Hôm 11-5 vừa qua, tập đoàn viễn thông Telenor của Na Uy cho biết họ đã đạt được thỏa thuận với hãng truyền thông Schibsted của nước này. Theo đó, Telenor sẽ mua lại cổ phần của Schibsted tại các liên doanh ở Malaysia, Myanmar và Việt Nam. Ngoài ra, Telenor cũng thoái vốn khỏi liên doanh với Schibsted ở châu Mỹ Latinh là SnT. Lợi nhuận ròng mà Telenor thu về từ thương vụ này là 406 triệu USD.
Ngoài ra, Telenor cũng đã đạt được thỏa thuận với tập đoàn Singapore Press Holdings (SPH) để mua lại cổ phần của SPH trong các liên doanh ở Malaysia, Myanmar và Việt Nam với giá 110 triệu USD.
Theo dự kiến, các giao dịch kể trên sẽ hoàn tất trước cuối tháng 6/2017.
Sau khi hoàn tất các thương vụ này, Telenor nắm 100% cổ phần tại các dịch vụ đăng tin rao vặt Chotot (Việt Nam), Mudah (Malaysia), OneKyat (Myanmar) và ImSold (Malaysia và Việt Nam). Telenor, Schibsted và SPH vẫn tiếp tục đồng sở hữu các dịch vụ rao vặt tại Thái Lan (Kaidee) và Indonesia (Berniaga).
Liệu sẽ có thay đổi?
Theo giám đốc điều hành của Chotot là ông Bryan Teo cho biết với Nhịp Cầu Đầu Tư, "sẽ không có sự thay đổi nào về nhân sự lãnh đạo hay chiến lược kinh doanh ở Chotot. Telenor đã tham gia hội đồng quản trị của 701 Search (công ty mẹ của Chotot) từ năm 2013, và tích cực đóng góp vào việc quyết định đường hướng mà công ty đang theo đuổi. Telenor tiếp tục tin tưởng rằng 701 đang đi đúng hướng và mong muốn tiếp tục duy trì công việc kinh doanh như bình thường".
Giải thích về sự xuất hiện gần đây tại Việt Nam của trang rao vặt ImSold có cùng chủ sở hữu với Chotot, một nguồn tin am hiểu trả lời Nhịp Cầu Đầu Tư rằng 2 trang này hướng tới các đối tượng khách hàng khác nhau, và sẽ có hợp tác để trao đổi nội dung và lượng truy cập. Nguồn tin này cũng so sánh sự tồn tại song song của Chotot và ImSold tương tự như việc Rocket Internet trước đây vừa có Lazada lại vừa có Zalora.
Tương tự, ông Bryan cũng trả lời với Nhịp Cầu Đầu Tư rằng: "ImSold có trọng tâm và nhóm đối tượng khách hàng khác với Chotot. Mỗi công ty đều tự tin rằng chúng tôi sẽ củng cố được vị thế riêng của mình và phục vụ người dùng Việt Nam tốt hơn".
Nói về tình hình phát triển của Chotot từ đầu năm tới nay, ông Bryan cho biết: "Trong 4 tháng qua, lượng người truy cập tăng bình quân 10% mỗi tháng, trong khi số lượng tin rao vặt tăng bình quân 20% mỗi tháng".
Chotot hiện có hơn 10 triệu người dùng/tháng, 1.2 tỷ lượt xem trang/tháng và đạt 2.5 triệu lượt giao dịch thành công trên trang trong năm 2016, theo khảo sát người bán.
Thâu tóm toàn phần
Trước đây vào năm 2013, Telenor đã ký thỏa thuận với Schibsted và SPH để thành lập liên doanh vận hành các dịch vụ rao vặt ở Mỹ Latinh và châu Á. Mỗi công ty này chiếm 33,3% cổ phần trong liên doanh 701 Search chuyên vận hành các trang rao vặt ở Đông Nam Á, với mức định giá lúc thành lập là 745 triệu USD.
Tới năm 2015, các công ty này lại hợp tác với Naspers (Nam Phi) để thực hiện sáp nhập tại một vài thị trường trong đó có Brazil. Sau thương vụ này, cổ phần của Telenor tại các liên doanh ở Malaysia và Việt Nam vẫn là 33,3%, trong khi ở các liên doanh khác thì có thay đổi (ở Thái Lan còn 18,6%, ở Indonesia còn 11,3%).
Như vậy, trong thương vụ mới đây thì Telenor đã mua lại tổng cộng 66,7% cổ phần trong các liên doanh ở Malaysia và Việt Nam.
Giải thích thương vụ này, ông Bryan trả lời Nhịp Cầu Đầu Tư rằng mức giá 110 triệu USD mà Telenor trả cho SPH là để mua lại 1/3 cổ phần trong tất cả các trang Chotot, Mudah, OneKyat và ImSold. Ông Bryan cũng cho biết không có phân chia cụ thể mức định giá của từng trang.
CFO của Telenor là Jørgen C. Arentz Rostrup cho biết: "Các thương vụ kỳ này cho thấy chúng tôi đã tạo ra được giá trị vững chắc từ các khoản đầu tư vào các dịch vụ rao vặt. Chúng tôi đã có hợp tác rất tốt với các đối tác kể năm 2013. Tuy nhiên, trong nỗ lực đơn giản hóa danh mục đầu tư của Telenor, cũng như tập trung phát triển kinh doanh ở các khu vực quan trọng, chúng tôi giờ đây muốn tập trung nỗ lực vào các dịch vụ rao vặt mà chúng tôi sở hữu toàn phần tại châu Á".
Là một trong những tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới với doanh thu 15,3 tỷ USD trong năm 2016, Telenor hiện thuộc sở hữu của chính phủ Na Uy (chiếm 54% cổ phần) và là công ty có giá trị vốn hóa lớn thứ 3 nước này.
Bình luận (0)