Chiều 14-11, tại buổi công bố kết quả sản xuất - kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết tổng doanh thu hợp nhất của tập đoàn là 158.578 tỉ đồng, đạt 79% kế hoạch và bằng 109% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 1.418 tỉ đồng, bằng 90% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tỉ suất lợi nhuận trên vốn khá cao
Lợi nhuận trước thuế của Petrolimex trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam của công ty mẹ và 42 công ty thành viên là 406 tỉ đồng. Phần lợi nhuận còn lại đến từ kinh doanh hóa dầu, gas, vận tải, bảo hiểm và ngân hàng, kinh doanh ở nước ngoài… Tổng lợi nhuận hợp nhất sau thuế là 1.150 tỉ đồng. Tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là 7,6%.
Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex, cho biết chưa dự báo được lợi nhuận năm 2014 của tập đoàn do giá xăng dầu biến động bất thường trong thời gian qua.
“Do tập đoàn có tỉ trọng chiếm lĩnh thị trường tương đối cao, đồng thời phải bảo đảm tồn kho vì mục đích chính trị, an ninh năng lượng nên khi giá giảm sâu sẽ tác động ngay đến tập đoàn. Các chuyên gia dự báo giá dầu thế giới tiếp tục giảm nên khó lường trước được khả năng đạt mục tiêu lợi nhuận. Chúng tôi không nói là quý IV/2014 lỗ nhưng khả năng giữ được lợi nhuận 9 tháng là không dễ” - ông Năm lo lắng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh - tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là 7,6% là khá cao so với nhiều ngành kinh doanh khác. “Xét đến tính độc quyền và lợi thế kinh doanh mặt hàng cực kỳ thiết yếu thì Petrolimex vẫn có thể tiếp tục lãi” - ông Doanh nhận định.
Nên ngưng thu quỹ bình ổn
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng với mức lợi nhuận được công bố là 1.400 tỉ đồng, chứng tỏ doanh nghiệp xăng dầu làm ăn vẫn có lãi, mặc dù đầu năm liên tục kêu lỗ để tăng giá. “Hơn nữa, trên thực tế, doanh nghiệp đã lãi đậm trong thời gian gần đây. Mỗi ngày, với tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của cả nước trên 30 triệu tấn thì các doanh nghiệp đã lãi hàng chục tỉ đồng. Đợt giảm giá xăng dầu mới đây, doanh nghiệp có thể được giảm sâu hơn, không chỉ dừng lại ở 950 đồng/lít xăng. Doanh nghiệp nên ngưng thu quỹ bình ổn 300 đồng/lít để thể hiện sự chia sẻ với người tiêu dùng” - ông Long đề xuất.
Theo một vị chuyên gia khác, việc Petrolimex lấy lý do phải dự trữ xăng dầu nên ảnh hưởng đến lợi nhuận là chưa thuyết phục. “Thời điểm này, doanh nghiệp có thể phải dự trữ với giá cao trong khi giá thực tế của thế giới thấp buộc phải giảm giá thì sẽ có thời điểm diễn biến ngược lại để bù đắp. Do đó, các đầu mối xăng dầu không lo bị lỗ” - chuyên gia này nói.
Lợi nhuận của Petrolimex là lợi nhuận của doanh nghiệp thống lĩnh thị trường nhưng việc định giá chưa theo quy luật thị trường.
TS Lê Đăng Doanh
Bình luận (0)