xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phao cứu sinh cho doanh nghiệp

THÁI PHƯƠNG

Việc tổ chức kết nối ngân hàng với doanh nghiệp của UBND TP HCM đã giúp doanh nghiệp bớt đi nỗi lo về lãi suất trong sản xuất kinh doanh

Hội nghị sơ kết 3 năm chương trình kết nối ngân hàng (NH) và doanh nghiệp (DN) trên địa bàn đã được UBND TP HCM tổ chức ngày 24-7. Theo đó, chỉ trong 3 năm triển khai, đã có 6.298 khách hàng tiếp cận được vốn lãi suất thấp với tổng số tiền 145.116 tỉ đồng nhưng chưa phát sinh một khoản nợ xấu nào.

Bớt gánh nặng lãi suất

Ông Lê Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, cho biết Tân Bình là một trong những địa bàn có số lượng DN hoạt động nhiều nhất với khoảng 18.000 DN, chủ yếu quy mô vừa và nhỏ. Giai đoạn 2010-2012, do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế và trong nước lạm phát tăng cao nên DN nhỏ, siêu nhỏ gặp khó khăn phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng sản xuất. Chỉ riêng năm 2012, Tân Bình có gần 500 DN ngừng hoạt động buộc lãnh đạo quận phải tìm hướng tiếp cận vốn NH để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.

Qua chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp do UBND TP HCM tổ chức, đã có 6.298 khách hàng tiếp cận được vốn lãi suất thấp với tổng số tiền 145.116 tỉ đồng Ảnh: Tấn Thạnh
Qua chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp do UBND TP HCM tổ chức, đã có 6.298 khách hàng tiếp cận được vốn lãi suất thấp với tổng số tiền 145.116 tỉ đồng Ảnh: Tấn Thạnh

Những bước đi đầu tiên về mô hình kết nối NH và DN được triển khai ở quận Tân Bình. “Quận đã trao đổi với lãnh đạo NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM nhằm tiếp cận một số NH thương mại, hỗ trợ vốn lãi suất thấp cho DN sản xuất kinh doanh. Trong 3 năm, gần 4.500 tỉ đồng vốn vay lãi xuất thấp đã đến tay DN, góp phần giúp họ ổn định sản xuất” - ông Lê Sơn nhớ lại.

Với các DN, cái “được” lớn nhất từ mô hình kết nối này là tháo gỡ nút thắt bấy lâu về mối quan hệ với NH, nay đã thiện cảm hơn. Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, nhìn nhận trước đây DN thường than phiền NH chỉ khư khư giữ tài sản thế chấp nên DN khó tiếp cận. “Phải đến khi mô hình rất sáng tạo này được triển khai, nút thắt mới được tháo gỡ và tiếng nói giờ không còn xa cách. Dù hiệp hội, sở ngành và UBND các quận huyện chỉ đứng sau lưng, không bảo lãnh nhưng tạo niềm tin rất lớn cho cả người cho vay và đi vay” - ông Mười chia sẻ.

Tổng Giám đốc NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), ông Lê Đức Thọ, cho biết trong 3 năm, tổng số tiền giải ngân của VietinBank cho các DN khoảng 90.000 tỉ đồng và dư nợ đến nay còn lại trên 30.000 tỉ đồng nhưng chưa phát sinh một khoản nợ xấu nào.

Lan tỏa

Tất cả DN tham gia chương trình trên mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các thành phần kinh tế đều được hưởng lãi suất ưu đãi như cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Năm 2012, lãi suất cho vay trong chương trình từ 12%-14%/năm, nay giảm còn 5,5%-10%/năm. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến từ 6%-7%/năm và xoay quanh 9%/năm với khoản vay trung dài hạn.

Nếu tháng 7-2012, thời điểm bắt đầu triển khai mô hình kết nối, các NH thương mại chỉ hỗ trợ 84 DN với hạn mức tín dụng 658 tỉ đồng. Sau 3 năm, đã có 6.298 DN được cam kết cấp vốn với tổng số tiền 145.116 tỉ đồng. “Ngoài việc tăng số lượng khách hàng, số vốn ký kết, các lĩnh vực cho vay cũng được phân khúc đến từng ngành hàng, từng lĩnh vực, gồm cả hộ kinh doanh, tiểu thương các chợ” - bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP, nhận định.

Đặc biệt năm nay, chỉ tiêu giao 60.000 tỉ đồng nhưng chỉ trong nửa đầu năm con số thực hiện đã lên hơn 77.600 tỉ đồng, vượt 30% kế hoạch. Liên quan đến lãi suất, bà Hồng đề nghị giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN nhiều hơn nữa.

Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến, hiện lãi suất cho vay ưu đãi tối đa đã là 7%/năm. Muốn giảm thêm lãi suất đầu ra phải phụ thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và nhất là lãi suất tiền gửi. “Hiện lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm phổ biến 6%/năm, nếu NH thương mại cho vay ở mức này đã là cố gắng rất lớn, còn thấp hơn phải tính toán kỹ và NH Nhà nước chỉ khuyến khích các NH tự cân đối nguồn vốn của mình” - ông Tiến phân tích.

Tiếp tục gỡ nút thắt về vốn

Tại hội nghị, một số DN trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao cho biết vẫn rất khó tiếp cận vốn NH do không có tài sản thế chấp (đất đầu tư nông nghiệp thuê lâu năm, đóng tiền sử dụng đất hằng năm không thể thế chấp) và nhà xưởng xây dựng trên đất cũng khó thế chấp. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, khẳng định: DN có thể được vay tín chấp hoặc thế chấp bằng dòng tiền hoạt động của DN. Với những DN gặp khó khăn trong tiếp cận, bị nhũng nhiễu có thể gọi đến đường dây nóng của NH Nhà nước Chi nhánh TP (08 38 211 230). Đã có khoảng 30 DN gọi đến đường dây nóng và sau đó được tháo gỡ khó khăn, tiếp cận được vốn vay. “Nếu hoạt động sản xuất kinh doanh bị lỗ, DN vẫn có thể vay vốn nhưng chỉ cần vướng một đồng nợ xấu sẽ không thể tiếp cận. Xử lý nợ xấu của ngành NH do đó cũng đóng vai trò rất quan trọng để bơm vốn đến DN” - ông Minh nói.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo