xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Samsung chọn Việt Nam làm “cứ điểm”

Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG

Dự án khu phức hợp điện tử gia dụng Samsung với tổng mức đầu tư hơn 1,4 tỉ USD đã biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất điện thoại di động và hàng điện tử gia dụng lớn nhất thế giới của tập đoàn này

Ngày 19-5, Công ty Samsung Electronics (thuộc Tập đoàn Samsung) đã khởi công khu phức hợp điện tử gia dụng Samsung (SEHC) với tổng mức đầu tư 1,4 tỉ USD, tại Khu Công nghệ cao TP HCM. Đây là một trong những nhà máy sản xuất sản phẩm điện tử gia dụng công nghệ cao lớn nhất thế giới của tập đoàn này.

Địa chỉ đầu tư hấp dẫn

Khu phức hợp điện tử gia dụng Samsung được xây dựng trên diện tích 70 ha, dự kiến đi vào hoạt động từ quý II/2016 với các dòng sản phẩm tivi cao cấp và ngành hàng điện gia dụng. Dự án là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng tivi toàn cầu của Samsung, góp phần củng cố vị trí là nhà sản xuất tivi số 1 thế giới mà thương hiệu này nắm giữ suốt 9 năm qua.

Ông Jongho Kim - Tổng Giám đốc ngành hàng điện tử gia dụng, Tập đoàn Samsung - cho biết: “Việt Nam không chỉ là địa điểm đầu tư hấp dẫn mà đã thực sự trở thành ngôi nhà của chúng tôi. Thông qua việc triển khai dự án mới này, chúng tôi tiếp tục đặt niềm tin vững chắc vào tương lai phát triển cùng Việt Nam”.

Dự án khu phức hợp điện tử gia dụng Samsung có tổng mức đầu tư 1,4 tỉ USD được khởi công sáng 19-5
Dự án khu phức hợp điện tử gia dụng Samsung có tổng mức đầu tư 1,4 tỉ USD được khởi công sáng 19-5

Samsung Electronics bắt đầu triển khai hoạt động tại Việt Nam từ năm 1995 với dự án đầu tiên là Công ty Điện tử Samsung Vina. Hiện tại Samsung đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam và thành công với 2 dự án chuyên sản xuất thiết bị di động và linh kiện gồm khu tổ hợp Samsung Bắc Ninh (SEV) và Samsung Thái Nguyên (SEVT) với tổng vốn đầu tư 7,5 tỉ USD.

Theo ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chính phủ cũng đang xem xét một dự án có vốn “khủng” khác của Samsung là Samsung Display ở Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư 3 tỉ USD. Nếu dự án này được thông qua, Tập đoàn Samsung đã rót đến 15 tỉ USD trong vòng 20 năm có mặt ở Việt Nam. Số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2014 cho thấy chỉ riêng 2 khu tổ hợp SEV và SEVT đã xuất khẩu 26,3 tỉ USD, chiếm 17,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tạo việc làm trực tiếp cho hơn 100.000 lao động.

Cơ hội không chỉ lắp ráp, đóng gói…

Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP HCM, ông Park Noh Wah, cho biết đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng từ 500 triệu USD lên mức 38 tỉ USD trong hơn 20 năm qua, trở thành quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Vốn và công nghệ của Hàn Quốc cùng nguồn nhân lực Việt Nam sẽ tạo hiệu quả trong quá trình xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ, tăng tỉ lệ nội địa hóa.

Bộ trưởng Nguyễn Quân kỳ vọng dự án của Samsung sẽ góp phần giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất sản phẩm công nghệ tiên tiến, hiện đại trong lĩnh vực điện tử, gia dụng. Đặc biệt, một trung tâm nghiên cứu và phát triển được xây dựng nằm trong dự án sẽ là bước tiến quan trọng, doanh nghiệp (DN) nội không chỉ hợp tác ở lắp ráp, đóng gói mà sẽ có cơ hội tham gia nghiên cứu, phát triển ngay tại Việt Nam.

Hiện phía Samsung và Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM đang tiến hành các bước tìm kiếm nhà cung ứng linh kiện, phụ kiện đầu vào cho dự án SEHC. Đây là cơ hội rất lớn cho DN trong nước tham gia vào mắt xích trong chuỗi sản xuất toàn cầu của tập đoàn này.

Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM Lê Hoài Quốc cho biết ngay sau khi Samsung rót 1,4 tỉ USD triển khai dự án SEHC, rất nhiều DN trong nước đã quan tâm và muốn trở thành một mắt xích cung cấp linh phụ kiện đầu vào. “Ban quản lý đã tổ chức kết nối giữa Samsung với các DN, từ hàng trăm DN cung cấp linh phụ kiện qua 3 vòng kết nối chỉ còn khoảng hơn 20 DN, đòi hỏi tiêu chuẩn sản phẩm chất lượng ổn định và sản lượng phải đáp ứng yêu cầu” - ông Quốc nói.

Theo ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng Giám đốc Samsung Vina, yêu cầu để trở thành nhà cung cấp của Samsung rất khắt khe, nhiều điều khoản DN nội địa chưa chú ý nên rất khó đáp ứng như về sở hữu trí tuệ, tuân thủ vấn đề đạo đức…

Hiện phần lớn các nhà cung ứng linh phụ kiện cho Samsung ở 2 nhà máy SEV và SEVT tại Bắc Ninh và Thái Nguyên đều đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan. Số lượng DN Việt chen chân vào chuỗi sản suất của tập đoàn này còn rất hạn chế. Tỉ lệ nội địa hóa ở các nhà máy của Samsung chỉ từ 15%-30%.

“Một hội nghị giữa Samsung và các DN trong nước dự kiến được tổ chức vào cuối năm nay. Đây là cơ hội rất lớn cho DN trong nước muốn trở thành mắt xích của Samsung” - ông Đạo nói.

Doanh nghiệp chưa sẵn sàng

Đi kèm với dự án SEHC tại Khu Công nghệ cao TP HCM, Tập đoàn Samsung sẽ xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển. Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng trung tâm này sẽ giúp Việt Nam tiếp cận dần với công nghệ cao của thế giới và sử dụng nguồn nhân lực trình độ cao người Việt vào quá trình sản xuất.

Có điều, theo ông Lê Hoài Quốc, trong khi cơ hội từ dự án 1,4 tỉ USD của Samsung là rất lớn nhưng nhiều DN trong nước lại chưa sẵn sàng. “Một khi Samsung ở Việt Nam chấp nhận một linh phụ kiện do DN bản địa sản xuất thì Samsung trên toàn thế giới cũng sẽ chấp nhận và đòi hỏi một số lượng sản phẩm rất lớn” - ông Quốc nói.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo