Những lô nhãn đầu tiên của Hải Dương xuất sang Singapore, Úc và sắp tới sang Mỹ là cơ sở khẳng định hướng đi đúng đắn, giảm áp lực phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Chinh phục thị trường khó tính
Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã cấp 4 mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu cho doanh nghiệp (DN) và người dân ở TP Chí Linh đủ điều kiện xuất khẩu. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương, tính đến ngày 12-8, các DN đã xuất khẩu 45,2 tấn nhãn Chí Linh sang các thị trường khó tính. Nông dân trồng nhãn tại Hải Dương đang chờ những chuyến "xuất ngoại" tiếp theo của loại trái cây này.
Lần đầu thu mua nhãn tươi phía Bắc, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ đã đầu tư nhà xưởng sơ chế, đóng gói ngay tại vùng trồng Hải Dương để bảo đảm chất lượng cho quả nhãn xuất khẩu. "Ưu điểm của nhãn miền Bắc là quả to, vỏ màu vàng rất đẹp. Đợt đầu tiên, DN sẽ xuất khẩu 50 tấn nhãn, nếu khách hàng phản hồi tốt, DN sẽ thu mua đến hết mùa. Tình hình thuận lợi, mùa nhãn phía Bắc năm nay, DN dự tính sẽ xuất khẩu hơn 100 tấn sang các thị trường như: Úc, Singapore, EU, Trung Đông..." - ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty Rồng Đỏ, cho biết.
Nhu cầu nhập khẩu trái cây Việt Nam của các nước còn rất lớn Ảnh: NGỌC ÁNH
Dù vướng dịch Covid-19, vải thiều tỉnh Bắc Giang cũng đã liên tục xuất ngoại. Tại Sơn La, 10 tấn thanh long ruột đỏ của huyện Thuận Châu cũng đã xuất sang thị trường Nga trong những ngày cuối tháng 7 vừa qua. Sơn La với nhiều loại trái cây như thanh long, xoài, nhãn... được sản xuất theo hướng hữu cơ, đạt chuẩn VietGAP và được cấp mã vùng trồng, đang mở ra tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu nông sản tới những thị trường khó tính trên thế giới.
Trước đó, hàng chục tấn thanh long đã được HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng (tỉnh Sơn La) xuất khẩu sang Nhật Bản. Xoài của địa phương này cũng đã xuất sang Mỹ.
Phải giữ được chất lượng
Ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên (TP Cần Thơ), cho hay nét nổi bật của xuất khẩu trái cây năm nay là làn sóng các nhà nhập khẩu chuyển đơn hàng mua trực tiếp từ Việt Nam thay vì mua qua DN Trung Quốc.
"Các DN Trung Quốc rất giỏi về thương mại. Họ mua hàng "xô" từ Việt Nam, sau đó về phân loại, đóng gói và xuất khẩu đi các thị trường với giá cao. Nay, nhà nhập khẩu mua trực tiếp từ Việt Nam thì chỉ những DN có nền tảng về quản lý chất lượng, có sự đầu tư bài bản mới đáp ứng được. Đây là xu hướng tốt cho ngành trái cây Việt Nam" - ông Cung đánh giá.
DN xuất khẩu nông sản nêu thực tế các thị trường như EU, Nga, Nhật... có nhu cầu trái cây Việt Nam rất lớn như: bưởi, nhãn, mít, xoài, sầu riêng. DN đang gửi mẫu nhiều sản phẩm đông lạnh cho khách hàng. Với thị trường Trung Quốc, DN vẫn đều đặn xuất khẩu bưởi da xanh, nhãn và mít. Vấn đề quan trọng của trái cây Việt Nam hiện nay là chỉ cần bảo đảm chất lượng, kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì không lo thiếu thị trường.
"Đơn cử là nhu cầu nhập khẩu bưởi của các nước rất lớn, DN không đáp ứng đủ đơn hàng dù thị trường nội địa đang dội chợ. Số lượng bưởi cung ứng thì thừa nhưng chất lượng theo từng thị trường lại thiếu" - ông Cung dẫn chứng.
Tăng cường xúc tiến, quảng bá sản phẩm
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết bộ này vừa tổ chức thành công hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế sản phẩm nhãn Việt Nam 2020 với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương và 70 nhà nhập khẩu quốc tế, mở ra các cơ hội cho sản phẩm trái cây trong điều kiện các địa phương, DN gặp nhiều khó khăn xúc tiến thương mại do dịch Covid-19. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN-PTNT, các cơ quan liên quan hướng dẫn các địa phương áp dụng những mô hình trồng trái cây chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; đồng thời hướng dẫn DN sản xuất, áp dụng công nghệ bảo quản, đa dạng hóa sản phẩm từ các loại trái cây.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng những thị trường khác (ngoài Trung Quốc) đang có dấu hiệu tích cực. Bộ NN-PTNT đang nỗ lực đàm phán, tháo gỡ rào cản kỹ thuật để mở cửa thị trường xuất khẩu trái cây ra thế giới.
Bình luận (0)