm đến nay lên tới 661 tỉ đồng. Kết quả nửa đầu năm nay, lợi nhuận của NH này chỉ đạt 79,2 tỉ đồng so với con số 566 tỉ đồng của năm ngoái, trong khi khoản lỗ lũy kế từ năm trước chưa xử lý xong vẫn còn 817,4 tỉ đồng. Đáng lưu ý, tỉ lệ nợ xấu tại Eximbank đã tăng khá mạnh từ 1,86% cuối năm 2015 lên đến 5,3% tính đến hết quý II/2016.
Một cái tên khác gây bất ngờ với kết quả lợi nhuận thấp so với cùng kỳ là NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Báo cáo tài chính quý II vừa được Sacombank công bố cho thấy lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro tín dụng sụt giảm rất mạnh so với cùng kỳ khi chỉ đạt 1.094 tỉ đồng (so với mức 2.223 tỉ đồng cùng kỳ). Lợi nhuận giảm gần một nửa trong khi mức trích dự phòng rủi ro tín dụng lại cao hơn kéo lợi nhuận trước thuế của Sacombank chỉ còn 363,2 tỉ đồng, so với 1.525 tỉ đồng của cùng kỳ năm 2015.
Cuối năm ngoái, NH Nhà nước cho biết đã kiểm soát đưa tỉ lệ nợ xấu của ngành NH về dưới 3%. Trong nửa đầu năm 2016, tỉ lệ nợ xấu ở một số NH có xu hướng tăng trở lại và áp lực xử lý nợ xấu, chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng vẫn tiếp tục “ăn mòn” lợi nhuận của không ít NH.
Bình luận (0)