Đây là một những nội dung được đề cập tại kế hoạch hành động của ngành ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành nhằm thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5 - 1 điểm % trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.
Trong bối cảnh lạm phát đang chịu áp lực tăng lên, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. Từng tổ chức tín dụng sẽ được thông báo và định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trên cơ sở kết quả hoạt động kinh doanh, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh…
Dòng vốn ngân hàng được ưu tiên vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên
Các ngân hàng phải hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng… với mức lãi suất hợp lý; không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp….
Chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cũng sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, tại báo cáo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Công ty chứng khoán SSI vừa công bố, cho thấy quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tăng mạnh từ 4,93% GDP năm 2017 lên tới 16,6% GDP năm 2021. Quy mô thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp tăng nhanh từ mức 68% năm 2020 lên mức tương đương 88% năm 2021 so với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Đáng chú ý, dù số dư trái phiếu các ngân hàng đang nắm giữ vẫn tăng lên nhưng tốc độ tăng thấp hơn nhiều quy mô thị trường này, giúp tỉ trọng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ bởi các ngân hàng thương mại liên tục giảm từ 71% năm 2018 xuống 25% tính đến cuối năm ngoái.
Thời gian qua, cơ quan quản lý đã có nhiều cảnh báo và quy định theo hướng siết dòng vốn tín dụng ngân hàng đổ vào trái phiếu doanh nghiệp.
Đề xuất tăng vốn điều lệ cho Agribank ngay trong quý I
Các ngân hàng thương mại cổ phần do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) sẽ được tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021-2023...
Riêng Agribank, Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước trong quý I/2022.
Bình luận (0)