Ngày 1-11 tại TP HCM, những khó khăn trùng trùng của ngành cà phê đã được các doanh nghiệp (DN) nêu ra trong hội nghị tổng kết niên vụ 2012-2013, do Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) tổ chức.
Vướng thuế
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Sản xuất Gia công và Bao bì (Packsimex), vấn đề lớn nhất của niên vụ cà phê 2012-2013 chính là hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Giá bán cà phê đang ở mức thấp nhất. Trong ảnh: Thu hoạch cà phê ở tỉnh Đắk Lắk Ảnh: CAO NGUYÊN
Ông Phạm Ngọc Bằng, Phó Giám đốc Công ty TNHH DakMan Việt Nam, cho rằng nếu tình hình này cứ kéo dài, DN kinh doanh mà không biết lời hay lỗ thì quá nguy hiểm.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Intimex, hàng loạt DN xuất khẩu cà phê đang tính chuyện bỏ ngành. Tình hình hiện nay hết sức nghiêm trọng, không biết tin ai, trong khi cơ quan công an làm việc liên tục. Trong đó, các DN nổi tiếng cũng dính gian lận thuế.
“Không chỉ cà phê, các ngành nông sản khác muốn xin chứng nhận thực hiện tốt chính sách thuế cũng không cơ quan nào dám xác nhận. Chúng ta chỉ mới tập trung giải quyết phần ngọn mà chưa xử lý phần gốc - cần xem xét lại toàn bộ chính sách thuế. Ba năm qua, ngành cà phê đã làm được việc chưa từng có là giữ được giá, bất kể tác động của thị trường nhưng hiện nay, điều này không làm được nữa. Do đó, Bộ Tài chính nên đề xuất Chính phủ bỏ thu thuế GTGT vì 93% cà phê hiện nay được xuất khẩu để cải thiện thị trường” - ông Nam kiến nghị.
Ông Phạm Hoài Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thành Phát, cho rằng nếu thu thuế GTGT thì nên thu tại xã, phường, nơi trồng cà phê vì chỉ ở đây mới nắm được diện tích và sản lượng cà phê chính xác nhất.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thế, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế (A86) Bộ Công an, ngành cà phê đang có yếu tố bất ổn, tình trạng gian lận thuế GTGT phức tạp. A86 đang tích cực điều tra xử lý để thu hồi tiền thuế bị chiếm đoạt bất chính và mong các DN bình tĩnh, chia sẻ với cơ quan quản lý.
Giá giảm chóng mặt
Một khó khăn khác của ngành cũng được ông Đỗ Hà Nam nêu ra: cđang ở mức thấp nhất trong 3 năm qua. Nếu cơ quan chức năng không có giải pháp tích cực, mức giá này sẽ tiếp tục giảm sâu, đến khi nào cây cà phê bị chặt bớt đi thì mới ngừng lại. Điều này hết sức nguy hiểm vì cà phê là cây lâu năm.
“Ngành cà phê nên có quy định về giá sàn xuất khẩu, ngăn chặn việc cạnh tranh hạ giá xuất khẩu thì mới giải quyết được tình hình khó khăn hiện tại” - ông Nguyễn Xuân Thái, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi, đề xuất.
Ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Vicofa, cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ về việc tạo cơ chế tạm trữ cà phê ngay từ đầu vụ để chặn đà giảm giá với số lượng tạm trữ dự tính khoảng 300.000 tấn, đồng thời khuyến cáo nông dân, DN không nên bán cà phê ồ ạt, tránh việc bán rẻ đầu vụ, cuối vụ không còn hàng để bán.
Theo Vicofa, niên vụ 2012-2013, giá thành sản xuất cà phê bình quân 75 triệu đồng/ha, năng suất 2,4 tấn/ha, với giá bán ở mức 30.000 đồng/kg, nông dân làm cà phê đang hòa vốn hoặc lỗ. |
ÔNG ĐỖ QUYỆT - PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH MTV XUẤT NHẬP KHẨU 2-9, ĐẮK LẮK:
Lợi dụng kẽ hở của pháp luật
Thủ tục thành lập DN quá dễ dãi. Chỉ cần có CMND nhặt được của ai đó là có thể đăng ký thành lập DN. Sau khi thành lập, DN được tự in hóa đơn, xuất khống hóa đơn GTGT để chiếm đoạt tiền thuế. Các DN này không có kho bãi nhưng thu mua số lượng cà phê lớn với giá cao hơn thị trường, sau đó bán ra với giá thấp, lấy tiền thuế chiếm đoạt bù lỗ để hưởng chênh lệch thuế GTGT, đến một thời điểm thì bỏ trốn. Trong khi đó, lượng cà phê không hợp pháp đầu vào đã qua tay rất nhiều DN trung gian. Nếu DN xuất khẩu mua phải thì không được khấu trừ thuế, trong khi thuế này đã trả cho DN trước. ÔNG PHAN HÙNG ANH - PHÓ GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH ANH MINH, ĐẮK LẮK: Chết lâm sàng Nếu các công văn của Bộ Tài chính không được điều chỉnh và xử lý kịp thời thì rất nhiều DN xuất khẩu cà phê sẽ phá sản. Trong một thời gian dài, phần lớn DN không dám thu mua cà phê vì sợ không được hoàn thuế. Nhiều khi nguồn hàng mình mua đã qua gần 10 đơn vị. Chúng tôi là DN, làm sao có thể truy nguồn gốc cà phê qua từng khâu, xem DN đó đã đóng thuế hay chưa? Hiện đã chính thức bước vào vụ cà phê mới, nếu vấn đề này không được tháo gỡ kịp thời thì không DN nào dám mua cà phê nữa. Điều này không chỉ đẩy DN vào chỗ phá sản mà còn tác động tiêu cực đến giá cà phê trong nước cũng như thị phần cà phê của Việt Nam trên thế giới.
Cao Nguyên ghi |
Bình luận (0)