Tổng cục Thống kê đánh giá dù còn nhiều khó khăn nhưng bức tranh sản xuất công nghiệp cả năm đã có dấu hiệu cải thiện.
Xuất khẩu thúc đẩy sản xuất
Sản xuất công nghiệp năm 2013 đã có dấu hiệu phục hồi, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng 7,4%, cao hơn nhiều so với mức tăng 5,5% của năm 2012. Ngành công nghiệp chủ lực này chiếm tỉ trọng 71% giá trị tăng thêm toàn ngành, đã có sự chuyển biến rõ nét qua các quý (quý I tăng 5,3%; quý II tăng 6,9%; quý III tăng 7,8% và quý IV tăng 10,1%), nhờ đó trở thành động lực chính giúp cải thiện tình hình sản xuất. Ngoài ra, nhiều ngành khác cũng có mức tăng trưởng khá cao, như: ngành sản xuất, phân phối điện tăng 8,5%; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 9,1%...
Xuất khẩu cả nước chuyển biến tích cực, kim ngạch xuất khẩu năm 2013 ước đạt 132,2 tỉ USD, tăng 15,4% so với năm 2012, nhờ đó thúc đẩy nhiều ngành sản xuất trong nước phát triển, kích hoạt nhập khẩu của doanh nghiệp (DN) trong nước tăng trở lại, đặc biệt là nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ sản xuất. Kinh tế bớt khó khăn nên số lượng DN thành lập mới tăng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 11 tháng qua, cả nước có 71.018 DN đăng ký thành lập mới, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2012, với số vốn đăng ký 359.470 tỉ đồng. Cũng trong thời gian ấy, đã có 54.932 DN hoàn thành các thủ tục giải thể và tạm ngừng hoạt động.
Lo sức mua yếu
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), dù sản xuất được cải thiện nhưng nền kinh tế vẫn còn trì trệ khi sức mua của người dân chậm cải thiện, thể hiện qua mức hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng cũng như vận chuyển hàng hóa tăng chậm hơn cùng kỳ năm trước, điều đó làm cho đa số DN vẫn còn khó khăn. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (gọi tắt - TMBL) năm 2013 ước tính tăng 12,6% so với năm 2012, nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 5,6%. Trong TMBL năm 2013, khu vực kinh tế nhà nước chiếm 9,9%, kinh tế dân doanh chiếm 86,7% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 3,4%. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, mức tăng trưởng TMBL chỉ tăng 5,6% là biểu hiện của sức mua người dân còn yếu. Nếu sức mua thị trường tiếp tục không được cải thiện thì khả năng sản xuất khó phục hồi nhanh trong thời gian tới.
Trong khi khu vực FDI kim ngạch xuất khẩu tăng 22,4% thì khối DN trong nước chỉ tăng 3,5%, qua đó cho thấy DN trong nước chuyên xuất khẩu đang rất khó khăn. Dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vốn cho sản xuất và kinh doanh nhưng do sức mua thị trường yếu nên DN ít vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, vì vậy tín dụng tăng thấp. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: “Năm nay, đến giờ phút này, tăng trưởng tín dụng đã đạt 9,5% và dự kiến đến cuối năm sẽ được trên 10%”, thấp hơn mục tiêu ban đầu 2%.
Tổng thu ngân sách ước đạt 790.800 tỉ đồng
Theo Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2013 ước đạt 790.800 tỉ đồng, bằng 96,9% dự toán năm, trong đó: thu nội địa đạt 530.000 tỉ đồng, thu từ dầu thô 115.000 tỉ đồng, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu 140.800 tỉ đồng. Tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 986.200 tỉ đồng, bằng 100,8% dự toán năm, mức bội chi ngân sách bằng 5,3% GDP, vượt mức 4,8% đã dự toán. Tỉ lệ bội chi này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cân đối ngân sách trung hạn.
Bình luận (0)